Ngân hàng - Bảo hiểm
Thiếu cơ chế giám sát mô hình tập đoàn tài chính: Nỗi lo ngân hàng bị sân sau lũng đoạn
Hà Tâm - 14/06/2023 09:13
Ngày càng nhiều ngân hàng theo đuổi mô hình tập đoàn tài chính với hệ sinh thái dày đặc công ty đan xen. Trong khi đó, cơ chế giám sát mô hình này vẫn chưa có, làm dấy lên nỗi lo về rót vốn sân sau.

Mối nguy từ các tập đoàn trăm công ty con đứng sau ngân hàng

Mô hình ngân hàng - tập đoàn tài chính đã phát triển từ lâu trên thế giới. Ở nước ta, những năm qua, nhiều ngân hàng cũng tuyên bố theo đuổi mô hình này. Trong mô hình đó, ngân hàng thương mại sẽ là hạt nhân, kết nối với một hệ sinh thái các công ty liên quan để bán chéo dịch vụ (gồm cả dịch vụ tài chính và phi tài chính), phục vụ gần như toàn bộ nhu cầu của khách hàng.

Mô hình ngân hàng - tập đoàn tài chính mang lại nhiều lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng. Tuy vậy, ở nước ta, mô hình ngân hàng - tập đoàn tài chính lại dấy lên lo lắng sân sau, xuất phát từ cơ cấu sở hữu phức tạp, thiếu minh bạch. Việc SCB bị rơi vào kiểm soát đặc biệt do bị Vạn Thịnh Phát - tập đoàn bất động sản đứng sau với 762 công ty liên quan - chi phối, lũng đoạn cho thấy mối nguy này là có cơ sở.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, SCB không phải là trường hợp duy nhất tiềm ẩn rủi ro bởi các tập đoàn sân sau.

“Rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sân sau của các ngân hàng nước ta hiện nay có hàng chục, thậm chí hàng trăm công ty con. Câu hỏi đặt ra là, họ thành lập hàng trăm công ty con để làm gì? Câu trả lời rất đơn giản: để vay vốn ngân hàng, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), “đánh chéo” để đổi TPDN thành tiền… Vấn đề này ai cũng biết, nhưng lại thiếu cơ chế để kiểm soát, xử lý cho đến khi đổ bể như SCB”, ông Nghĩa cảnh báo. 

Theo cơ chế hiện hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ có thể “thò tay” vào giám sát các tổ chức tín dụng, không thể “sờ” vào công ty con của các tập đoàn kinh tế đứng sau ngân hàng. Chính vì vậy, khi đổ vỡ xảy ra thì đã quá muộn.

Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) khẳng định, có mối quan hệ sở hữu chéo giữa các ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp. Việc các tập đoàn kinh tế thành lập các ngân hàng để huy động vốn phục vụ chủ yếu cho hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp mình giữ cổ phần vốn sở hữu, dẫn đến khó kiểm soát, hoạt động thiếu minh bạch, dễ dẫn đến sai phạm và ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng chung, nguy cơ ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Do đó, đại biểu này cho rằng, Chính phủ, NHNN cần nghiên cứu để quy định chặt chẽ để xử lý các vấn đề này. 

“Trám” khoảng trống pháp lý 

Ngoài nguy cơ ngân hàng bị các ông chủ lũng đoạn thông qua mạng lưới chằng chịt công ty con, mô hình ngân hàng - tập đoàn còn tiềm ẩn rủi ro bởi các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư. Đây là lý do khiến nhiều chuyên gia cho rằng, cần có hành lang pháp lý để bóc tách ngân hàng đầu tư khỏi ngân hàng thương mại, đồng thời phải có hành lang pháp lý với mô hình này.

Còn muốn giải quyết được sở hữu chéo thì đòi hỏi rất nhiều công cụ và giải pháp và từ nhiều cơ quan khác nhau. Chẳng hạn, chúng ta ngày càng minh bạch hóa cơ sở dữ liệu, giao dịch của dân cư, giao dịch về vốn cổ phần, giao dịch của các doanh nghiệp… Lúc đó, sự phối kết hợp giữa các bộ, ban, ngành sẽ minh bạch hóa được các giao dịch, giúp sở hữu chéo ngày càng được hạn chế.

- Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

“Việt Nam hiện chưa có khung pháp lý với mô hình ngân hàng đầu tư, hay tập đoàn tài chính. Tôi cho rằng, đã đến lúc NHNN cần phải tính đến vấn đề này”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khuyến nghị.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Thanh Mai, đại biểu Quốc hội (Hà Nội) cho rằng, NHNN nên bổ sung các quy định về tập đoàn tài chính ngay trong dự thảo Luật Các tổ chức tín đụng dang được đưa ra lấy ý kiến bởi 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, tại Chương VIII, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về nhóm công ty, trong đó có quy định về tập đoàn kinh tế, nhóm công ty, nhưng chưa cụ thể. Tổ chức tín dụng là loại hình doanh nghiệp đặc thù, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nên cần quy định cụ thể về vấn đề này.

Thứ hai, về mặt thực tiễn, tại Việt Nam đã hình thành một số mô hình tập đoàn tài chính, ngân hàng, nhưng chưa có quy định cụ thể điều chỉnh nên khó xác định mức độ sở hữu chéo, rủi ro tập trung và rủi ro lan truyền, các hạn chế về hoạt động trên thực tế.

Thứ ba, tại chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 986, (năm 2018) đã quy định hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xác định trách nhiệm của NHNN trong việc thanh tra, giám sát các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ, công ty con, trong đó công ty mẹ là tổ chức tín dụng đầu mối, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng khuôn khổ pháp lý về tập đoàn tài chính. 

Một số ý kiến cũng cho rằng, từ kinh nghiệm trên thế giới, các quốc gia đều có quy định về công nhận và hoạt động của tập đoàn tài chính trong các luật chuyên ngành về ngân hàng thương mại, chứng khoán hoặc bảo hiểm. Thậm chí, có tới 11 quốc gia/vùng lãnh thổ có luật về tập đoàn tài chính. Việc giám sát các tập đoàn tài chính sẽ tập trung vào: tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ cấp tín dụng tập trung, quy định về giao dịch nội bộ,về quản trị điều hành…

Việc đưa ra quy định cụ thể đối với tập đoàn tài chính sẽ giúp quản lý và giám sát hoạt động nội bộ tập đoàn tài chính minh bạch hơn, đảm bảo an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng, nhất là hoạt động cấp tín dụng, tránh xảy ra các trường hợp tương tự như SCB.

Tin liên quan
Tin khác