Các doanh nghiệp niêm yết đang gần về đích công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán 2019, nhưng chất lượng kiểm toán năm nay như thế nào lại là câu hỏi ngỏ |
Trên 80% Doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính có kiểm toán 2019
Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, tính đến ngày 8/4/2020, đã có trên 80% số doanh nghiệp (DN) niêm yết thực thi được nghĩa vụ công bố cáo cáo tài chính (BCTC) 2019 có kiểm toán.
Với diễn biến này, khả năng đến thời hạn cuối cùng công bố loại báo cáo này (10/4/2020), TTCK Việt Nam sẽ chỉ có dưới 100 DN bị vi phạm thời hạn, trong tổng số 800 DN niêm yết trên 2 Sở hiện nay.
Sở dĩ các DN phải cấp tập hoàn thành báo cáo tài chính có kiểm toán ngay cả trong bối cảnh đại dịch, việc cách ly bắt buộc diễn ra ở nhiều vùng, nhiều địa điểm, là bởi pháp luật chung về kế toán (Luật Kế toán và các văn bản dưới Luật) không có quy định cụ thể các trường hợp DN được hoãn nộp và công khai BCTC năm.
Từ giữa tháng 2/2020, Hiệp hội Kế toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã có công văn gửi Bộ Tài chính, UBCK, đề xuất lùi thời hạn nộp BCTC năm có kiểm toán do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng pháp luật không có điều khoản nào cho lùi, hoãn việc này.
Ðây là lý do chính khiến trong công văn trả lời VACPA, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát, kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính, ông Vũ Ðức Chính chỉ gợi ý giải pháp là đề nghị DN chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch có văn bản gửi Bộ, nêu rõ bằng chứng ảnh hưởng của dịch đến việc nộp và công bố thông tin theo quy định.
Ghi nhận thực tế cho thấy, các DN niêm yết đang gần về đích công bố BCTC đã kiểm toán 2019, nhưng chất lượng kiểm toán năm nay như thế nào lại là câu hỏi ngỏ.
Trừ một số trường hợp, kiểm toán phát hiện ra những DN có sự ghi nhận không chuẩn dòng chảy tài chính trong năm như tại Than Hà Lầm, Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (MCG), Camimex Group (CMX)… thì với các DN niêm yết khác, liệu kiểm toán có đủ thời gian và làm hết trách nhiệm để xác thực được tính trung thực, chuẩn mực trong các BCTC mà DN lập nên hay không?
Băn khoăn chất lượng đánh giá báo cáo tài chính
Trong công văn gửi Bộ Tài chính giữa tháng 2/2020, ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch VACPA đã nêu ra nhiều điểm khó khăn của kiểm toán viên khi mùa kiểm toán năm nay chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Chẳng hạn, DN có thể không bố trí đầy đủ nhân sự làm việc hoặc không thể cung cấp được kịp thời thông tin cần thiết, dẫn đến kiểm toán viên chưa thu thập dược đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán BCTC.
Có những DN từ chối không tiếp nhóm kiểm toán trong thời gian cần thiết tác nghiệp kiểm toán khi biết có thành viên trong nhóm đã từng đến khu vực có dịch bệnh…
Những khó khăn này, theo ông Danh, có thể khiến chất lượng kiểm toán bị ảnh hưởng, do kiểm toán viên không đủ thời gian cần thiết hợp lý để hoàn thành công việc theo yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán.
Hệ lụy tiếp theo là có thể sẽ có một số báo cáo kiểm toán phải đưa ra ý kiến ngoại trừ, hoặc từ chối do không thu thập đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của DN được kiểm toán.
Ngoài ra, do bị giới hạn về phạm vi kiểm toán, nên kiểm toán viên sẽ có thể không phát hiện ra các sai sót (có thể có) để đề xuất với đơn vị được kiểm toán điều chỉnh.
Do đó, ông Danh cho rằng, tính trung thực và hợp lý của BCTC 2019 có thể bị ảnh hưởng.
Ðây là những lý do VACPA kiến nghị Bộ Tài chính cho lùi thời hạn nộp BCTC đã kiểm toán của các DN thêm 1 tháng (so với thời hạn hiện hành là 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính), nhưng đề xuất này không được đáp ứng, vì lý do như chia sẻ ở trên.
Liên quan đến chất lượng kiểm toán, cuối năm 2019, UBCK công bố báo cáo kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán của 10 công ty trong năm, trong đó có 3 công ty chịu sự kiểm tra 2 lần kể từ năm 2014 (Công ty TNHH Kiểm toán An Việt, Công ty TNHH Kiểm toán tư vấn Ðất Việt, Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn Chuẩn Việt).
Báo cáo của UBCK đã chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót về tính tuân thủ và kỹ thuật hồ sơ kiểm toán.
Chẳng hạn, việc theo dõi kiểm toán viên ký báo cáo kiểm toán chưa chính xác; hợp đồng kiểm toán chưa được đánh số liên tục; không có tài liệu thể hiện sự kiểm tra, giám sát của ban lãnh đạo công ty trong quá trình đào tạo.
Chọn mẫu từ 3 đến 4 hồ sơ kiểm toán BCTC của các công ty kiểm toán phát hành trong năm 2018, 2019, UBCK nhận thấy, một số công ty có thủ tục đánh giá rủi ro và chấp nhận khách hàng sơ sài; chưa xác định rủi ro có sai sót trọng yếu trong từng khoản mục và số dư tài khoản; không thực hiện đầy đủ thủ tục gửi thư xác nhận công nợ với khách hàng và thư xác nhận ngân hàng; thủ tục kiểm toán hàng tồn kho không đầy đủ; không đánh giá đầy đủ các khoản đầu tư liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác; không thực hiện đầy đủ các thủ tục thu thập bằng chứng của các bên liên quan, không đánh giá đầy đủ về giao dịch với các bên liên quan...
Việt Nam hiện có 193 DN đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, trong đó chỉ có 34 DN đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng.
Với các DN cung cấp dịch vụ kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng, theo quy định tại Thông tư số 157/2014/TT-BTC, UBCK tổ chức kiểm tra trực tiếp chất lượng dịch vụ kiểm toán hàng năm và công khai đánh giá chất lượng kiểm toán.
Theo đó, năm 2014, UBCK kiểm tra 5 công ty kiểm toán, năm 2015 kiểm tra 6 công ty, năm 2016 kiểm tra 10 công ty, năm 2017 kiểm tra 9 công ty, năm 2018 kiểm tra 7 công ty và 2019 kiểm tra 10 công ty.
Kết quả cho thấy, chỉ có một số công ty như Deloitte Việt Nam, PwC Việt Nam, Ernst & Young Việt Nam, KPMG, AASC, A&C được đánh giá là tốt, còn lại chỉ ở mức đạt yêu cầu.
Sẽ minh bạch và hiệu quả hơn cho TTCK Việt Nam nếu mùa báo cáo kiểm toán năm nay khắc phục được những tồn tại, sai sót cũ trong mối quan hệ giữa kiểm toán và DN được kiểm toán của những năm trước.
Tuy nhiên, với ảnh hưởng của đại dịch bất thường năm nay, các sai sót cũ liệu có lặp lại và chồng thêm các sai sót mới khi các bên phải “chạy” tiến độ kiểm toán như hiện nay?
Cuối năm 2020, UBCK sẽ công bố báo cáo đánh giá chất lượng kiểm toán mới. Trong bối cảnh hiện nay, sẽ không thừa nếu nhà đầu tư gia tăng sự thận trọng trước khi đặt niềm tin vào những con số DN công bố.