Nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ lợi nhuận của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi lên tới 10 - 15%. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Tại hội thảo “Tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường lúa gạo và chăn nuôi Việt Nam" do Trung tâm Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp – Nông thôn Miền Nam (SCAP) tổ chức ngày 8/9 tại TP.HCM, các chuyên gia đã bàn thảo và đề xuất nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi trong nước.
Giá vẫn cao
Giá cả nhập khẩu của nhiều loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục giảm trong thời gian gần đây. Thêm vào đó, mới đây Nhà nước đã có chính sách miễn giảm thuế Giá trị gia tăng (GTGT) cho thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, các mặt hàng thức ăn chăn nuôi lại có mức giảm chưa tương xứng.
Theo lý giải của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, do một số nguyên liệu như bột cá, vitamin các loại… không được miễn giảm GTGT. Đồng thời, doanh nghiệp vẫn phải chịu các khoản GTGT từ chi phí vận chuyển tăng, giá điện, giá nước, chi phí máy móc thiết bị… nên giá thức ăn chăn nuôi chỉ có thể giảm giá từ 2,5 – 3%. Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cũng cho rằng, nếu Nhà nước áp dụng giảm thuế cho tất cả các loại nguyên liệu bổ sung dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi, giá sản phẩm đầu ra có thể giảm được từ 7 – 8%.
Tuy nhiên, ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng việc giảm giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua chủ yếu là do giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào giảm, nên doanh nghiệp sẽ nhân cơ hội này giảm giá theo chứ chưa phản ánh tác động của việc giảm thuế GTGT.
Lý giải về việc giá thức ăn chăn nuôi trong nước còn cao, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam lý giải, lãi suất ngân hàng hiện vẫn ở mức cao. Hiện tại, lãi suất thương mại ở mức 11%, trong khi các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan chỉ từ 3 – 5%.
Phụ thuộc vào “ông lớn”
TS Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc SCAP cho biết, phần lớn thị phần sản xuất thức ăn chăn nuôi đang nằm trong tay các doanh nghiệp FDI. Cụ thể, CTCP Chăn nuôi CP Việt Nam chiếm 19,4%, Công ty TNHH Cargill chiếm 8,1%, Proconco 7,5%.
Ông Giáp nhìn nhận, thị trường thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu bị điều khiển bởi một số công ty lớn. Các công ty thức ăn chăn nuôi FDI chiếm thị phần lớn, tỷ lệ tập trung thị trường tăng trong những năm gần đây, có hiện tượng liên kết định giá lỏng lẻo khi các công ty nhỏ định giá theo các công ty lớn, có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh khi sử dụng hệ thống phân phối đại lý độc quyền và chiết khấu lớn. Từ đó các công ty thức ăn chăn nuôi định giá bán thức ăn chăn nuôi cao hơn mức giá cạnh tranh gây thiệt hại cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Do đó, ông Giáp cho rằng Nhà nước cần có chính sách kiểm soát độc quyền và nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh trong thị trường thức ăn chăn nuôi. Cần có biện pháp phá vỡ thế độc quyền và khả năng kiểm soát thị trường của một số công ty thức ăn chăn nuôi. Cần thiết phải có những công cụ kiểm soát chặt chẽ hơn về giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi để đảm bảo lợi ích được phân phối cho đúng đối tượng mà chính sách hướng đến.
Một nguyên nhân khác khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước cao là do sự phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Theo công ty Cargill nếu giá 1 kg bắp tại Mỹ là 2.600đồng/kg thì khi nhập khẩu vào Việt Nam có giá là 5.200 đồng/kg, đậu nành có giá 4.500 đồng/kg ở Mỹ, về Việt Nam có giá là 9.000 đồng/kg. Do đó, ông Giáp cho rằng Nhà nước nên tập trung xây dựng chiến lược đẩy mạnh việc sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của ngành chế biến thức ăn chăn nuôi.
Hiện nay, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trong nước công bố tỷ lệ lợi nhuận trên giá thành sản xuất 1 kg thức ăn chăn nuôi vào khoảng 1 – 3%. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia tỷ lệ này phải lên đến 10 – 15%.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, giá bán thức ăn chăn nuôi trong nước thiếu sự minh bạch và cạnh tranh không lành mạnh. Thị trường tồn tại hiện tượng neo giá, làm giá. Hiện giá thức ăn chăn nuôi bị phụ thuộc vào các “ông lớn”. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý chưa kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng thức ăn chăn nuôi, tình trạng sử dụng chất cấm vẫn xảy ra.
Cần quy định giới hạn tỷ lệ lợi nhuận của doanh nghiệp
Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang đứng trước nguy cơ cạnh tranh không cân xứng với doanh nghiệp nước ngoài do sự yếu thế về vốn, chiến lược kinh doanh và nguồn nguyên liệu. Do đó, nguy cơ ngành thức ăn chăn nuôi rơi vào tay nước ngoài là rất lớn. Do đó, ông Giáp đề xuất Nhà nước cần có chính sách kiểm soát việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Giáp cũng phân tích, trong trường hợp các doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi, chẳng hạn như CTCP, vừa kinh doanh thức ăn chăn nuôi, vừa có sản phẩm thịt, trứng thì mặc dù thị phần vẫn dưới 30% nhưng ảnh hưởng của công ty này đến ngành chăn nuôi sẽ lớn hơn, vì nó ảnh hưởng không chỉ đến thị trường thức ăn chăn nuôi mà cả thị trường trứng, thịt. Do đó, cần giám sát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh của những công ty này, đồng thời phải cụ thể hóa quy định kinh doanh đối với doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi.
Ngoài ra, thực tế cho thấy việc giảm thuế GTGT mang lại lợi ích nhiều hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài khi lợi nhuận của họ hầu như không ảnh hưởng, thậm chí còn tăng lên, trong khi nguồn thu của ngân sách Nhà nước lại giảm. Do đó, cần có quy định giới hạn mức lợi nhuận cho các mặt hàng này, như trường hợp Thái Lan quy định lợi nhuận đối với mặt hàng này không quá 5%.