Sản xuất tại Công ty dược Imexpharm. Ảnh: Lê Toàn |
Khối ngoại rót vốn
Đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực y tế được dự báo ngày càng hấp dẫn, bởi nhu cầu người dân về các dịch vụ y tế cao cấp tăng nhanh, trong khi Chính phủ có kế hoạch thoái vốn khỏi nhiều công ty y dược.
Theo ông Raghu Rai, phụ trách Jio Health nhận định, thị trường y tế, chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam khá lớn với quy mô khoảng 12 tỷ USD, số tiền người dân chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe tăng bình quân trên 10% mỗi năm. Có thể thấy, đây là một thị trường khá “màu mỡ”.
Ông Raghu Rai cũng đánh giá, Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng tầng lớp trung lưu nhanh nhất. Những người thuộc tầng lớp trung lưu trở lên luôn chú trọng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục. Mặt khác, vị doanh nhân người Mỹ cũng cho rằng, ngoài những điều kiện thị trường, thời điểm hiện tại cũng rất phù hợp để bắt đầu triển khai dự án về chăm sóc sức khoẻ.
Đồng quan điểm, bà Louise Hawley, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam cho biết, một khảo sát của Nielsen cho thấy, sức khỏe tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của người Việt Nam. Cụ thể, người Việt Nam coi sức khỏe và công việc ổn định là 2 điều quan trọng nhất. Đây cũng là một trong những lý do giải thích vì sao thời gian gần đây không chỉ nhà đầu tư trong nước, mà cả nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm và rót vốn vào lĩnh vực y khoa, thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc góp vốn, mua bán - sáp nhập (M&A)…
Trong đó, phải kể đến thương vụ đầu tư của một quỹ ngoại khá tên tuổi tại thị trường Việt Nam rót vốn vào một bệnh viện tư nhân đầu năm 2019, đó là VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), quỹ đầu tư đa ngành hàng đầu, do VinaCapital quản lý. Quỹ này đã bỏ ra khoản đầu tư trị giá 25 triệu USD vào Công ty cổ phần Y khoa Tâm Trí (Y khoa Tâm Trí), đơn vị sở hữu chuỗi 4 bệnh viện tư nhân lớn tại Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM và Đồng Tháp.
Trước đó, nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực y tế khiến thị trường này trở nên sôi động như Nha khoa Mỹ sáp nhập vào Sun Medical Center; hay Taisho bỏ thêm 3.400 tỷ đồng để nâng tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại Công ty Dược Hậu Giang lên 56,68%...
Theo bà Chiong Woan Shin, Tổng lãnh sự quán Singapore tại TP.HCM, hiện tại các nhà đầu tư Singapore rất quan tâm đầu tư vào lĩnh vực y tế. “Đời sống của người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao, do đó họ có những nhu cầu cao hơn, nhất là về dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Chính vì lẽ này mà ngày càng có nhiều bệnh nhân Việt Nam ra nước ngoài để điều trị. Chúng tôi nghĩ, vậy tại sao không tổ chức dịch vụ điều trị chất lượng cao ngay tại chỗ cho bệnh nhân Việt Nam khi họ có yêu cầu”, bà Chiong Woan Shin nói.
Nhà đầu tư nội tăng tốc
Các nhà đầu tư Việt Nam cũng tăng cường đầu tư vào lĩnh vực y tế. Đơn cử, Tập đoàn xây dựng hạ tầng Intracom của shark Nguyễn Thanh Việt với Dự án Tổ hợp y tế Bệnh viện đa khoa Phương Đông. Theo ông Việt, đầu tư Bệnh viện Phương Đông là cuộc đầu tư nhớ đời nhất. Bởi ở ngưỡng cửa tuổi 50, lấn sân sang một lĩnh vực mới với số vốn lớn, đi kèm nhiều rủi ro không lường trước.
“Công ty tôi chuyên về hạ tầng, thủy điện, thi công xây dựng... Y tế và chăm sóc sức khỏe hoàn toàn là lĩnh vực mới, nhưng tôi vẫn quyết tâm đầu tư, xuất phát từ một ký ức nhiều năm trước”, ông Việt nói.
Năm 2007, mẹ ông Việt phải nhập viện, chứng kiến những người bệnh chen chúc trong không gian chật chội, thậm chí 2-3 người phải nằm trên một giường bệnh, ông không khỏi trăn trở. Do đó, mỗi lần có dịp đi công tác nước ngoài, ông thường dành thời gian đến các cơ sở y tế để xem các mô hình chăm sóc sức khỏe.
Ông nhận thấy, dân số Việt Nam ngày càng phát triển, ô nhiễm gia tăng, nhu cầu y tế sẽ ngày càng lớn. Tất cả những điều đó gợi lên ý tưởng về một trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe chất lượng quốc tế.
Ông Việt đã dành nhiều năm tìm kiếm dự án khả thi, cũng như chủ động nghiên cứu, tham khảo mô hình đầu tư tại một số quốc gia trên thế giới. Đến năm 2009, doanh nghiệp tiếp cận dự án xây dựng mô hình bệnh viện đã cấp phép từ 5 năm trước, nhưng không còn năng lực triển khai của một công ty Hàn Quốc. Vị trí của dự án gần trung tâm Thủ đô, có diện tích lên đến 9,5 ha... thuận lợi để khởi công xây dựng bệnh viện.
Cơ hội đến, ông cùng các cộng sự nhanh chóng bắt tay vào quá trình thẩm định dự án, tính toán phương án triển khai. “Khi mới xông vào lĩnh vực này, tôi trăn trở rất nhiều. Vì đầu tư thương vụ này coi như tôi chấp nhận một cuộc chơi lớn, nhưng tôi chấp nhận đánh đổi, bởi tôi nhận định, y tế là lĩnh vực rất tiềm năng”, CEO Intracom bộc bạch.
Là một trong những tập đoàn y tế tư nhân hàng đầu tại Việt Nam, năm 2019, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đã "bắt tay" với Phú Thọ Group để cùng tiến hành xây dựng Dự án Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng để nắm bắt cơ hội trong “cuộc chơi” này.