Đó là nhận định của ông Đặng Minh Khôi, Đại sứ Việt Nam tại Liên Bang Nga trong buổi tiếp Đoàn Hiệp hội dệt may Việt Nam tại Moscow mới đây.
Theo đó, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam và lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may cho biết, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam vào Nga tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Trong giai đoạn đầu sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, việc thanh toán gặp nhiều khó khăn. Nhưng ở thời điểm hiện tại, trở ngại này đã được khắc phục bởi việc thanh toán chủ yếu được thực hiện bằng VNĐ và đồng Rúp qua Ngân hàng liên doanh Việt - Nga (VRB).
Buổi gặp gỡ giữa Đoàn Hiệp hội dệt may Việt Nam và Đại sứ Việt Nam tại Liên Bang Nga. |
“Thời gian vừa qua có nhiều doanh nghiệp Nga mong muốn thúc đẩy hợp tác, kêu gọi đầu tư của Việt Nam vào các lĩnh vực kéo sợi, dệt nhuộm tại Nga. Tuy nhiên, một số chính sách của Nga đối với lao động nước ngoài như visa lao động, yêu cầu trình độ tiếng Nga, thu nhập của lao động trong ngành dệt may của Nga còn tương đối thấp… Do đó chưa thực sự thuận lợi cho đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam hiện chủ yếu tập trung hợp tác trong sản xuất, xuất khẩu sản phẩm may mặc sang Nga”, ông Giang chia sẻ.
Để có thể tăng trưởng ổn định kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Nga, Hiệp hội Dệt may đề nghị sớm tiến hành đàm phán sửa đổi nội dung của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) về biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với một số mặt hàng may mặc của Việt Nam xuất vào EAEU.
Theo đó, do nhu cầu của Nga và năng lực sản xuất của Việt Nam đều tăng mạnh trong thời gian gần đây. Vì vậy, cần điều chỉnh tăng lượng hạn ngạch được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% đối với các mặt hàng dệt, may Việt Nam để đảm bảo không tạo rào cản thương mại bất hợp lý đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Đại sứ Đặng Minh Khôi cho biết, Nga là thị trường lớn với GDP tính theo ngang sức mua đứng thứ 4 thế giới, hiện đang có nhu cầu thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, trong khi đó các sản phẩm may mặc của Việt Nam có chất lượng cao, mẫu mã phù hợp với thị hiếu và xu hướng thời trang… Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần năng động hơn nữa để nắm bắt thời cơ, tận dụng được các cơ hội thị trường.
Đại sứ quán Việt Nam đã kiến nghị nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn trong thương mại giữa Việt Nam và Nga. |
Trong thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam cũng đã kiến nghị, triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn trong thương mại giữa Việt Nam và Nga, đặc biệt là về thanh toán, vận tải. Đến nay, giữa Việt Nam và Nga đã có tuyến vận tải biển trực tiếp thường xuyên giữa Vladivostok và TP.HCM, Hải Phòng.
Các khó khăn về thanh toán cũng đã từng bước được giải quyết. Từ ngày 1/8/2023, Nga đã áp dụng quy chế cấp visa điện tử cho công dân Việt Nam khi nhập cảnh vào Nga… Đây là các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ta tăng cường hợp tác với thị trường Nga.
Đối với hợp tác lao động giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực may mặc, Đại sứ cho biết, Đại sứ quán đã có kiến nghị hai bên cần đàm phán tiến tới ký kết hiệp định về đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Nga nhằm đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của người lao động và các bên liên quan, xây dựng cơ chế phù hợp hơn trong việc đưa lao động từ Việt Nam sang Nga thay cho cơ chế giới hạn hạn ngạch lao động hằng năm như hiện nay.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Nga đạt 490 triệu USD, tăng 125% so với năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu gần 260 triệu USD hàng dệt, may sang Nga, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2023.
Tham tán Dương Hoàng Minh cho rằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga tăng khá trong thời gian qua nhưng còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của nước bạn. Do đó hợp tác trong lĩnh vực này giữa hai bên còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng.