Doanh nghiệp
Thiên Tân Group: Tiên phong để khẳng định thương hiệu toàn cầu
Hà Minh - 12/08/2016 14:38
“Với nhiều đơn vị khác, khi các công trình, dự án có thể còn đang trong phòng thí nghiệm thì chúng tôi đã áp dụng triển khai vào thực tế đem lại hiệu quả thiết thực rồi”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thiên Tân (Thiên Tân Group) Huỳnh Kim Lập mở đầu câu chuyện về những bước đi vững vàng bằng niềm tin tuyệt đối với mỗi công trình mà Thiên Tân Group đã đầu tư ròng rã 16 năm qua.

Những công trình khởi nghiệp

Cái tên Thiên Tân Group bây giờ chẳng còn xa lạ với giới đầu tư trong nước, thậm chí cả ở nước ngoài. Để gây dựng nên một thương hiệu “sừng sững” đúng vào thời điểm kinh tế thế giới suy thoái tác động đến từng ngõ ngách của kinh tế Việt Nam và đối tượng hứng chịu đa phần là doanh nghiệp, thì mới hiểu được sự kiên trì, bền bỉ tới mức phi thường của Thiên Tân Group trong khoảng thời gian mà cơn lốc suy thoái tài chính càn qua.

Những nỗ lực đó đã được Nhà nước ghi nhận bằng những danh hiệu cao quý: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho cá nhân ông Huỳnh Kim Lập; Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tập thể Thiên Tân Group là những nét son lấp lánh đầy tự hào của một thương hiệu tầm quốc gia.

Ông Huỳnh Kim Lập thay mặt lãnh đạo và nhân viên Tập đoàn Thiên Tân đón nhận phần thưởng cao quý Huân chương Lao động hạng Nhất.

Những câu từ ngợi ca sẽ trở nên sáo rỗng, nếu không có những dự án thiết thực do Thiên Tân Group dựng xây thời gian vừa qua. Tại Quảng Ngãi, quê hương ông Huỳnh Kim Lập, nơi hun đúc lên một bản lĩnh doanh nhân, những công trình mang đậm dấu ấn Thiên Tân như những nét chấm phá độc đáo, tạo nên những cú hích từ nhiều phía cho sự phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương này.

Cú hích đầu tiên chính là tuyến đường Thành Cổ - Núi Bút (năm 2005 được đỏi tên thành đường Phạm Văn Đồng) ở trung tâm TP. Quảng Ngãi, vốn đầu tư khi đó chỉ vẻn vẹn 2,5 tỷ đồng. Tuyến đường này, cho đến nay, không chỉ là con đường rộng, đẹp nhất do Thiên Tân đầu tư, mà đó còn là  xương sống giúp tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch bài bản không gian phát triển đô thị về phía Đông, để tạo nên những khu dân cư khang trang, ngăn nắp, sạch sẽ và thông thoáng.

Vừa làm xong công trình này, Thiên Tân Group đột ngột làm dự án chẳng liên quan gì đến hạ tầng giao thông, đó là Nhà máy Thủy điện Hà Nang. Với số vốn đầu tư là 450 tỷ đồng, cùng với việc đánh thức một vùng rộng lớn phía Tây Quảng Ngãi, Dự án còn mở đường cho các công trình thủy điện do tư nhân đầu tư tạo nên nhóm các nhà máy thủy điện hiệu quả nhất Việt Nam.

Những bước ngoặt của Thiên Tân Group luôn tạo ra sự bất ngờ. Đang làm thủy điện, Thiên Tân Group lại rẽ hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở cao cấp tại Khu đô thị Vạn Tường, KKT Dung Quất. Công trình vốn đầu tư 350 tỷ đồng, xây 72 căn biệt thự này vừa làm xong lập tức được các chuyên gia của Technip (Pháp) thuê toàn bộ để ở tại chỗ thi công Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Và, khi mà chưa có doanh nghiệp tư nhân nào đầu tư các công trình hạ tầng giao thông theo  hình thức BOT, thì Thiên Tân Group đã làm Dự án Đường tránh thị trấn Đức Phổ, vốn đầu tư 650 tỷ đồng. Dự án hoàn thành, đạt chất lượng ngoài mong đợi, nên Thiên Tân Group tiếp tục được tham gia mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Tư Nghĩa - Thạch Trụ, với vốn đầu tư lên đến 2.200 tỷ đồng.

Tiên phong năng lượng mặt trời

Ông Huỳnh Kim Lập khẳng định, chính niềm tin đã đưa đến những thành công. Ồng tin vào khả năng “dự báo” của mình. Vì vậy, suốt 16 năm qua, những “dự báo” của ông Lập luôn chính xác. Những công trình mang tính “đột phá” cũng là kết quả của tính dự báo đó.

