Phát hành TPDN tăng mạnh từng tháng, thị trường đang "hạ cánh mềm"
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ tài chính) cho hay, sau nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thời gian qua - đặc biệt nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP – thị trường TPDN đã có những dấu hiệu tích cực. Sau khi Nghị định 08 được ban hành, doanh nghiệp phát hành và trái chủ đã nỗ lực đàm phán.
“Chúng tôi theo dõi, có khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 doanh nghiệp đến nay đã có phương án đàm phán, tỉ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% tháng 2/2023 lên 63% vào tháng 10/2023. Ngoài ra, những doanh nghiệp bố trí được nguồn lực tài chính đã chủ động mua lại trái phiếu trước khi đến hạn”, ông Dương cho biết.
Theo Bộ Tài chính, nếu như quý I/2023 không có đợt phát hành TPDN nào thì từ quý II/2023, khối lượng phát hành tháng sau cao hơn tháng trước. Tính đến hết tháng 11/202, lượng TPDN riêng lẻ phát hành đã đạt 220.000 tỷ đồng.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thị trường TPDN đang phục hồi. Lượng TPDN phát hành tháng 11/2023 tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm trước. Phát hành TPDN 5 tháng gần đây tăng gấp 5 lần so với TPDN 6 tháng đầu năm.
Trong tất cả nhóm chính sách vừa qua với thị trường TPDN, TS. Cấn Văn Lực đánh giá cao Nghị định 08. Đây là quyết sách chưa có tiền lệ và mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là cơ chế giãn, hoãn nợ trái phiếu và cơ chế cho hoán đổi tiền - hàng (đổi TPDN sang bất động sản). Bên cạnh đó, việc đưa ra chính sách với thị trường TPDN cũng đồng bộ với việc tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, tín dụng ngân hàng. Việc triển khai đồng bộ các quyết sách là một trong các bài học thành công.
Việc đưa vào vận hành sàn giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung cũng giúp thị trường minh bạch hơn. Hiện nay đã có khoảng 760 mã TPDN của 200 tổ chức phát hành được đưa lên sàn, qua đó giúp thanh khoản thị trường tăng 20-30 lần so với giai đoạn trước.
Bình luận về thị trường hiện nay, bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI cho hay, nếu như cuối năm ngoái thị trường vẫn đang lo lắng với tình trạng “bond run” (tháo chạy khỏi TPDN) thì đến thời điểm này, có thể nói thị trường TPDN đã “hạ cánh mềm”, nguyên nhân chủ yếu nhờ Nghị định 08 và sự ra mắt của sàn giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung.
“Năm 2023 đã sắp đi qua và là tiền đề để năm 2024 có sự tăng trưởng vượt bậc đối với thị trường TPDN”, bà Ngọc Anh lạc quan nhận định.
Phải đa dạng cơ sở nhà đầu tư, cân nhắc “lùi” quy định xếp hạng tín nhiệm
Nghị định 08 được coi là giải pháp tháo gỡ chưa có tiền lệ giúp thị trường TPDN phục hồi trở lại. Tuy nhiên, nhiều quy định giãn hoãn theo Nghị định 08 sắp hết hiệu lực, thị trường TPDN sẽ phải quay lại tuân thủ Nghị định 65/2022/NĐ-Cp.
Theo TS. Cấn Văn Lực, việc quay lại thực hiện Nghị định 65 là cần thiết song cần có lộ trình, nhất là về vấn đề xếp hạng tín nhiệm, nguyên nhân là hiện trên thị trường mới chỉ có 3 doanh nghiệp xếp hạng tin nhiệm và các nhà phát hành chưa hình thành được văn hóa sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.
Thứ hai, phải đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường TPDN. Hiện nay, thị trường vẫn còn thiếu vắng trái phiếu xanh, trái phiếu công trình, trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững…
Thứ ba, phải đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư. Đây là cách để chúng ta thu hút nguồn lực vào thị trường TPDN.
Thứ tư, phải nâng cao hạ tầng thông tin và dữ liệu.
Thứ năm, phải đơn giản hóa quy trình thủ tục phát hành ra công chúng và tăng cường thanh tra, giám sát.
Đồng tình ý kiến này, bà Ngọc Anh cho rằng, nên xây dựng kênh giao dịch riêng cho nhà đầu tư tổ chức theo hướng thông thoáng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp. Còn đối với TPDN có thể bán cho cá nhân (sơ cấp và thứ cấp), cần làm chặt chẽ và phải truyền tải thông điệp rõ ràng cho nhà đầu tư cá nhân, rằng TPDN là sản phẩm có độ rủi ro nhất định, cần đánh giá kỹ lưỡng trước khi thực hiện giao dịch.
"Để xây dựng được hệ thống nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp, sự tham gia của các quỹ đầu tư vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, cơ chế để thu hút quỹ đầu tư nội tham gia còn hạn chế. Đề nghị cho phép nhà đầu tư cá nhân được ủy thác cho các quỹ để đầu tư TPDN. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, các quỹ đầu tư chỉ được đầu tư 10% vào TPDN , cần nâng tỷ lệ này lên mức 30-40% thì mới xây dựng được cơ sở nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường", bà Ngọc Anh kiến nghị.