Ảnh minh hoạ. |
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 10/2023, tổng thị trường hành khách hàng không đạt 5,4 triệu khách, tăng 11% so với cùng kỳ 2022, giảm 1% so với tháng 9/2023.
Trong đó, sản lượng vận tải hành khách quốc tế đạt 2,6 triệu khách, tăng 69% so với tháng 10/2022, giảm 0,5% so với tháng 9/2023 và bằng 84% so với tháng 09/2019.
Do đang trong giai đoạn thấp điểm nên vận chuyển khách nội địa đạt 2,7 triệu khách, giảm 15% so với tháng 10/2022, giảm 1,2% so với tháng 9/2023. Đây cũng đã là tháng thứ 3 liên tiếp, sản lượng vận chuyển hành khách nội địa giảm so với tháng liền kề.
Trong tháng 9/2023, sản lượng khách nội địa cũng chỉ đạt 3,4 triệu khách, tăng 1% so với tháng 9/2022, giảm 9% so với tháng 8/2023.
Tổng thị trường hàng hóa trong tháng 10/2023 ước đạt 97.000 tấn, giảm 4,8% so với cùng kỳ 2022, tăng 1,5% so với tháng 9/2023, trong đó quốc tế đạt 77.700 tấn, giảm 9% so với tháng 10/2022, tăng 1,6% so với tháng 09/2023; nội địa đạt 13.700 tấn, tăng 19% so với tháng 10/2022, tăng 1% so với tháng 9/2023.
Trong tháng 10/2023, các hãng hàng không Việt Nam chuyên chở 4 triệu khách, tăng 1,1% so với tháng 10/2022, giảm 1% so với tháng 9/2023; trong đó, nội địa 2,7 triệu khách, giảm 15% so với tháng 10/2022, giảm 1,2% so với tháng 9/2023; quốc tế đạt 1,3 triệu khách, tăng 72% so với tháng 10/2022, giảm 0,7% so với tháng 9/2023.
Do dư thừa cung tải, một số hãng bay trong nước đang tiến hành tạm thu hẹp đội tàu bay. Trong đó, Vietravel Airlines giảm từ 6 chiếc xuống còn 3 chiếc; Bamboo Airways từ chỗ vận hành 30 máy bay, đã giảm còn 17 chiếc và khả năng còn giảm nữa trong giai đoạn sắp tới.
Hiện thách thức lớn nhất đối với các hãng bay trong nước trong 3 tháng cuối năm 2023 là việc giá nhiên liệu đang có xu hướng tăng mạnh.
Cụ thể, giá nhiên liệu bình quân 3 tháng cuối năm dự kiến ở mức 119,36 USD/thùng trong khi phần lớn các hãng bay trong nước đang xây dựng kế hoạch cả năm 2023 ở mức 106,86 USD/thùng.
Ngoài giá nhiên liệu, yếu tố lãi suất, tỷ giá (tỷ giá các đồng bản tệ và VND so với đồng USD) và nhiều yếu tố đầu vào khác đều đã ở mặt bằng cao hơn và bất lợi hơn đáng kể cho các hãng bay Việt Nam so với giai đoạn trước Covid. Những yếu tố bất lợi này chắc chắn sẽ chất thêm gánh nặng tài chính cho các hãng bay trong năm 2023.
Thách thức lớn thứ hai chính là việc duy trì dòng tiền hoạt động cho các hãng hàng không. Qua 2 năm đại dịch, hoạt động kinh doanh đóng băng, không có nguồn thu nhưng vẫn phải phát sinh chi phí duy trì bộ máy, các hãng hàng không đã gần như kiệt quệ tài chính. Hiện nay, tuy tình hình có phục hồi nhưng hãng vẫn gặp các áp lực trong việc hoàn trả các khoản nợ phát sinh trước đó kèm mặt bằng lãi suất tăng cao trong thời gian qua.