Cho dù giá nhiều cổ phiếu đã tăng cao, nhưng nhà đầu tư vẫn còn dư địa cho đầu tư trung và dài hạn, thậm chí lướt sóng ngắn hạn trong tháng 3 tới |
ETF tái cơ cấu danh mục, Fed dự kiến tăng lãi suất…
Về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được nhiều chuyên gia nhận định, xu hướng chủ đạo vẫn là tăng điểm. Nhưng trong ngắn hạn, trong bối cảnh thị trường đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay và có những phiên rớt điểm “gây sốc” ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trước Tết Nguyên đán, cộng thêm thanh khoản giảm và những nghi ngại về một số sự kiện có thể ảnh hưởng đến thị trường trong tháng 3 khiến không ít nhà đầu tư giao dịch trong băn khoăn, cầm tiền không dám mua, có hàng không dám chốt lời.
Tháng 3 dự kiến sẽ ghi nhận các sự kiện có tác động tới diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam như hai quỹ V.N.M ETF và FTSE ETF thực hiện tái có cấu danh mục từ ngày 5/3 - 16/3/2018. Hoạt động mua mới và bán bớt các cổ phiếu cũ trong danh mục của 2 quỹ này sẽ phần nào tác động tới diễn biến giá của các cổ phiếu liên quan, qua đó tác động tới diễn biến thị trường chung.
Ngoài ra, phiên họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với dự kiến tăng lãi suất USD lần đầu tiên trong năm 2018 sẽ diễn ra vào khoảng thời gian từ ngày 20 - 21/3. Biến động lãi suất tại Mỹ đã tác động lớn tới thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây.
Diễn biến giảm mạnh của các chỉ số chứng khoán toàn cầu vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2018 được cho là phản ứng tiêu cực của dòng vốn khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh. Những lần tăng lãi suất trước đó của Fed cho thấy, diễn biến thị trường chứng khoán chủ yếu là giằng co, khi tâm lý nhà đầu tư tỏ ra thận trọng.
Dự báo diễn biến thị trường
Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường có thể sẽ diễn biến theo hướng giằng co, điều chỉnh nhẹ trong nửa đầu tháng 3 và tăng trở lại trong 2 tuần cuối tháng.
Trong ngắn hạn, các chỉ số chứng khoán Việt Nam đã hồi phục tích cực với tổng cộng 5 phiên tăng điểm trong 6 phiên giao dịch gần nhất. Diễn biến hồi phục diễn ra trên diện rộng ở hầu hết các phân lớp cổ phiếu và những nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, bất động sản… đều có mức hồi phục giá so với đáy ngắn hạn từ 15 - 25%, cá biệt có những cổ phiếu trong nhóm dẫn dắt có mức tăng 30% so với mức giá thấp nhất trong đợt suy giảm trước Tết Âm lịch.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, chuyên gia chiến lược thị trường MBS.
Về thanh khoản thị trường sau Tết, giá trị giao dịch bằng khoảng 60% so với mức trung bình trước Tết, dòng tiền chảy vào thị trường cầm chừng dù chỉ số chứng khoán có những phiên tăng mạnh.
Nhưng cũng chính diễn biến thị trường như vậy đã khiến nhà đầu tư khó đưa ra quyết định đầu tư trong giai đoạn này. Ghi nhận tại một số công ty chứng khoán, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa tận dụng được đà tăng của thị trường. Nhà đầu tư cho rằng, các cổ phiếu đã tạo mặt bằng giá mới nên họ có tâm lý chờ đợi cổ phiếu điều chỉnh, ít nhất là gần vùng giá mà họ đã bỏ lỡ, khi đó mới dám xuống tiền.
Với các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, có người duy trì nắm giữ, có người bán ra hiện thực hóa lợi nhuận, hoặc cắt lỗ khi trước đó mua vào ở mức giá cao trước Tết.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, chuyên gia chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, việc nhiều nhóm cổ phiếu đã có mức hồi phục lớn so với đáy chỉ trong khoảng thời gian ngắn vừa qua sẽ khiến áp lực chốt lời gia tăng trong tuần tới, nhất là khi các chỉ số chính đang dần trở lại vùng đỉnh cũ, tương ứng vùng 1.120 - 1.130 điểm với VN-Index và 127 - 128 điểm với HNX-Index.
