Tiêu dùng
Thị trường thực phẩm chức năng: Ma trận thật giả
Thế Hải - 15/07/2015 10:57
Sự hỗn loạn trên thị trường thực phẩm chức năng khiến người tiêu dùng bị xâm hại về sức khỏe, trong khi doanh nghiệp chân chính thì khó đong đếm thiệt hại mà họ đã và sẽ phải gánh chịu.
Nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng mập mờ về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Ảnh minh hoạ

 

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt hàng chục doanh nghiệp với số tiền phạt lên tới 1,5 tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo về thực phẩm chức năng. Mới đây nhất, 6 công ty do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, quảng cáo sai quy định đã bị cơ quan này xử phạt với tổng số tiền phạt 150 triệu đồng.

Số vụ vi phạm đến mặt hàng thực phẩm chức năng diễn ra ngày một nhiều, do lợi nhuận thu về  từ các hành vi này quá hấp dẫn.

Dù được quảng cáo các chức năng như sản phẩm chính hãng, nhưng thực phẩm chức năng giả được làm từ nguyên liệu có xuất xứ Trung Quốc sau đó được dán nhãn xuất xứ từ Australia, Nhật Bản…

Điều khiến người tiêu dùng Việt Nam tỏ ra lo ngại hơn cả là gần đây, cơ quan chức năng của Trung Quốc đã phát hiện vi cá mập được bán ở Bắc Kinh, Quảng Đông, Chiết Giang, Phúc Kiến làm từ hỗn hợp bột đậu, gelatin, natri và một số hoá chất khác, có chứa dư lượng kim loại độc hại như thủy ngân, cadmium.

Khi cơ quan chức năng chọn ngẫu nhiên 10 mẫu vi cá mập đi kiểm tra đã không tìm ra thành phần vi cá mập nào.

Theo cảnh báo của các chuyên gia Trung Quốc, khi người tiêu dùng ăn phải những vi cá mập giả này có thể làm tổn hại phổi cùng các cơ quan khác, đặc biệt nguy hiểm cho sự phát triển của não, hệ thần kinh thai nhi.  

Theo Cục An toàn thực phẩm, tại  Hà Nội và TP.HCM có trên 50% số người trưởng thành sử dụng thực phẩm chức năng, nhưng không mấy người thật sự hiểu biết, hoặc có những kiến thức chuyên môn cần thiết về thực phẩm chức năng.

Không ít người ví, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam hiện nay như một ma trận thật giả lẫn lộn, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe rất lớn khi sử dụng phải các sản phẩm giả.

Theo PGS-TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nếu như năm 2.000 mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm thực phẩm chức năng của 13 đơn vị nhập vào Việt Nam (Việt Nam chưa sản xuất), thì đến hết năm 2013,  cả nước đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia kinh doanh sản phẩm này, với khoảng 6.851 sản phẩm đang lưu hành, gồm 5.518 sản phẩm nhập khẩu và 1.333 sản phẩm sản xuất trong nước. Tỷ trọng thực phẩm chức năng nhập khẩu hơn 80%, sản xuất trong nước chưa tới 20%. Việt Nam nhập khẩu thực phẩm chức năng từ gần 40 thị trường, trong đó thị trường lớn nhất của Việt Nam lần lượt là Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản…, riêng nhập khẩu từ Mỹ hơn 1.000 sản phẩm.

Trước một thị trường quá bát nháo, ngay cả cơ quan chức năng cũng thừa nhận là khó mà quản lý hết, do hành vi làm giả, làm nhái quá tinh vi. Về góc độ người tiêu dùng, không chỉ bỏ tiền thật mua của giả, mà còn bị đe dọa về sức khỏe, tính mạng khi sử dụng các sản phẩm kém chất lượng.

Ở góc độ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng chân chính thì bị thiệt hại đáng kể về doanh thu, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm.

Ông Hoàng Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty  Nam Dược cho rằng, đối với các vụ việc làm giả, làm nhái sản phẩm của DN làm ăn uy tín, cơ quan chức năng nên công bố các đối tượng sai phạm kèm theo hành vi làm giả để người tiêu dùng có thông tin.

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) cho rằng, những mánh lới tinh vi của ngành công nghiệp thực phẩm chức năng giả đang là một thách thức lớn với các cơ quan chức năng.

Đối với dược phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, một số cơ sở đăng ký tên doanh nghiệp trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ để đánh lừa người tiêu dùng.  Các đối tượng này chủ yếu thuê gia công sản phẩm tại cơ sở sản xuất, đặt in tem ở Trung Quốc, rồi tuồn hàng về Việt Nam tiêu thụ.

Nhiều đối tượng còn nhập hàng từ Trung Quốc về Việt Nam để đóng lọ giả mạo xuất xứ, gây ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng. Có cơ sở in đến 80 loại nhãn mác thực phẩm chức năng các loại, bao bì được nhập từ Trung Quốc về, khi có nhu cầu thì dán nhãn mác để mang đi bán.

Cơ quan chức năng cũng phải thừa nhận khó quản lý hết tình trạng lộn xộn và bát nháo trên thị trường thực phẩm chức năng. Do đó,  người tiêu dùng cần kiểm tra thông tin về sản phẩm, nhãn mác, nhà sản xuất, xuất xứ… về sản phẩm định sử dụng thật kỹ trước khi quyết định mua.

Ngay trong đầu tháng 6/2015, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Hà Nội đã phát hiện Công ty VQTech sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, thu hơn 20 tấn hàng giả. Còn tháng1/2015, 10 tấn collagen, thực phẩm chức năng giả cũng bị bắt giữ tại Hà Nội.

Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp đáng tiếc tai biến do thực phẩm chức năng giả, nhưng nguy cơ luôn tiềm ẩn và cơ quan chức năng đang siết chặt quản lý.

Công ty Nam Dược, doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại thực phẩm chức năng, với những sản phẩm thực phẩm chức năng như Bảo Xuân, Thông Xoang Tán, Giải độc gan Nam Dược… là doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả tương đối nhiều.
Tin liên quan
Tin khác