Tài chính - ngân hàng vẫn là lĩnh vực “hot” trong M&A. Trong ảnh: Agribank dự kiến cổ phần hóa vào năm 2020, sẽ tạo nguồn hàng lớn cho thị trường |
Tài chính ngân hàng tái xuất
Thị trường M&A năm 2018 - 2019 chứng kiến cuộc soán vị bất ngờ giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam như việc Hồng Kông (Trung Quốc) đột ngột chiếm vị trí số 1, đẩy Thái Lan ra khỏi Top 4. Ở góc độ nhóm ngành, cuộc đổi ngôi cũng đã diễn ra khi nhóm hàng tiêu dùng, vốn giữ vị trí số 1 liên tục 2 năm 2016 - 2017, đã bị bất động sản đánh bật chiếm ngôi.
Theo Báo cáo của Nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF), năm 2018 - 2019, bất động sản chiếm giá trị gần 20%, các công ty hoạt động đa ngành chiếm 19,67% và ngành sản xuất hàng tiêu dùng tụt xuống thứ 3, chiếm 10,53%.
Nhưng rất có thể, cuộc rượt đuổi trong các nhóm ngành M&A mới chỉ bắt đầu. Hàng loạt thương vụ lớn sắp diễn ra ở các ngành “hot”, giàu tiềm năng được kỳ vọng gặt mùa vàng cho nhà đầu tư sẽ làm cuộc đua trên thị trường M&A đặc biệt hấp dẫn.
Nhóm ngành đầu tiên được dự đoán sẽ đình đám trong thời gian tới là “cựu binh” tài chính - ngân hàng, vốn là “hoàng tử” trong giai đoạn 2005 - 2015, đó cũng là giai đoạn I tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được thực hiện.
Sau một thời gian im ắng, ngành này đã âm thầm quay trở lại bằng việc trình làng những thương vụ lớn. Mới đây nhất, cuối tháng 7/2019, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) quyết định bán 15% cổ phần cho đối tác KEB Hana Bank (Hàn Quốc) với giá hơn 20.295 tỷ đồng, tức khoảng 882 triệu USD.
Chưa hết, thời gian tới, rất có thể thị trường sẽ chứng kiến thương vụ Quỹ SoftBank Vision Fund và GIC (Singapore) đã đề nghị đầu tư tới 300 triệu USD vào VNPay, một trung gian thanh toán của Việt Nam.
Danh mục M&A ngành ngân hàng chưa dừng lại ở đó. Cuối năm 2018, sau khi bán thành công 3% vốn cho GIC (Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore), thu về 6.200 tỷ đồng, Vietcombank đang tiếp tục xúc tiến phương án bán tiếp 6,5% cổ phần từ nay đến năm 2020.
Còn tại OceanBank, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển nhượng và cơ cấu lại OceanBank sau khi bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, CBBank đang được J.Trust “dạm hỏi”, còn GP.Bank và DongAbank đang hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo pháp luật và được Srisawad (Thái Lan), Clermont (Singapore)… bày tỏ mong muốn được mua lại. Bên cạnh đó, thương vụ sáp nhập PGBank - HDBank đang hoàn thiện thủ tục.
Năm 2020 cũng là năm mà Agribank tiến hành cổ phần hóa. Agribank đang có tổng tài sản đạt trên 1,28 triệu tỷ đồng, sẽ bán 35% cổ phần và nếu thành công, đây sẽ là thương vụ cực lớn trong ngành ngân hàng.
TS-LS. Bùi Quang Tín, CEO Trường doanh nhân BizLight nhận xét, áp lực tuân thủ chuẩn mực vốn của Basel II từ nay đến năm 2020 sẽ đặt nhiều ngân hàng trước bài toán M&A. Chưa kể, theo Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng quốc doanh. Điều này khiến M&A ngân hàng tiếp tục sôi động trong thời gian tới.
Bất động sản “vùng lên”
Trong các nhóm ngành, bất động sản nhiều năm liên tục duy trì phong độ trụ cột của mình. Năm 2018 - 2019 đã có sự đột phá mạnh mẽ, Vingroup vẫn là “cánh chim đầu đàn” với các thương vụ lớn như bán 1,3 tỷ USD cổ phần cho GIC, bán 6,1% cổ phần trị giá 1 tỷ USD cho SK Group (Hàn Quốc).
Sơn Kim Land cũng thực hiện một thương vụ M&A với nhóm các nhà đầu tư Nhật Bản với giá trị ước tính 121 triệu USD. Trong khi đó, SCIC thoái 57,7% vốn tại Vinaconex cho An Quý Hưng, thu về 7.400 tỷ đồng.
Ngoài ra, hàng loạt thương vụ lớn khác cũng được thực hiện như: Berjaya (Malaysia) bán 75% cổ phần của InterContinental Hanoi Westlake với giá 1.244 tỷ đồng cho BRG; Saigon Coop mua lại chuỗi siêu thị Auchan; Keppel Land mua 60% cổ phần 3 lô đất từ Địa ốc Phú Long; Nam Long chi hơn 2.300 tỷ đồng mua lại 70% cổ phần Dự án Dong Nai Waterfront City; CapitaLand hoàn tất mua lại Ascendas and Singbridge Pte. Ltd; Hòa Bình phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu cho Hyundai Elevator Co.,Ltd; Phát Đạt hợp tác đầu tư với Samty Asia Investment; VinaCapital Ventures rót vốn vào Rever…
Thời gian tới, rất có thể thị trường sẽ chứng kiến thương vụ Warburg Pincus mua lại cổ phần The Grand Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) tổng vốn đầu tư 600 triệu USD, hay liên doanh các nhà đầu tư Nhật Bản hợp tác với Phú Mỹ Hưng phát triển dự án cao cấp Midtown; Indochina Capital (ICC) và Kajima Corporation liên doanh phát triễn chuỗi khách sạn Wínk…
Thị trường M&A 2019 - 2020 sẽ xuất hiện những cơn “sóng lạ” như mua lại các khu công nghiệp, M&A các chuỗi khách sạn, M&A các chuỗi nhà hàng…
Ông Lê Tuấn Bình, Quản lý cấp cao, Phòng Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội cho rằng, hiện các nhà đầu tư ngoại đang đặc biệt quan tâm đến bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, căn hộ dịch vụ, văn phòng, bán lẻ. Đây là các phân khúc có lợi nhuận cao và an toàn trong đầu tư.
