Tiêu dùng
Thị trường èo uột, sản xuất xi măng “đi lùi”
Hải Yến - 21/04/2024 09:42
Năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp, doanh nghiệp ngành xi măng đối mặt với tình trạng giảm tiêu thụ, thị trường èo uột, không ít doanh nghiệp phải hạ chỉ tiêu kinh doanh.

Kế hoạch “đi lùi”

Nhận định, năm 2024, nhu cầu xi măng trong nước khó tăng trưởng cao, xuất khẩu vẫn tiếp đà giảm (do các thị trường Trung Quốc, Bangladesh giảm nhập khẩu), nên dù không muốn, nhưng phần lớn doanh nghiệp xi măng vẫn phải hạ chỉ tiêu kinh doanh.

Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 kém khả quan, với doanh thu gần 2,715 tỷ đồng, tăng 4% so với 2023, nhưng lỗ gần 111 tỷ đồng.

Cần phải nói thêm, năm ngoái, mức tiêu thụ xi măng của Vicem Bút Sơn giảm gần 391.000 tấn, giảm 12% so với năm 2022, khiến doanh thu giảm mạnh và chuyển từ lãi sang lỗ ròng hơn 96 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả kinh doanh tệ nhất của Vicem Bút Sơn kể từ năm 2014.

2023 là năm khó khăn chưa từng có với doanh nghiệp ngành xi măng. Một loạt doanh nghiệp đang giao dịch trên thị trường chứng khoán đều bị sụt giảm doanh thu và rất nhiều công ty thua lỗ. Công ty cổ phần Xi măng La Hiên - VVMI đạt doanh thu 665 tỷ đồng, chỉ bằng 89,26% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 19%, lợi nhuận sau thuế đạt 47,1 tỷ đồng, giảm gần 16% so với năm 2022.

Thị trường nội địa là nơi tiêu thụ chính của ngành xi măng, nhưng 2 năm gần nhất, sản lượng tiêu thụ nội địa chỉ đạt quanh ngưỡng 60 triệu tấn, thậm chí, năm 2023 tiêu thụ dưới mức 60 triệu tấn. Xuất khẩu cũng giảm mạnh về quanh mức 31 triệu tấn/năm. 

Thị trường còn khó, nên năm nay, Công ty Xi măng La Hiên đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 670.000 tấn, doanh thu 680,6 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 40 tỷ đồng. Doanh thu tăng nhẹ, nhưng lợi nhuận giảm mạnh so với năm ngoái.

Công ty Xi măng Nghi Sơn là một trong số ít doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2024, khi ngắm mốc doanh thu 6.500 tỷ đồng, tăng 13%; lợi nhuận tăng 300 tỷ đồng, đóng góp ngân sách nhà nước 250 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023.

Nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước suy giảm do thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các công trình dự án chậm triển khai, giải ngân đầu tư công tại nhiều địa phương còn chậm, phân khúc xây dựng dân sinh cũng trầm lắng… là những chỉ dấu không mấy thuận lợi cho doanh nghiệp xi măng.

Trong khi đó, nguồn cung xi măng tiếp tục tăng so với nhu cầu, một số dây chuyền sản xuất xi măng mới dự kiến đưa vào hoạt động như Xi măng Xuân Sơn, Xuân Thành 3…

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho hay: “Sản lượng xi măng trong nước liên tục tăng từ năm 2010 đến năm 2021. Đỉnh điểm, năm 2021, tổng lượng xi măng, clinker tiêu thụ được trên 108 triệu tấn. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, tiêu thụ đã giảm mạnh”.

Cả năm 2023, tiêu thụ xi măng chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó, xuất khẩu 31,2 triệu tấn; tiêu thụ nội địa đạt 56,6 triệu tấn, bằng 84% năm 2022.

“Tốc độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội còn chậm, nên sức hấp thụ vật liệu xây dựng nội địa, trong đó có xi măng, còn thấp. Hơn 10 năm qua, lượng tiêu thụ xi măng nội địa tăng rất chậm, tăng trưởng tiêu thụ xi măng trong nước 12 năm qua chỉ đạt 2,3%/năm. Đặc biệt, năm 2022 và 2023, mức tiêu thụ tăng trưởng âm”, VNCA phân tích.

Nguy cơ thu hẹp sản xuất

Tính đến năm 2024, cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn/năm, nhưng năng lực sản xuất thực tế có thể đạt hơn 130 triệu tấn/năm. Sản lượng xi măng của Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, còn một số dự án nhà máy xi măng đang xây dựng, chờ hoàn thành đưa vào vận hành. Các dự án này tiếp tục bổ sung công suất đáng kể cho ngành xi măng vốn đang trong cảnh dư thừa.

Thời gian gần đây, chi phí đầu vào sản xuất liên tục tăng do giá nhiên liệu, năng lượng tăng phi mã, nhất là giá than. Đặc biệt, chi phí vận tải tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến giá thành và giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp

Cho rằng, ngành xi măng đang gặp khó khăn lớn, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản hoặc phải bán một phần cho doanh nghiệp nước ngoài, VNCA kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm có giải pháp hỗ trợ ngành.

Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xi măng; ưu tiên các doanh nghiệp xi măng được vay vốn lưu động và không khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào dự án xi măng tại Việt Nam”, VNCA đề xuất.

Đồng thời, VNCA kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông - Vận tải hỗ trợ tăng tiêu thụ xi măng nội địa thông qua xây dựng các tuyến đường cầu cạn thay đường bê tông xi măng cốt thép, có giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển sôi động trở lại…

Năm 2021, xuất khẩu xi măng đạt hơn 45 triệu tấn, nhưng 2 năm gần đây sụt giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 31 triệu tấn/năm. Con số này sẽ còn thấp hơn, bởi thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10% từ tháng 1/2023. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị được giữ nguyên thuế xuất khẩu với clinker trong 2 năm tiếp theo là 5% (như mức thuế trước năm 2023) và được khấu trừ VAT.

Tin liên quan
Tin khác