Chuyển đổi số - Kinh tế số
Thị trường fintech Việt Nam vẫn sôi động
Hạc Hiên - 19/08/2023 16:24
Các giải pháp Fintech được nhận định là vẫn còn nhiều dư địa để thâm nhập thị trường Việt Nam đầy tiềm năng.

Việt Nam trở thành nước thứ ba tại khu vực Đông Nam Á triển khai Apple Pay, chỉ sau Malaysia và Singapore.

Dịch vụ thanh toán của Apple đã có mặt tại hơn 70 quốc gia, khu vực và hợp tác với hơn 10.000 đối tác ngân hàng trên toàn thế giới. Công nghệ này giúp thực hiện thanh toán bảo mật tại các cửa hàng, phương tiện công cộng, trong ứng dụng và trên các trang web có liên kết.

Trong giai đoạn đầu, Apple Pay liên kết với một số ngân hàng như Vietcombank, MB Bank, Techcombank, ACB, VPBank, Sacombank.

Bà Jennifer Bailey, Phó Chủ tịch Apple phụ trách Apple Pay và Apple Wallet chia sẻ: “Thanh toán không tiếp xúc đang dần trở thành một phần quan trọng trong đời sống hàng ngày tại Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng Apple Pay sẽ phù hợp với thói quen của người dùng Việt Nam một cách liền mạch".

Trước Apple Pay, một dịch vụ tương tự, Google Wallet, đã ra mắt tại Việt Nam vào cuối năm ngoái. Chủ thẻ Visa của các ngân hàng như ACB, Sacombank, Shinhan Bank, TP Bank, Techcombank, Vietcombank và VPBank có thể chọn thêm tính năng sử dụng Google Wallet, hỗ trợ thanh toán qua điện thoại Android hoặc thiết bị Wear OS tại các địa điểm chấp nhận thanh toán không tiếp xúc.

Dù là công ty tiên phong trong nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam, Google Wallet vẫn chưa đạt được sức hút đáng kể.

Tuy nhiên, lượng người dùng iPhone và Apple Watch đông đảo được đánh giá là điểm khác biệt giúp Apple Pay thu hút nhiều ngân hàng và bên cung cấp dịch vụ liên kết thanh toán.

Thị trường ví điện tử Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, thúc đẩy bởi xu hướng thanh toán phi tiền mặt

Mặt khác, trong khi các ví điện tử nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam, các ví điện tử trong nước đang thiết lập liên minh với các doanh nghiệp quốc tế.

Báo cáo mới có tên “Bước tiến của Fintech tại Việt Nam” do Acclime Vietnam và Decision Lab phối hợp thực hiện cho biết, thị trường Fintech tại Việt Nam đã sẵn sàng cho đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Có thể kể đến một số yếu tố đã và đang thúc đẩy lĩnh vực này như nền kinh tế phát triển năng động, hỗ trợ pháp lý vững chắc từ Chính phủ, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, và tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh ngày càng cao. Theo Robocash Group, Fintech tại Việt Nam đang chứng kiến ​​tốc độ tăng trưởng cao thứ hai trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore, và được dự đoán sẽ đạt mức 18 tỷ USD vào năm 2024.

Bên cạnh đó, các giải pháp Fintech vẫn còn nhiều cơ hội để thâm nhập thị trường. Cụ thể, có đến 44% dân số Việt Nam không sử dụng dịch vụ ngân hàng (theo thống kê của Ngân hàng Thế giới) và hơn 90% giao dịch ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa vẫn sử dụng tiền mặt (theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Hầu hết các công ty khởi nghiệp Fintech ở Việt Nam hiện tại đều tập trung vào ví điện tử và phương tiện thanh toán, dựa trên sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số trong 5 năm qua. Điều này tiếp tục tạo cơ hội cho các nhà đầu tư và nhà phát triển sản phẩm mở rộng hoạt động kinh doanh trong các hạng mục khác.

Các ông lớn ví điện tử vẫn tiếp tục cuộc đua "đốt tiền" để mở rộng tập khách hàng

Những tiềm năng nói trên đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế và Việt Nam dần trở thành điểm đến hấp dẫn cho các quỹ đầu tư mạo hiểm. Dòng vốn đầu tư này dự kiến sẽ thúc đẩy sự đổi mới, tiến bộ công nghệ và tạo ra một hệ sinh thái Fintech sôi động, có thể cạnh tranh với toàn cầu.

Ông Vlad Savin phụ trách bộ phận Phát triển kinh doanh, Acclime Vietnam chia sẻ: “Đối với các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực Fintech, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực và tiềm năng tạo ra giá trị là rất lớn. Để ‘lướt trên làn sóng Fintech’, các startup nên nắm rõ khung pháp lý phức tạp, tận dụng lực lượng lao động kỹ thuật số trong nước, cũng như tìm hiểu những thách thức tiềm ẩn để xây dựng các sản phẩm thành công và bền vững cho người tiêu dùng tại Việt Nam”.

Tin liên quan
Tin khác