Quang cảnh Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Vietnam Airlines. |
“Thị trường hàng không nội địa quả thực là đã phục hồi nhanh hơn dự kiến của chúng tôi. Bất chấp thị trường quốc tế còn nhiều khó khăn nhưng doanh thu hàng ngày từ hoạt động vận tải hàng không của Vietnam Airlines đã đạt khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là lực đỡ quan trọng, có thể giúp Vietnam Airlines duy trì tính thanh khoản trong năm 2022”, ông Trần Thanh Hiền – Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của hãng hàng không quốc gia được tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (28/6).
Doanh thu tiệm cận trước dịch Covid-19
Trên thực tế, thị trường hàng không nội địa đang phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường khách nội địa 5 tháng đầu năm 2022 tăng 3,6% so sánh cùng kỳ năm 2019. Đối với Vietnam Airlines, khách nội địa vượt 7,7% so 2019. Thị trường quốc tế cũng đang từng bước phục hồi.
Theo dự báo gần nhất (tháng 6/2022) của IATA, thị trường quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương sẽ hồi phục vào 2024. Thị trường quốc tế của Vietnam Airlines dự kiến cũng không nằm ngoài khả năng này. Sự phục hồi của thị trường quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Vietnam Airines, khi các đường bay thường lệ quốc tế giai đoạn trước đại dịch mang tới 65% doanh thu của hãng.
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, việc nối lại bay quốc tế còn giúp tận dụng tối ưu đội tàu bay của Vietnam Airlines, hiện có quy mô lớn nhất Việt Nam với hơn 100 chiếc đa chủng loại, từ tàu thân hẹp bay tầm trung, ngắn như Airbus A321neo đến tàu thân rộng, hiện đại, bay tầm xa như Boeing 787, Airbus A350.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines đã khai thác trở lại đến 14 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm: Anh, Pháp, Đức, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Lào, Campuchia. Hôm 15/6, hãng đã mở thêm đường bay mới đến Ấn Độ. Hãng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ngay lập tức khai thác trở lại các đường bay đến Trung Quốc, Myanmar, Nga khi điều kiện cho phép. Tổng số đường bay quốc tế đang khai thác đạt 35 đường bay, bằng 53% so 2019. Từ tháng 7/2022, Vietnam Airlines sẽ nâng số đường bay quốc tế lên 39 đường bay, bằng 60% so 2019.
Đến tháng 7/2022, Vietnam Airlines sẽ nối lại đường bay Indonesia. Tháng 11/2022, các đường bay quốc tế trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…) đặt mục tiêu khôi phục lại tần suất tương đương năm 2019, đường bay Châu Âu tiếp tục hoàn thiện tần suất. Vietnam Airlines kỳ vọng cuối năm 2023, có thể phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế tương đương năm 2019.
“Việc dần phục hồi khai thác các đường bay quốc tế là cơ hội để Vietnam Airlines nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng doanh thu, nâng cao kết quả sản xuất kinh doanh, giảm lỗ và tiến tới có lãi trở lại trong các năm tới”, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết.
Hiện giá nhiên liệu và tỷ giá đang là 2 yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines. Cụ thể, Vietnam Airlines đang xây dựng kế hoạch kinh doanh trên cơ sở giá nhiên liệu bay là 115 USD/tấn. Tuy nhiên, đến tháng 6/2022, giá nhiên liệu bay đã vọt lên 165 USD/tấn. Nếu giá nhiên liệu bay tiếp tục giữ nguyên như hiện nay sẽ đẩy chi phí SXKD của Vietnam Airlines lên khoảng 4.000 tỷ đồng.
“Vietnam Airlines đã kiến nghị Bộ Tài Chính nới giá trần - xây dựng thực tế trên giá nhiên liệu. Ngoài ra, thị trường nội địa đang cực kì cạnh tranh. Việc xin phụ thêm chi phí nhiên liệu có thể gia tăng doanh thu, nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra hãng hàng không cũng muốn nới biên độ giá để tăng tính cạnh tranh, tạo ra nhiều cơ hội khai thác”, ông Lê Hồng Hà cho biết.
Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại
Một điểm nhấn quan trọng khác tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Vietnam Airlines là các cổ đông đã thông qua Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, công tác cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung vào các lĩnh vực: Tái cơ cấu đội bay thông qua đàm phán với các bên cho thuê tàu bay để: giãn, hoãn tối đa thời hạn thanh toán và giảm giá tiền thuê; đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới (B787-10, A320NEO); hủy 50% tổng số hợp đồng các tàu bay chưa nhận.
Ngoài ra, dự kiến từ năm 2022, Tổng công ty sẽ chuyển đổi cấu hình 2 tàu bay A321 thành A321 Freighter theo hình thức bán và thuê lại 2 tàu bay này.
Đối với hoạt động thanh lý tài sản cổ cố định, Vietnam Airlines sẽ thực hiện cơ cấu lại đội tàu bay sở hữu để vừa giải phóng một phần nguồn lực dư thừa do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19 vừa có thêm dòng tiền và thu nhập; đồng thời để thực hiện chương trình đổi mới đội tàu bay nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines sẽ bán 32 tàu bay, trong đó bán 26 tàu A321CEO và 6 tàu ATR72. Phương án Bán và thuê lại tàu bay (Sale and Lease Back) sẽ được thực hiện khi phương án bán gặp khó khăn trong quá trình triển khai.
Trên cơ sở phê duyệt của các cấp có thẩm quyền về các giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, Vietnam Airlines sẽ phát hành thêm cổ phần tăng vốn trong giai đoạn 2022-2023 và cân nhắc tiếp tục tăng vốn trong năm 2024-2025 trường hợp ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài. Hình thức phát hành cổ phiếu là chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.
Đồng thời, Vietnam Airlines sẽ triển khai huy động nguồn vốn từ bên ngoài thông qua: phát hành trái phiếu trong nước hoặc ra quốc tế trong 2 năm 2023-2024 theo hình thức phù hợp và khả thi (phát hành riêng lẻ hoặc ra công chúng), vay thương mại từ các tổ chức tín dụng trong nước, vay tín dụng xuất khẩu... Bên cạnh đó, Vietnam Airlines ẽ thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ vay dài hạn hiện có, giãn hoãn trả nợ vay sang các năm sau, xây dựng và triển khai phương án vay ngắn hạn trong khuôn khổ chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Cùng với các biện pháp điều hành linh hoạt, Đề án cơ cấu lại đóng vai trò quyết định đến việc duy trì vốn chủ sở hữu thực dương, đảm bảo dòng tiền không bị đứt gẫy trước khi từng bước thanh toán các khoản nợ, vay.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết: “Trên cơ sở dự báo môi trường kinh doanh, đánh giá khó khăn, thuận lợi, Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch SXKD năm 2022, với nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo an toàn tuyệt đối khai thác, điều hành chủ động, linh hoạt theo diễn biến thị trường, cắt giảm chi phí, cân đối dòng tiền. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuẩn bị các kế hoạch dài hạn nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường và kinh doanh hiệu quả.”