Doanh nghiệp
Thị trường thức ăn chăn nuôi: Bấp bênh vì phụ thuộc nhập khẩu
Thế Hải - 19/03/2021 14:39
Phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước thường trong tình cảnh mặt bằng giá cao và chịu rủi ro từ sự biến động của thị trường thế giới.

Nhập siêu 3 tỷ USD

Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2020, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi lên tới 3,84 tỷ USD, tăng 3,75% so với năm 2019, trong khi xuất khẩu lĩnh vực này đem về hơn 800 triệu USD, tăng 16,9%. Thức ăn chăn nuôi lọt top ngành nhập siêu lớn, thâm hụt thương mại lên tới hơn 3 tỷ USD. Đó là chưa tính chi phí nhập khẩu các loại nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi (gồm ngô 2,5 tỷ USD, đậu tương 840 triệu USD, dầu mỡ động thực vật 900 triệu USD…).

Nguyên liệu nông sản có tính chất biến động trên thị trường rất mạnh. Sự biến thiên các mặt hàng là điều khó lường, nên việc dự đoán chính xác về giá cả nguyên liệu, thức ăn gia súc rất khó khăn. Do đó, doanh nghiệp cần tính toán, cân nhắc kỹ các yếu tố tác động đến thị trường nguyên liệu, khả năng huy động vốn và lưu trữ để quyết định có nên gia tăng nhập khẩu nguyên liệu trong thời điểm này hay không.
- Ông Trần Thanh Hải,
Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương)

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, chi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã tăng 26,2% so với cùng kỳ, trị giá gần 650 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu dẫu tăng 24,3%, nhưng do sản lượng thấp, chỉ đạt 114 triệu USD, nên nhập siêu thức ăn chăn nuôi vẫn trên nửa tỷ USD.

Với quy mô 10-12 tỷ USD, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang là “mảnh đất” màu mỡ của các doanh nghiệp tham gia ngành sản xuất này. Song ngoài bức tranh chung là sự thiếu tự chủ về nguồn nguyên liệu trong nước, thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang là khu vực nắm giữ “phần hồn” của thị trường.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp FDI, chiếm 32%, nắm giữ tới 65% thị phần; 180 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước chiếm 68%, chỉ nắm giữ 35% thị phần.

Do năng lực cạnh tranh kém hơn so với doanh nghiệp FDI, nên các doanh nghiệp trong nước đang có nguy cơ sụt giảm thị phần trước sự mở rộng về quy mô, số lượng doanh nghiệp cũng như sản lượng của doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI mạnh về vốn, nên thường dự trữ sản lượng lớn nguyên liệu chế biến, do đó kiểm soát giá nguyên liệu tốt hơn. Thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước có dấu hiệu bị chi phối bởi một số công ty lớn.

Rủi ro chờ ai?

Chăn nuôi là mắt xích quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, cũng là ngành sản xuất hàng hóa lớn và chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại với tốc độ tăng trưởng trung bình 5-6%/năm. Trong cơ cấu chi phí sản xuất của ngành này, thức ăn chăn nuôi chiếm hơn 70%.

Khi giá nguyên liệu chế biến nhập khẩu gia tăng, thì giá thành sản xuất và giá bán thành phẩm thức ăn chăn nuôi lập tức tăng theo. Thực tế này dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi trong nước luôn cao hơn mặt bằng chung của thế giới và sản phẩm chăn nuôi nội địa không ít thời điểm chịu cạnh tranh đáng kể về giá so với hàng nhập.

Từ quý III/2020 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên bởi nguồn cung đầu vào thiếu hụt; tiếp đến là các hộ chăn nuôi do càng chăn nuôi càng lỗ vì chi phí nguyên liệu tăng gấp đôi, trong khi giá bán sản phẩm tăng chưa tương xứng.

Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Hoàn Dương (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, giá thức ăn chăn nuôi trong nước biến động theo thị trường thế giới là tất yếu, bởi phụ thuộc vào chuỗi cung ứng chung của ngành này.

Việt Nam là nước có sản lượng thức ăn chăn nuôi lớn nhất Đông Nam Á. Theo báo cáo của Grand View Research, những năm gần đây, ngành thức ăn chăn nuôi tăng trưởng và phát triển khá tốt với mức tăng trung bình đạt 13-15%/năm, sản lượng công nghiệp đứng số 1 trong khu vực Đông Nam Á, với trên 30 triệu tấn, tính cả thức ăn thủy sản…

Tuy nhiên, mỗi năm, ngành nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn làm thức ăn chăn nuôi, trong khi nhu cầu cần tới 27 triệu tấn các loại, chủ yếu là ngô, đậu tương, lúa mỳ, dầu động thực vật (vốn không phải là các loại cây trồng thế mạnh của Việt Nam mà của các quốc gia Nam Mỹ, Nga, Ukraina, Australia). Đây là câu trả lời cho con số chi nhập khẩu các loại nguyên liệu từ các thị trường này liên tục tăng cao.

5 năm trở lại đây, Việt Nam đã nhập khẩu nhiều thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thực vật phục vụ chế biến thức ăn gia súc từ các thị trường trên. Riêng năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu ngô từ Brazil và Argentina 584 triệu USD, nhập thức ăn gia súc 391 triệu USD, tăng trưởng 83%.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, các nhóm nguyên liệu chính tác động lớn nhất đến giá thức ăn chăn nuôi là ngô hạt và khô dầu các loại, nhất là dầu đỗ tương. Việc phụ thuộc vào nhập khẩu, nhất là khi chuỗi cung ứng đứt gãy do dịch bệnh hoặc ảnh hưởng mùa vụ làm sụt giảm sản lượng của các nước cung cấp chính đã đẩy giá nguyên liệu tăng cao, tác động trực tiếp đến sản xuất trong nước.

Tin liên quan
Tin khác