Năm vàng nổi sóng
Vừa tròn một tháng kể từ khi Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 được Thủ tướng Chính phủ ban hành cùng loạt động thái của cơ quan quản lý, giá vàng trong nước đã được kìm lại sau giai đoạn “băng băng” đi lên với tốc độ tăng vượt xa giá vàng thế giới. Khoảng cách giữa vàng trong nước và giá thế giới từng vọt lên 20 triệu đồng, hiện giảm còn khoảng 15 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng mua - bán vẫn chênh lệch 2,5 - 3 triệu đồng/lượng, gấp hơn 3 lần thời gian trước (700.000 - 800.000 đồng/lượng).
Diễn biến giá vàng năm 2023 ghi nhận biến động quá lớn, khi kim loại quý này rơi về vùng đáy vào đầu tháng 10/2023 (1.832 USD/ounce), đi lên xác lập kỷ lục giá mới vào tháng 11/2023 (trên 2.080 USD/ounce), tiếp tục neo cao trên ngưỡng 2.000 USD/ounce hơn tháng nay.
Cũng vì vậy, đây là khoảng thời gian không mấy dễ dàng trong điều hành thị trường vàng, không chỉ riêng ở Việt Nam. Tại Trung Quốc, khối lượng vàng nhập khẩu được kiểm soát thông qua hệ thống hạn ngạch cho ngân hàng thương mại. Trong tháng 8/2023, quốc gia này đã giảm và có thời điểm ngừng cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng quốc tế cho các ngân hàng nhằm “hạ nhiệt” cơn sốt để ngăn đồng nội tệ yếu đi.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh vàng thế giới tăng, nguồn cung vàng trong nước hạn chế do Ngân hàng Nhà nước đã không nhập vàng hơn chục năm nay. Trong khi đó, vàng trong dân chỉ giúp tăng cung một lượng nhỏ giọt “chốt lời”, bởi nhà đầu tư kỳ vọng vào xu hướng tăng của giá vàng.
Theo quan sát của ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc TP Bank, giá trị giao dịch của vàng SJC trên thị trường trong giai đoạn vừa qua rất ít. Do đó, khi có một lượng cầu tăng đột biến, giá ngay lập tức sẽ có biến động mạnh. Lực cầu này một phần đến từ sự kỳ vọng và tâm lý FOMO (lo giá sẽ tiếp tục tăng cao hơn nếu không mua ở thời điểm hiện tại). Đây cũng là lý do, Công điện của Thủ tướng ban hành đã ổn định lại tâm lý và kéo giá vàng tụt ngay lập tức.
Mặt trái của tấm huy chương
Nhìn lại lịch sử, vàng đã từng là diễn biến hỗn loạn, thường xuyên xuất hiện các cơn sốt nóng. Khi đó, vàng miếng không chỉ là công cụ đầu tư, cất trữ, mà còn là phương tiện thanh toán, thậm chí các tổ chức tín dụng còn được phép huy động, cho vay và chuyển đổi vàng thành tiền…
Nghị định 24/2012/NĐ-CP quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời là một trong các yếu tố chính làm nên sự thay đổi của thị trường 12 năm qua. Theo nghị định này, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Cho đến nay, chỉ duy nhất Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được phép sản xuất, gia công vàng miếng.
Nghị định đã thành công trong việc ngăn chặn cũng như chấm dứt tình trạng vàng hóa. Vàng “thoát ly” ra khỏi các hoạt động và biến số kinh tế vĩ mô, đảm bảo sự ổn định an toàn của nền tài chính quốc gia.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam trước năm 2012 thường xuyên bị thâm hụt, nhưng sau khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã liên tục được bổ sung và tăng lên rất cao hiện nay.
Tuy nhiên, trong lần “thử lửa” vừa qua, mặt trái của tấm huy chương đã lộ rõ. Ngoài bất cập từ mức chênh lệch so với giá thế giới quy đổi, theo GS-TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, tình trạng buôn lậu sẽ tăng lên khi chênh lệch giá cao. Điều này không chỉ gây ra thất thu thuế, mà còn khiến thất thoát ngoại tệ. Đã có thời điểm, giá USD trên thị trường tự do tăng bất thường khi vàng miếng SJC nới rộng khoảng cách với vàng thế giới, đặt dấu hỏi lớn về sự liên quan giữa hai thị trường.
Cơ chế quản lý thị trường vàng khá chặt chẽ, mang tính hành chính vốn phù hợp với bối cảnh năm 2012 khi thị trường vàng có nhiều bất ổn, nhưng bối cảnh mới cần tư duy mới về cách quản lý thị trường.
Tại Công điện 1426/CĐ-TTg, định hướng giải pháp đã được nêu ra, trong đó hướng đến điều hành theo cơ chế thị trường, khơi thông cung - cầu và liên thông, bảo đảm phù hợp với biến động của giá vàng thế giới.
Nhiều giải pháp cụ thể đã được các chuyên gia kiến nghị.
Theo GS-TS Trần Thọ Đạt, trong trường hợp Nhà nước tiếp tục độc quyền sản xuất vàng miếng, thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần gia tăng quỹ dự trữ vàng và sẵn sàng can thiệp. Để làm được như vậy, NHNN phải tăng dự trữ vàng, sẵn sàng dùng ngoại tệ mua vàng khi giá vàng SJC biến động bất thường.
Cũng theo GS-TS Trần Thọ Đạt, cần phải mở rộng các nhà cung cấp vàng miếng bằng cách cho phép các doanh nghiệp khác có đủ điều kiện được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất.
Giao dịch vàng tài khoản cũng là một giải pháp được các chuyên gia đề cập. Mục đích mua vàng có thể là nắm giữ, thừa kế, cho tặng, dự phòng an toàn, nhưng cũng có thể chỉ để đáp ứng nhu cầu mua vàng để đầu tư tài chính. “Nhu cầu đầu tư tài chính của vàng nên trả về cho thị trường tài chính”, ông Nguyễn Việt Anh khuyến nghị.
Theo GS-TS Hoàng Văn Cường, giao dịch vàng đòi hỏi nghiệp vụ rất sâu, không phải ai cũng tham gia được.
“Chúng ta cần tính tới mô hình sàn vàng. Ở sàn sơ cấp, có thể chỉ có một số nhà kinh doanh chuyên nghiệp giao dịch thông qua liên thông quốc tế. Sàn thứ cấp dành cho mua bán lẻ, có thể mua bán tự do trong nước, để chúng ta phòng ngừa rủi ro”, GS-TS Hoàng Văn Cường gợi ý.