Tài chính - Chứng khoán
Thị trường chứng khoán: Số đông nhà đầu tư đang ghi nhận mức lỗ hai con số
CTCK Maybank Kim Eng - 01/06/2018 10:44
Chứng khoán Việt Nam đã trải qua hai tháng tồi tệ nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, với mức giảm khoảng 20%, trở thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong giai đoạn hiện nay. Đã có những dấu hiệu về khả năng các chỉ số dần tiết chế được đà giảm và tạo lập thành công vùng cân bằng trong những ngày cuối cùng của tháng 5.
TTCK thật sự khắc nghiệt với nhà đầu tư trong hai tháng vừa qua .

3 lý do cho kịch bản tích cực hơn trong tháng 6

Tháng 6, Maybank Kim Eng (MBKE) nghiêng về kịch bản tích cực hơn cho thị trường vì các lý do sau.

Thứ nhất là yếu tố lịch sử. Trừ khi nghĩ rằng, TTCK Việt Nam đã thật sự quay lại giai đoạn khủng hoảng của những năm 2007 - 2008 , còn lại trong 10 năm qua (2009 - 2018) mức giảm liên tiếp 20% có thể xem là “cực đại” trong những đợt điều chỉnh dù là mạnh nhất trong những năm này.

Những pha điều chỉnh mạnh năm 2009 và 2012, mức giảm liên tiếp cộng lại cũng chỉ xấp xỉ 20%. Do đó, đây là cơ sở đầu tiên để nghĩ đến đà giảm hiện tại của VN-Index đã ở mức cao nhất so với những gì chỉ số này hoạt động trong 10 năm qua.

Thứ hai, khối ngoại có khả năng quay lại mua ròng hoặc chí ít là những giao dịch cân bằng. Việc liên tiếp có cung hàng lớn trong thời gian ngắn, đặc biệt ở thương vụ của Vinhomes (VHM) trong bối cảnh việc tìm kiếm dòng tiền mới của khối ngoại không dễ dàng đã tạo ra một nghịch cảnh lớn trong tháng 4 và 5 vừa qua.

Hầu hết các quỹ đều chịu áp lực trong việc phải cơ cấu (bán) một phần đáng kể danh mục niêm yết đang có nếu muốn tham gia vào thương vụ của VHM và điều này là một trong các nguyên nhân quan trọng khiến khối ngoại liên tiếp ghi nhận bán ròng tại TTCK Việt Nam thời gian qua.

Tháng 6 sẽ không còn những tác động mang tính đột biến trên và nhiều khả năng, khi định giá của TTCK Việt Nam hiện đã quay về các mức hấp dẫn hơn thì việc huy động các dòng vốn mới sẽ không còn là bài toán khó dành cho các quỹ đầu tư tại Việt Nam hiện nay.

Thứ ba, kinh tế vĩ mô hứa hẹn vẫn “khỏe mạnh”. Tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt 7,38% so với mức 5,15% của cùng kỳ năm trước nhờ đóng góp của khu vực sản xuất (+13,65%) mức tăng trưởng hơn kỳ vọng của khu vực nông nghiệp (4,05% so với mức 2 - 3% trong lịch sử). Do đó, tăng trưởng GDP cho cả năm được dự báo tăng lên mức 6,8% từ mức 6,5% trước đó để phản ánh đà tăng của khu vực sản xuất và nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cam kết cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh với kế hoạch sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 15 - 17%, mức thuế có thể là thấp nhất trong khu vực. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối gia tăng, lạm phát trong tầm kiểm soát, nợ xấu của hệ thống ngân hàng được tích cực giải quyết là những yếu tố cho thấy kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang cải thiện đáng kể.

Chỉ số giá cả tiêu dùng trong tháng 5 tăng 3,86%, chủ yếu do thịt lợn và xăng dầu tăng giá, nhưng chúng tôi không cho là đáng ngại vì không nghĩ 2 mặt hàng này sẽ giữ giá trong thời gian dài (khả năng cao là sẽ giảm, đặc biệt là thịt lợn). Xuất khẩu tăng trưởng 1 con số trong 2 tháng gần đây so với mức 25% trong quý I/2018 không phải là tệ, nhất là khi tháng 4 và tháng 5 năm ngoái, xuất khẩu điện thoại rất tốt (Samsung S8 và S8+).

Quỹ ngoại có thể thu hút vốn mới và cơ hội đầu tư giá trị

Quý I/2018, việc huy động vốn mới của nhiều quỹ trên thị trường gặp nhiều khó khăn khi định giá của TTCK Việt Nam vượt khá xa so với mức trung bình các thị trường trong khu vực. Hiện tại, mức P/E 2018 của chứng khoán Việt Nam đã giảm đáng kể và không còn chênh lệch với mức trung bình của khu vực, quanh mức 14 lần. Kết hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội so với trung bình khu vực, chúng tôi đánh giá, mức định giá hiện nay của TTCK Việt Nam đã hấp dẫn hơn và có cơ sở để các quỹ thu hút các dòng vốn mới.

Giai đoạn nửa đầu tháng 6 sẽ là thời gian thực hiện cơ cấu danh mục định kỳ của các quỹ ETF. Theo kết quả nghiên cứu của MBKE, nhiều khả năng sẽ không có đột biến lớn trong kỳ cơ cấu sắp tới, những sự thay đổi ra vào chủ yếu ở những cổ phiếu không quá lớn.

Cụ thể, với ETF VNM, quỹ này có thể loại cổ phiếu HSG hoặc NT2 (hoặc cả hai) do vi phạm về yếu tố vốn hóa (HSG) và thanh khoản (NT2); ở chiều thêm mới sẽ có cơ hội dành cho PDR và PVS, nhưng cơ hội không quá lớn vì vốn hóa không quá cao. Với Quỹ ETF FTSE, cổ phiếu FLC có thể sẽ bị loại khỏi danh mục, trong khi ở chiều thêm mới có thể không có thêm cổ phiếu nào.

TTCK thật sự khắc nghiệt với nhà đầu tư trong hai tháng vừa qua và việc chỉ mất hết thành quả trong năm 2018 thậm chí đã có thể coi là “thành công” khi số đông nhà đầu tư ghi nhận mức lỗ hai con số. Niềm tin dành cho thị trường bị sứt mẻ trong giai đoạn vừa qua, dù vậy chúng tôi cho rằng, đây là lúc nhà đầu tư cần nhìn nhận rõ ràng các vấn đề đang đối mặt.

Trong ngắn hạn, rủi ro thị trường vẫn ở mức cao khi mà khối ngoại chưa hoàn toàn dừng bán ròng và tình trạng thị trường tài chính thế giới cũng tiềm ẩn nhiều bất ổn, nhưng chúng tôi nhận thấy đã xuất hiện nhiều cơ hội đầu tư giá trị. Đó là những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản đi kèm với mức định giá hấp dẫn, điều mà cách đây 3 tháng rất khó có được.

Tin liên quan
Tin khác