Cổ phiếu tài chính được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng trong năm 2017 |
Các thị trường chứng khoán khu vực Đông Nam Á đồng loạt sụt giảm theo xu hướng dịch chuyển của dòng vốn. Chứng khoán Indonesia giảm 3,9%, chứng khoán Malaysia giảm 1,26%, chứng khoán Philipines giảm 4,19%. Giá chứng chỉ quỹ ETF đầu tư vào các thị trường mới nổi có mức sinh lời kém kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11/2016.
Trong khi đó, các thị trường phát triển vẫn tăng giá trong tâm lý lạc quan. Chỉ số Dow Jones công nghiệp của thị trường chứng khoán Mỹ tăng 0,46%, chỉ số DAX của thị trường chứng khoán Đức tăng 0,4%, Chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng 0,14%.
Trên thị trường Mỹ, cổ phiếu tài chính (XLF tăng 0,94%), công nghiệp (XLI tăng 0,66%) và công nghệ (XLK tăng 0,78%) là những nhóm sinh lời tốt nhất tuần qua. Sự chú ý của giới đầu tư dành cho cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm và các hãng môi giới chứng khoán lớn vẫn nóng.
Các dự báo mới nhất cho thấy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tự tin, với “sức khỏe” của nền kinh tế, Fed có thể tăng lãi suất 4 lần trong năm 2017. Các ngân hàng lớn muốn điều này vì họ có thể lập tức nâng chi phí các khoản cho vay, trong khi rất chậm chạp nâng lãi suất huy động. Các công ty bảo hiểm với lượng tiền mặt khổng lồ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng muốn lãi suất tăng để tái đầu tư các khoản tiền gửi với mức sinh lời lớn hơn. Còn các hãng môi giới chứng khoán, ảnh hưởng của lãi suất khiến nhà đầu tư cấu trúc lại danh mục, tìm kiếm các cơ hội mua bán, sáp nhập, giúp các hãng này thu nhiều phí hơn.
Tuy vậy, lãi suất tăng khiến các công ty nhà đất gặp khó khăn trong ngắn hạn. Cổ phiếu của các công ty bất động sản (IYR giảm 1,26%) và xây dựng nhà ở (XHB giảm 0,87%) sinh lời kém nhất tuần qua. Lãi suất trên các khoản vay đảm bảo bằng bất động sản cũng tăng theo lãi suất liên bang.
Lãi suất này tăng khiến chi phí mua nhà đắt đỏ hơn, các giao dịch bất động sản kém đi do người sở hữu nhà không muốn bán để rồi phải vay với lãi suất cao hơn cho một căn nhà khác. Mặc dù mức hiện tại chưa đủ cao để khiến thị trường nhà ở Mỹ hoảng sợ, nhưng sự kém chắc chắn của thị trường này trong năm 2017 khiến giá cổ phiếu nằm trong nhóm sinh lời kém nhất trong khoảng 2 tháng gần đây.
Chỉ số của thị trường hàng hóa được nâng đỡ bởi giá dầu thô, trong khi phần lớn các kim loại, quặng sắt và than đều giảm giá. Sự phục hồi của giá hàng hóa phụ thuộc nhiều vào sức khỏe nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc nên thiếu ổn định. Bản thân Trung Quốc đang đau đầu với việc đồng nội tệ giảm giá quá nhanh và dòng vốn rút mạnh khỏi thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, xu hướng giá các hàng hóa cơ bản như dầu, đồng, than sẽ tiếp tục diễn ra.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, giao dịch trong tuần qua nhìn chung là yếu, đa số cổ phiếu mất giá, ngoại trừ cổ phiếu thép và một số mã blue-chips như VCB, VIC, FPT... Cổ phiếu đồ uống đại diện là SAB và BHN sau nhiều phiên tăng giá đang có diễn biến điều chỉnh, gây sức ép lên VN-Index.
Chúng tôi đánh giá, thị trường đang đi vào giai đoạn trầm lắng và dễ bị chi phối bởi giao dịch của khối ngoại. Chỉ số chứng khoán đi ngang nhưng luôn có những cổ phiếu cho mức sinh lợi tốt hơn thị trường. Hiện là giai đoạn thích hợp nhất để tích lũy những cổ phiếu được đặt niềm tin vào triển vọng tăng trưởng cho năm sau. Với chúng tôi, trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2016 này (26 - 30/12), cổ phiếu tài chính là một lựa chọn tốt.