Ảnh minh họa. |
Bình Dương được biết đến là “thủ phủ công nghiệp”, với 50 khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động, dân số khoảng 2,4 triệu người. Bên cạnh đó, Bình Dương nằm liền kề TP.HCM, nên nhu cầu về nhà ở rất lớn. Chính vì vậy, thị trường bất động sản tại đây cũng nóng lên khi các chủ đầu tư bung hàng.
Tuy nhiên, bên cạnh những chủ đầu tư uy tín với những dự án được đầu tư và xây dựng bài bản, thì thị trường cũng đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp, sàn môi giới “cầm đèn chạy trước ô tô”. Nhiều dự án bị cơ quan chức năng xử phạt, nhưng vẫn tái phạm nhiều lần, thậm chí có dự án được chấp thuận chủ trương cách đây nhiều năm, nhưng đến nay chưa hoàn thành thủ tục pháp lý.
Chẳng hạn, Dự án Happy One Central do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Vạn Xuân Bình Dương (Vạn Xuân Group) làm chủ đầu tư vẫn đang trong quá trình xây dựng hạng mục hầm và móng, nhưng theo lời giới thiệu của các sàn môi giới, khoảng 70% căn hộ đã được bán hết với hình thức đặt cọc giữ chỗ.
“Nếu bây giờ, anh muốn mua thì phải đặt cọc 50 triệu đồng/căn hộ, đến đầu tháng 5/2022, chủ đầu tư sẽ chính thức tổ chức lễ mở bán đợt cuối cùng”, nhân viên môi giới tên Vy cho hay.
Dẫu vậy, khi tìm hiểu thông tin dự án, đại diện Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, tại TP. Thủ Dầu Một không có dự án nào có tên thương mại là Happy One Central do Vạn Xuân Group làm chủ đầu tư, mà chỉ có Dự án Khu phức hợp và căn hộ cao cấp Vạn Xuân Bình Dương mới được cấp phép xây dựng vào ngày 11/1/2022, chưa được Sở Xây dựng phê duyệt đủ điều kiện huy động vốn thông qua bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định.
Ngoài ra, những thông tin liên quan đến quy mô dự án cũng không thống nhất. Cụ thể, theo thông tin trên website của chủ đầu tư và các sàn môi giới, tổng diện tích của Dự án là 10.162,2 m2, thậm chí có sàn còn “nổ” lên tới 11.000 m2. Thế nhưng, theo Văn bản số 16/QĐ-UBND ngày 6/1/2022 của UBND tỉnh Bình Dương về việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án, thì diện tích chỉ là 9.703,2 m2.
Trao đổi với phóng viên, một nhân viên phụ trách truyền thông của Vạn Xuân Group cho biết, con số 9.703,2 m2 là diện tích thiết kế xây dựng được phê duyệt, còn diện tích mà chủ đầu tư và các sàn đăng tải là tổng diện tích toàn khu, bao gồm cả đất hành lang an toàn đường bộ.
Một dự án khác gây xôn xao dư luận trong thời gian qua là Khu chung cư Phú Thọ Quốc Cường (tên thương mại là C-River View) do Công ty cổ phần C-Holdings làm chủ đầu tư, toạ lạc tại phường Phú Thọ, TP. Thủ Dầu Một.
Cụ thể, Dự án C-River View đã xây đến tầng 3, trong khi chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng và bị Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định xử phạt 2 lần.
Ngoài việc bị xử phạt 40 triệu đồng theo quy định, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Công ty cổ phần C-Holdings phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Nếu không sẽ bị áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định.
Tuy nhiên, khi thời hạn 60 ngày đã hết, phía chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép xây dựng và Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành Thông báo số 208/TB-TTrXD ngày 13/5/2021 về việc thực hiện các biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Thế nhưng, Công ty cổ phần C-Holdings không những không thực hiện tháo dỡ, mà vẫn âm thầm xây dựng.
Với việc tái phạm hành vi xây dựng không phép, ngày 10/1/2022, Công ty cổ phần C-Holdings lại bị Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định số 02/QĐ-XPVPHC xử phạt hành chính với số tiền 50 triệu đồng. Yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục đề nghị cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.
Đến ngày 28/2/2022, ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Bình Dương mới ký Quyết định số 514/QĐ-UBND cho phép Công ty cổ phần C-Holdings chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; ngày 16/3/2022, Sở Xây dựng Bình Dương mới cấp phép xây dựng các công trình thuộc Dự án C-River View.
Với việc một số dự án xây dựng ở Bình Dương dù làm sai, bị xử phạt nhiều lần, nhưng sau đó vẫn được “hợp thức hóa”, luật sư Trần Văn Duẩn, Trưởng Văn phòng Luật Thanh Niên (có văn phòng tại TP.HCM) không khỏi ngạc nhiên và tỏ ra lo ngại cho các nhà đầu tư.
Theo ông Duẩn, với những dự án chưa đủ điều kiện mà đã được chính quyền địa phương “bật đèn xanh”, hay chủ đầu tư vô tình hoặc cố ý để cho các sàn môi giới nhận tiền đặt cọc giữ chỗ, thì người mua rất dễ gặp rủi ro. Nếu chủ đầu tư đem dự án thế chấp cho ngân hàng, khi xảy ra sự cố, thì những khoản đặt cọc giữ chỗ, góp vốn của khách hàng sẽ không được giải quyết.