Lựa chọn nhóm ngành và cổ phiếu
Ông Ngọc khuyến nghị, những nhà đầu tư theo chiến thuật đầu tư ngắn hạn, lướt sóng, đã tham gia mua bắt đáy trước Tết có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng 70 - 80% để chờ các vùng giá cao hơn, khi đó mới thực hiện chốt lời, nhưng nên chủ động chốt lời với những cổ phiếu đã có mức tăng giá trên 20% nhằm bảo vệ thành quả khi thị trường phát đi tín hiệu suy yếu đà tăng.
Áp lực chốt lời gia tăng trong ngắn hạn khi nhiều nhóm cổ phiếu dẫn dắt đã tăng giá mạnh từ 15 - 25% sẽ là một trong những rào cản khiến thị trường dự báo có diễn biến giằng co trở lại, kết hợp với những tác động theo hướng thận trọng từ các sự kiện như các quỹ ETF tái cơ cấu danh mục và Fed nhiều khả năng sắp tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2018.
Đây là các yếu tố củng cố cho kịch bản TTCK biến động theo hướng giằng co và điều chỉnh tích lũy trong 2 tuần đầu tháng 3 và tăng trở lại trong 2 tuần cuối tháng, khi các yếu tố tác động tiêu cực đã phản ánh vào thị trường.
Với nhà đầu tư trung và dài hạn, ông Ngọc cho rằng, các đợt điều chỉnh lớn của thị trường sẽ là cơ hội tốt để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu có kết quả kinh doanh dự kiến tăng trưởng cao trong năm 2018, nhất là khi triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn của TTCK thế giới và Việt Nam vẫn được đánh giá là tích cực. Về nhóm ngành, nhà đầu tư được khuyến nghị ưu tiên các nhóm ngành dẫn dắt thị trường như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, bán lẻ và hàng tiêu dùng, dầu khí…
“Thời điểm giải ngân trở lại phù hợp, tôi cho rằng sẽ là trong khoảng từ ngày 15/3 - 21/3, khi hầu hết các thông tin và sự kiến ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư nhiều khả năng đã qua đi”, ông Ngọc nói và khuyến nghị nhà đầu tư quan tâm đến một số mã trong nhóm ngân hàng là MBB, ACB, VCB, BID, CTG…; trong nhóm chứng khoán là SSI, HCM, VND, MBS…; ở nhóm bất động sản là DXG, VCG, DIG, NLG…; xây dựng là CTD, HBC…; vật liệu xây dựng là HPG, CVT, C32, VGC, KSB…; bán lẻ là MWG, PNJ…; hàng tiêu dùng là VNM, SAB, KDC…; dầu khí là GAS, PVS...
Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index lên cao, tạo ra mặt bằng giá mới cho các cổ phiếu. Trong năm 2018, có nhiều câu chuyện mà nhà đầu tư cần lưu tâm như thoái vốn nhà nước, cải tổ hệ thống ngân hàng... Trước mắt, một số sự kiện sẽ có ảnh hưởng đến thị trường, nhưng trong bối cảnh hiện tại, mức độ ảnh hưởng không đáng kể.
Đó là Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất vào kỳ họp tháng 3, khả năng này đã được thị trường phản ánh trong đợt điều chỉnh vừa qua. Giá dầu cũng đã có chiều hướng ổn định. Trong 2 tuần đầu tháng 3 sẽ có đợt tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF. Tuy nhiên, so với quy mô thị trường hiện nay, lượng mua bán của các quỹ ETF dự kiến không ảnh hưởng nhiều, chủ yếu tác động đến một số mã cổ phiếu như PLX, VRE.
Theo quan điểm của cá nhân của ông Điệp, thị trường sẽ có diễn biến tích cực trong tháng 3. Cho dù giá nhiều cổ phiếu đã tăng cao, nhưng vẫn còn dư địa cho đầu tư trung và dài hạn, thậm chí lướt sóng ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể tập trung vào các nhóm cổ phiếu dầu khí (PVD, PVS, GAS…), nhóm chứng khoán (HCM, SSI, VND, SHS…), nhóm ngân hàng (VCB, MBB, ACB, STB, SHB…), nhóm bất động sản (SCR, NVL, LDG…).