Năm 2015, việc phát hành trái phiếu sẽ khó có thể hoàn thành theo mục tiêu đã đặt ra |
Tính tới tháng 9/2015, Chính phủ mới chỉ hoàn thành 38,6% kế hoạch phát hành trái phiếu cả năm. Tỷ lệ trúng thầu tính chung cho cả quý III chỉ đạt 31,7%, thấp hơn so với mức 32% của quý II. Lợi suất trái phiếu trúng thầu được giữ gần như ổn định trong suốt quý III, sau khi tăng khá cao trong quý II vừa qua. Tiến độ bán trái phiếu trong quý III chậm bởi nhu cầu tín dụng cao, tiền đồng giảm giá so với tiền USD và mức lợi suất trái phiếu thấp hơn kỳ vọng, đã không hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhu cầu mua trái phiếu giảm, lợi suất trái phiếu có thể sẽ tăng trong thời gian tới để thu hút nguồn vốn cần thiết trở lại thị trường.
Trong quý III, Chính phủ đã huy động thành công 33.819 tỷ đồng trái phiếu và tín phiếu trên thị trường sơ cấp, giảm 46,3% so với cùng kỳ năm ngoái. So với quý trước, khối lượng phát hành quý III chỉ tăng 0,20%, gần như không thay đổi. Trái phiếu chính phủ và Chính phủ bảo lãnh phát hành giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung tới hết tháng 9/2015, tổng khối lượng trái phiếu và tín phiếu đạt 137.514 tỷ đồng.
Trái phiếu Kho bạc Nhà nước (KBNN) trong 9 tháng đầu năm đạt tổng 96.470 tỷ đồng, chỉ hoàn thành được 38,6% kế hoạch phát hành cả năm. Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động thành công 8.459 tỷ đồng và 9.545 tỷ đồng tính tới hết quý III/2015. Xét về kỳ hạn phát hành, trái phiếu 5 năm và 15 năm đóng góp lần lượt 64,6% và 24,2% tổng khối lượng phát hành.
Trong quý II, KBNN đã tăng lợi suất trái phiếu vì nhu cầu mua không cao. Tuy nhiên, lợi suất sau đó gần như không thay đổi mặc dù nhu cầu mua trái phiếu tiếp tục giảm mạnh. Các nhà đầu tư vì vậy đã dịch chuyển nguồn vốn ra khỏi thị trường trái phiếu. KBNN giữ mức lợi suất trái phiếu 5 năm trong khoảng 6,40% tới 6,45%/năm trong tháng 7 và tháng 8. Tương tự, lợi suất trái phiếu 10 và 15 năm giữ nguyên ở mức 6,70% và 7,65%/năm, trong suốt hai tháng đó. Vì tỷ lệ trúng thầu thấp trong quý này, KBNN đã nâng mức lợi suất 5 năm thêm 15 điểm cơ bản vào cuối quý, lên mức 6,60%/năm, và nâng mức lợi suất 10 năm thêm 20 điểm lên mức 6,90%/năm.
Khối lượng trái phiếu phát hành thấp trong hai quý liên tiếp vì nhu cầu của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng giảm. Thay vào đó, các tổ chức này dịch chuyển nguồn vốn của mình từ thị trường tài sản sang các hoạt động cho vay. Tính tới tháng 9/2015, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đạt mức 10,78%, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. Đầu năm, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 13% đến 15% trong năm nay. Theo các chuyên gia và nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vượt mức mục tiêu của Chính phủ và tăng nhanh hơn nữa trong năm 2016.
Nhu cầu trái phiếu chính phủ cũng chịu ảnh hưởng từ những điều chỉnh tỷ giá vì việc mất giá của đồng Nhân dân tệ và quyết định tăng lãi suất cơ bản của Fed. Trung Quốc đã thả nổi để đồng Nhân dân tệ mất giá 5% chỉ trong 3 ngày. Việt Nam đã phản ứng bằng việc giảm giá tiền đồng 1% và nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá thêm 2%. Ngay sau đó, các nhà đầu tư đã lo ngại về việc tiền đồng sẽ tiếp tục giảm giá vì những đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ nâng lãi suất cơ bản trong kỳ họp tháng 9. Việc nâng lãi suất sau đó đã không xảy ra nhưng vẫn có thể diễn ra trong tương lai, điều mà các nhà đầu tư của các thị trường mới nổi không hề mong muốn.
Tuy vậy những báo cáo về chỉ số lạm phát đã đưa ra một thông tin tích cực. Vì giá các loại hàng hóa giảm sâu (đặc biệt là giá dầu), Việt Nam đã ghi nhận chỉ số lạm phát gần mức 0% kể từ đầu năm tới nay. Nhờ đó, mức lợi suất thực (đã được điều chỉnh lạm phát) của trái phiếu sẽ tăng và trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Đáng tiếc, việc giá dầu giảm dẫn tới giảm phát cũng làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Mặc dù Chính phủ đã khắc phục vấn đề này bằng việc tăng truy thu thuế, song lợi suất trái phiếu Chính phủ có thể tăng trong quý tới nhằm tăng nguồn huy động vốn cho ngân sách nhà nước.
Trái phiếu chính phủ thường đóng góp 70% vào nhu cầu huy động vốn cho ngân sách. Tuy nhiên năm nay, việc phát hành trái phiếu sẽ khó có thể hoàn thành mục tiêu của Chính phủ để hỗ trợ cho ngân sách. Do vậy, để tăng thanh khoản của thị trường trái phiếu sơ cấp, KBNN có thể phải chấp nhận trả mức lợi suất cao hơn tại tất cả các kỳ hạn.