Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 đang diễn ra tại TP.HCM |
Là người mở đầu phiên Nhận diện các yết tố đột phá của Diễn đàn M&A 2017, ông Seek Yee Chung, Luật sư, Công ty Luật Baker&MCKenzie đưa ra những nhận định rất tích cực.
“Việt Nam hiện đã có những bước đi mạnh mẽ và quyết liệt để mở rộng cơ hội kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là mở rộng cửa với nhà đầu tư nước ngoài”, ông Seek Yee Chung nói và cho rằng, đây là yếu tố quan trọng tạo nên những đột phá của thị trường M&A Việt Nam.
Đặc biệt, ông Seek Yee Chung ấn tượng với các chính sách mới về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp.
“Chúng tôi đang nhìn thấy những đột phá của thị trường từ đột phá về môi trường pháp lý. Khi doanh nghiệp, nhà đầu tư tiên liệu được pháp lý thì họ sẽ đầu tư”, ông Seek Yee Chung nói.
Tuy nhiên, ông Seek Yee Chung không ngần ngại nhắc tới những lo lắng nhất định khi còn một số thủ tục, quy định không phù hợp. Cụ thể là quy định chuyển tiền trước rồi mới hoàn tất thủ tục M&A, yêu cầu nhà đầu tư mua lại cổ phần của một cá nhân trong doanh nghiệp phải chuyển tiền vào tài khoản của doanh nghiệp thay vì tài khoản của người sở hữu cổ phần.
Luật sư Seek Yee Chung, Công ty Luật Baker&MCKenzie |
“Việc thay đổi quy định là cần thiết, để đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước trong quá trình phát triển, nhưng nhà đầu tư mong rằng các quy định này phải vươn tới chuẩn mực cao hơn. Khi Môi trường đầu tư tốt cũng làm các doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn, từ đó tạo ra sự hấp dẫn cho nhà đầu tư rót vốn vào Việt Nam”, ông Seek Yee Chung nhấn mạnh.
Trả lời trực tiếp những băn khoăn của ông Seek Yee Chung ngay tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ lo ngại của giới đầu tư.
“Tôi cho rằng, về nguyên tắc, chúng ta đều hiểu sẽ căn cứ vào hợp đồng để chế tài, không đòi hỏi là thanh toán trước mới trả hàng. Chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm để có đề xuất vừa đảm bảo cả quản lý nhà nước và quyền lợi của nhà đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, khi mua một khoản đầu tư cũng phải tuân thủ nguyên tắc ai bán thì trả cho người đó, chứ yêu cầu như hiện tại là đi vòng và không phù hợp nguyên tắc trên.
Trong các vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải, có nguyên nhân từ đặc thù của kinh tế Việt Nam, đó là nền kinh tế đang chuyển đổi, cần một quá trình và độ trễ để tiếp cận với thông lệ tốt của thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, hòa nhập vào thể lệ chung, sân chơi chung chứ không thể chơi theo cách riêng. Và Việt Nam không thể nằm ngoài cuộc chơi đó nếu muốn hội nhập. Luật pháp đều hướng tới điều đó.
"Tất cả dòng đầu tư chỉ chảy về vùng trũng, nếu ta tạo ra vùng trũng đó thì dòng vốn sẽ chảy tới. Việc tạo ra vùng trũng đó là công việc của Chính phủ, đang làm nhưng có thể làm chưa tới, chưa đúng thậm chí có khi bất thình lình quay trở lại như ông Seek Yee Chung nói”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn.