Ảnh Shutterstock |
Tháng 10 bán ròng gần 1.630 tỷ đồng
Trong tháng 10/2019, khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX, với giá trị lần lượt là 1.661 tỷ đồng và 28,4 tỷ đồng.
Theo dữ liệu của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), trên sàn HOSE, có 164 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng, trong khi 150 cổ phiếu được mua ròng. Họ bán mạnh các mã VIC (397,3 tỷ đồng), VHM (271,8 tỷ đồng), MSN (221,5 tỷ đồng).
Còn trên sàn HNX, có 83 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng, tập trung vào một số mã như PVS (53,7 tỷ đồng), NET (33,3 tỷ đồng).
Ngược lại, khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhẹ trên sàn UPCoM, với tổng giá trị mua ròng 59,5 tỷ đồng, trong đó mua ròng 85,9 tỷ đồng QNS, 55,2 tỷ đồng ACV.
Ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán APG cho rằng, động thái bán ròng của khối ngoại trong tháng 10/2019 không có gì bất thường.
Lý do là bởi các chỉ tiêu của nền kinh tế Việt Nam năm 2019 tuy còn gần 2 tháng nữa mới kết thúc, nhưng đến nay đã rõ ràng và được phản ánh vào diễn biến của thị trường chứng khoán thời gian qua, nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn phương án thoái vốn, chờ cơ hội đầu tư mới hấp dẫn hơn.
“Mặt khác, thị trường đang bước vào giai đoạn cuối năm, nên khi có cơ hội tốt, các quỹ đầu tư nước ngoài thường có động thái bán ra để chốt kết quả hoạt động cả năm. Với cách bán này, khối ngoại sẽ không thoái vốn ồ ạt, mà họ vừa bán, vừa tìm cách giữ giá, nhằm tối ưu hóa lợi ích cho động thái bán ra”, ông Hà nói.
Động thái bán ròng có thể tiếp diễn
Những phiên giao dịch đầu tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu quay trở lại mua ròng. Tuy nhiên, theo góc nhìn của một số công ty chứng khoán, dự báo khối ngoại tiếp tục có xu hướng bán ròng trong tháng 11, thậm chí cho đến cuối năm nay.
Mặc dù vậy, giá trị bán ra nhiều khả năng sẽ không cao, nếu diễn biến kinh tế cũng như thị trường chứng khoán toàn cầu giữ được trạng thái ít biến động như hiện tại.
“Xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể tiếp diễn từ nay đến cuối năm, vì theo chu trình vòng quay vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài, họ rót tiền vào Việt Nam đầu năm, thì thường cuối năm là thời điểm thu hồi vốn, để chuẩn bị cho một chiến lược đầu tư trong năm mới. Tuy nhiên, xu hướng này nếu diễn ra cũng không có gì quá đáng ngại”, lãnh đạo một công ty chứng khoán đang niêm yết trên HOSE nhận định.
Thực tế, động thái của dòng vốn ngoại có tác động đến diễn biến chỉ số và thanh khoản thị trường.
Theo BSC, trong tháng 11 này, trường hợp tích cực, thanh khoản thị trường cải thiện dần, VN-Index đạt 1.050 điểm và duy trì trên ngưỡng 1.000 điểm.
Với kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể giảm xuống 983 điểm nếu thị trường vẫn bị áp lực thoái vốn của khối ngoại, cũng như đối mặt với những thông tin bất lợi từ thế giới.
Một số chuyên gia cho rằng, vào cuối tháng 11, khi Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ mở ra dư địa phát triển mới cho thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, nếu Việt Nam có bước tiến trong thực thi các cải cách để nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, cộng với tăng trưởng kinh tế giữ được nhịp độ tốt, kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện theo hướng vững hơn, đồng thời hiệu quả kinh doanh, cũng như chất lượng minh bạch, quản trị của các doanh nghiệp niêm yết có sự cải thiện và tăng trưởng…, thì cơ hội để Việt Nam sớm đảo ngược xu hướng bán ròng hiện nay của khối ngoại không phải là quá khó.
Thống kê giao dịch của khối ngoại trong tháng 11 năm 2017 và 2018 cho thấy, giá trị mua vào lớn hơn giá trị bán ra; giá trị mua ròng lần lượt đạt 10.414,9 tỷ đồng và 1.305,5 tỷ đồng.