Từ khởi nghiệp bằng một trục đường đã thành “linh hồn” của TP. Quảng Ngãi, đến Thủy điện Hà Nang… giờ thì đến Nhà máy Thủy điện Đắc Re (huyện Ba Tơ) vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng, công suất 60 MW sẽ phát điện vào năm 2017. Đây có lẽ là dự án thủy điện độc đáo nhất Việt Nam khi thi công mà… không phải di dời dân và mức độ ảnh hưởng đến rừng dưới mức cho phép của Nhà nước tới gần 9,5 lần (Theo quy định 1 MW, ảnh hưởng đến 10 ha rừng, nhưng tại Đắc Re, 1 MW chỉ ảnh hưởng tới 0,5 ha rừng).

Từ thủy điện, Thiên Tân Group tiên phong “dấn thân” vào lĩnh vực năng lượng công nghệ cao (năng lượng mặt trời) khi lĩnh vực này còn hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam, khiến ai cũng ngỡ ngàng. Tháng 8/2015, Dự án Nhà máy quang điện mặt trời, vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng, công suất 19,2 MW, được Thiên Tân Group khởi công xây dựng, sau 6 năm ông Lập “cắp cặp” đi học tập các mô hình tại các nước phát triển Thái Lan, châu Âu, Mỹ… Khi đang ở vị trí Phó thủ tướng Chính phủ, ông Hoàng Trung Hải đã từng đánh giá, dự án quang điện đầu tiên của Việt Nam này sẽ mở ra hướng sử dụng năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 nước ta đạt 20% sản lượng điện từ năng lượng tái tạo.

Thiên Tân Group  triển khai đầu tư thêm dự án điện mặt trời công suất 1.000 MW, mức đầu tư 40.000 tỷ đồng tại tỉnh Ninh Thuận (sử dụng công nghệ của First Solar  - Mỹ). Đây được ví là công nghệ ngoài hành tinh ông Lập đem về trái đất. “Rất có khả năng, dự án sẽ được nhận vốn từ Quỹ chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc”, ông Lập cho biết.

Âm thầm, bền bỉ trên đôi chân vững chắc qua những công trình có sức lan tỏa xã hội rộng lớn. Những dự án mà Thiên Tân Group đầu tư dựa trên sự “bảo lãnh” bằng nhu cầu thực sự của xã hội nên đã đem đến những giá trị sau đầu tư cho Thiên Tân Group số vốn lận lưng đến thời điểm hiện tại mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng mơ ước - gần 10.000 tỷ đồng.

“Vì vậy, khi mục đích kiếm tiền không là ưu tiên số một nữa, người ta sẽ chuyển tư duy sang một lĩnh vực đầu tư “mềm” hơn - đầu tư cho xã hội. Tôi muốn làm gì đó cho Quảng Ngãi khởi sắc, hiện đại, phát triển trên nền tảng hình mẫu của một đô thị thông minh. Đó chính là công viên núi Thiên Bút, Khu đô thị Đảo Ngọc, 2 dự án sẽ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của đô thị Quảng Ngãi, trở thành điểm quy hoạch không gian đô thị Quảng Ngãi trong tương lai”, ông Lập nói.

Không những vậy, với tâm huyết phải gìn giữ được hiện trạng, tu chỉnh lại những di tích, chống xói lở do biến đổi khí hậu tại đảo Lý Sơn, Thiên Tân Group một mặt đang tài trợ thiện nguyện hơn 7 tỷ đồng cho Quảng Ngãi quy hoạch Lý Sơn, mặt khác, đang lên kế hoạch quy mô với mục đích xây dựng cây cầu giữa biển nối hai đảo Bé và đảo Lớn.

“Nếu bỏ kinh phí ra làm một đảo nhân tạo phải gấp mấy chục lần xây cầu. Trong khi mình đã có đảo rồi. Đảo Bé có gió cấp 3-4 là hoàn toàn chia cắt. Bây giờ kêu gọi cùng chung tay xây dựng một cây cầu. Lý Sơn là đảo tiền tiêu, mỗi khi biển Đông nổi sóng, mọi tấm lòng đều hướng về Lý Sơn”, ông Lập chia sẻ.

Đã từng xây dựng biết bao nhiêu cây cầu, nhưng cây cầu từ “Lý Sơn đến Hoàng Sa” có lẽ là công trình cầu mà ông dành nhiều tâm huyết nhất. Mỗi câu, mỗi chữ về dự án đang ấp ủ này như đau đáu trong ông, bởi nó gắn với hai tiếng chủ quyền thiêng liêng.

Khởi đầu từ dự án 2,5 tỷ đồng và nay đầu tư những “siêu” dự án 20.000, 40.000 tỷ đồng, với những bước đi dũng cảm, sự quyết định táo bạo, Thiên Tân Group đã tự hoàn thiện mình để  trở thành “người dẫn đầu ” trong hành trình đánh thức những tiềm năng, từ hữu hạn đến vô tận!

Tin liên quan
Tin khác