Theo báo cáo mới nhất này thì thời tiết tại Quảng Ninh vẫn u ám, nhiều mây và tiếp tục có mưa vừa và mưa to ở khu vực thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn. Thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ đã tăng cao. Cụ thể, tại Hạ Long đã tìm kiếm được 5 nạn nhân thiệt mạng do mưa lũ, nâng tổng số nạn nhân lên 10 người. 04 người mất tích hiện vẫn đang được tìm kiếm.
Nhiều khu vực tại Hạ Long(phường Hà Phong, Cao Thắng, Hà Khánh, Việt Hưng, Bãi Cháy…), Cẩm Phả(phường Quang Hanh, Mông Dương và Cửa Ông), Vân Đồn(02 thôn tại đảo Bản Sen) bị chia cắt vì ngập lụt sâu. Tuy nhiên, đến hiện tại, các lực lượng cứu hộ của Quân đội đã và đang tiếp cận để cứu hộ, di chuyển và hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân.
Thiệt hại về tài sản đến 14h00 ngày hôm nay đã tăng lên. Như tại Vân Đồn, thêm 02 nhà dân bị sập đổ, rất may không có thiệt hại về người, do người dân đã kịp thời di chuyển. 100ha lúa non mới cấy bị ngập úng, khả năng phục hồi kém; 880 lồng bè nuôi thủy sản bị chết. Tổng thiệt hại do mua lũ tại Vân Đồn đã nâng lên là 123 tỷ đồng.
Tại huyện Cô Tô, 6 tuyến đường, với chiều dài 300m và 02 tuyến kè bờ biển dài 25m bị sạt lở, gây ngập lụt 17ha lúa và hoa màu, nhà của 40 hộ dân bị ngập lụt, sập đổ 01 nhà cấp 4 (không có thiệt hại về người). Hiện giao thông tại khu vực bị sạt lở đã được khôi phục. Nhưng 1.500 du khách du lịch phải lưu lại đảo và vẫn an toàn.
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tổng thiệt hại từ ngày 26/7/2015 đến 14h ngày hôm nay ước khoảng trên 1.000 tỷ đồng. Ngoài những địa phương trên, các địa phương còn lại có lượng mưa nhỏ, nên không có thiệt hại gì về người hay tài sản, tình hình ổn định.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tình hình mưa lũ ở miền Bắc, đặc biệt là Quảng Ninh còn diễn biến phức tạp trong 5 ngày tới (từ 29/7-2/8). Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi và ngập úng ở các vùng thấp…
Theo dự báo, từ ngày 29 đến ngày 31/7, ở các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn, Bắc Giang sẽ có mưa vừa, mưa to; riêng khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng có mưa to đến rất to. Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh Đông Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang.
Từ ngày 30/7 - 2/8, nhiều khả năng, mưa vừa, mưa to sẽ mở rộng ra toàn bộ Bắc Bộ (bao gồm cả Tây Bắc Bộ) và Bắc Trung Bộ. Trên thượng lưu hệ thống sông Thái Bình có khả năng xuất hiện lũ với biên độ lũ lên từ 3-7m, ở hạ lưu từ 2-4m. Đỉnh lũ ở mức báo động 2-3. Cấp độ rủi ro thiên tai được cảnh báo ở cấp 2-3.
Vì diễn biến của đợt mưa lũ này còn rất phức tạp, nên lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo ngừng tất cả các cuộc họp để tập trung chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, xử lý khắc phục các sạt lở, di chuyển dân nơi bị ngập lụt đến nơi cao an toàn và cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống và nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân. Tỉnh cũng đã chỉ đạo huy động hàng ngàn chiến sỹ và phương tiện của quân đội, công an đóng trên địa bàn xuống các khu vực bị chia cắt, sập đổ nhà, ngập lụt để cứu dân bị nạn, tìm kiếm người còn mất tích; huy động hàng ngàn gói mì, bánh và nước uống đưa xuống các vùng bị chia cắt, bị ngập lụt để cứu đói cho dân.
Theo đề nghị của tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tư Lệnh Quân khu 3 đã cử Đ/c Thiếu tướng Trần Đình Kha, Phó Tư lệnh trực tiếp đặt bộ chỉ huy tiền phương tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh, để chỉ huy lực lượng chiến sỹ và phương tiện giúp tỉnh tiếp cận, cứu hộ, vận chuyển nhu yếu phẩm và di chuyển dân ở các khu dân cư bị ngập lụt và bị chia cắt lên các vị trí cao an toàn.
Toàn bộ các vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, theo sự phân công, đã tập trung tại hiện trường và tiếp cận các khu dân cư bị ngập lụt để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình nạn nhân bị chết, bị thương.