“Việt Nam là thị trường mới nổi, có thể so sánh với các thị trường như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc). Do có lợi nhuận cao nên nhiều nhà đầu tư đang rất tích cực tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. M&A bất động sản thời gian tới sẽ bùng nổ”, ông Bình nhận xét.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam cho biết, Shohovietnam đang có đơn hàng 1 tỷ USD để M&A phát triển các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng. “Nhu cầu của các nhà đầu tư hiện nay không mua các dự án condotel, mà chủ yếu là mua khách sạn để vận hành, tập trung vào các địa điểm thu hút khách du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh, hay các địa phương tập trung các khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai. Bên cạnh đó, một số quỹ đầu tư nước ngoài đến từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang tích cực tìm kiếm các khách sạn có sẵn, vị trí đẹp có thể cải tạo để phát triển thành một chuỗi khách sạn”, ông Cần cho biết.
Hàng tiêu dùng trụ vững
Dù ở vị trí thứ 3, nhưng nhóm ngành hàng tiêu dùng chưa bao giờ bị đánh giá thấp, bởi đây là ngành màu mỡ nhất để tiếp cận thị trường quy mô trên 96 triệu dân của Việt Nam. Việc mua lại những công ty sản xuất hàng tiêu dùng (đồ uống, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu) không chỉ là mua lại thương hiệu, mà còn mua lại mạng lưới phân phối để tiếp cận thị trường. Đó chính là lý do mà thời gian qua, hàng loạt thương vụ M&A khủng trong ngành hàng tiêu dùng được thực hiện, mà men của thương vụ ThaiBev - Sabeco vào năm 2017 với giá trị 4,8 tỷ USD vẫn còn làm thị trường ngây ngất.
Vào tháng 5/2019, Minh Phú bán 30% vốn điều lệ cho MPM Investments (Công ty con của Mitsui - tập đoàn thủy sản hàng đầu Nhật Bản), thu về 3.037 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 9/2018, SK Group (Hàn Quốc) đã chính thức đầu tư 470 triệu USD mua lại toàn bộ gần 109,9 triệu cổ phiếu quỹ, để sở hữu 9,5% cổ phần của Masan Group…
Các thương vụ này bao gồm chuyển nhượng các công ty sở hữu những thương hiệu địa phương lâu đời hoặc mới nổi, kèm theo đó là thị phần đối với một số chủng loại hàng hoá. Đó cũng là các thương vụ M&A nội địa được thực hiện bởi các doanh nghiệp Việt Nam như Masan, KIDO, TTC, Vinamilk… Điển hình là năm 2019, Vinamilk đã chi hơn 1.171 tỷ đồng mua 38,24% vốn điều lệ của GTNFoods, hay như giữa tháng 8/2019, SCIC tiến hành đấu giá lô cổ phần gần 1.000 tỷ đồng tại Vocarimex…
Ông Kim Ja Jum, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiwoom cho biết, các nhà đầu tư đang khoanh vùng rót vốn vào các doanh nghiệp sản xuất. Có hai chiến lược mà các công ty Hàn Quốc đang thực hiện, đó là mua nguyên vật liệu ở Việt Nam về sản xuất, rồi bán ngược lại cho Việt Nam, hoặc doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam trực tiếp sản xuất để bán tại Việt Nam và ASEAN.
Theo Trưởng nhóm nghiên cứu MAF, ông Đặng Xuân Minh, hiện có hàng ngàn thương vụ doanh nghiệp nước ngoài vào mua lại các công ty sản xuất hàng tiêu dùng quy mô nhỏ 10 - 20 tỷ đồng.
“Tôi mới gặp gỡ doanh nghiệp Ấn Độ mua lại một công ty trong ngành dệt may sắp phá sản với giá 15 tỷ đồng. Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, chúng tôi cho rằng, các thương vụ M&A tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản”, ông Minh nói.
Và hàng ngàn “thửa ruộng” màu mỡ khác
Dư địa thị trường M&A không chỉ nằm ở các “thửa ruộng vàng” như tài chính - ngân hàng, bất động sản hay hàng tiêu dùng, mà còn trải rộng khắp các ngành nghề như bán lẻ, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, y tế, giáo dục…
“Làn sóng M&A sẽ sôi động hơn nữa trong các ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài coi M&A là cách nhanh nhất để có được giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng, thực phẩm và đồ uống với sự tăng trưởng mạnh mẽ ấn tượng trong những năm qua sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn”, ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu M&A của RECOF nhận định.
Ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) cho biết, gần đây, xu hướng đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam được chuyển dịch đa ngành, không còn tập trung vào may mặc, sản xuất. Sắp tới, các nhà đầu tư Hàn Quốc có thể tiên phong vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng và chứng khoán.
Còn theo ông Stefano Pellegrino, luật sư thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), hiện các nhà đầu tư châu Âu đang M&A vào lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống và ngành hàng bán lẻ. Nhưng với Hiệp định EVFTA vừa ký kết, các thương vụ M&A sẽ được thực hiện ở nhiều lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn, xử lý nước và chất thải - những lĩnh vực mà công nghệ châu Âu có uy tín cao.