Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của LDG bất thành |
Lo ngại LDG đi theo “vết xe đổ”
Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã LDG, sàn HoSE) triệu tập Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 ngày 15/4, nhưng chỉ có 105 cổ đông và 109 người được ủy quyền tham dự, đại diện cho 89,5 triệu cổ phiếu, chiếm 37,37% số cổ phần có quyền biểu quyết và còn lại tới 62,63% số cổ phần có quyền biểu quyết không tham dự. Lần đầu tiên LDG triệu tập Đại hội đồng cổ đông thường niên bất thành kể từ khi niêm yết vào tháng 8/2015.
Phản ứng với diễn biến trên, trong phiên 16/4, cổ phiếu LDG đã giảm 610 đồng, tương ứng giảm 6,7%, về còn 8.470 đồng/cổ phiếu, với khối lượng khớp lệnh kỷ lục 16,6 triệu cổ phiếu trong phiên, cao hơn khối lượng 11 triệu cổ phiếu/phiên trong trung bình 20 phiên gần nhất. Có thể thấy, nhà đầu tư đang thể hiện sự lo lắng và bi quan về tương lai của LDG khi thiếu vắng cổ đông lớn toàn tâm, toàn ý dẫn dắt Công ty.
Bài học đã nhìn thấy ở một số công ty niêm yết khác là công ty hoạt động èo uột khi ban lãnh đạo và cả HĐQT chỉ sở hữu một tỷ lệ rất khiếm tốn vốn cổ phần. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC), trong bản cáo bạch năm 2014, có 4 cổ đông lớn là ông Lê Văn Hướng (sở hữu 21,34%), DI Asian Industrial Fund, L.P (31,06%), Quỹ Vietnam Equity Holding (6,91%), Quỹ Vietnam Holding Limited (6,67%). Nhưng sau khi ông Hướng bị bắt, tính tới ngày 6/9/2016, cổ đông tổ chức nước ngoài sở hữu lớn nhất là 6,08% vốn điều lệ, các cổ đông nước ngoài bao gồm tổ chức và cá nhân chỉ sở hữu 6,22% vốn điều lệ.
Trên báo cáo tài chính tính tới ngày 1/4/2015, doanh nghiệp dự phòng 1,4 tỷ đồng, nhưng tới ngày 31/3/2016 đã dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi 1.126,7 tỷ đồng. Từ đó, JVC rất khó triệu tập Đại hội đồng cổ đông lần 1 thành công và giá cổ phiếu đã giảm từ vùng 22.000 đồng/cổ phiếu về 3.000 đồng/cổ phiếu giai đoạn từ tháng 3/2015 đến 9/2016 và sau đó giao dịch vùng 3.000 đồng/cổ phiếu.
Công ty cổ phần Sam Holdings (mã SAM) cũng có một giai đoạn nhiều năm liền phải triệu tập Đại hội đồng cổ đông lần 2, thậm chí lần 3 mới thành công và trong giai đoạn này giá cổ phiếu SAM chỉ lình xình khoảng 6.000 - 8.000 đồng/cổ phần, rất khó để bứt phá lên mệnh giá. Ban lãnh đạo SAM giai đoạn này cũng sở hữu tỷ lệ rất khiêm tốn. Phải đến khi có nhóm cổ đông mới vào mua một lượng lớn cổ phần và nắm giữ, giá cổ phiếu SAM mới phục hồi và ở trên mệnh giá, dù đã một vài lần doanh nghiệp phát hành cổ phiếu mới huy động vốn.
Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF), dù trải qua cú sốc bốc hơi tồn kho trong tài sản doanh nghiệp, nhưng nhờ có nhóm cổ đông mới và ông Mai Hữu Tín vào nắm quyền kiểm soát, doanh nghiệp vẫn tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên thành công và tiếp tục trong quá trình tái cấu trúc, xoá lỗ lũy kế và đang có những khởi sắc về giá cổ phiếu.
Thực tế trên cho thấy tầm quan trọng của cổ đông lớn, cổ đông chiếm quyền chi phối tại các doanh nghiệp niêm yết hiện nay. Nếu không có cổ đông chi phối, doanh nghiệp rất dễ trở thành sân sau cho các nhóm cổ đông nắm quyền điều hành, nhưng lợi ích không gắn chặt với lợi ích doanh nghiệp. Liệu LDG có bị theo “vết xe đổ” của những doanh nghiệp phải triệu tập đại hội cổ đông nhiều lần.
Tài sản của DXG được phân phối cho ai?
Trong giai đoạn từ ngày 22/7 đến 24/7/2020, hai cổ đông lớn của LDG là Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Hà Thuận Hùng đã bán ra toàn bộ 25,06 triệu cổ phiếu, tương ứng 10,45% vốn điều lệ LDG; Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG) đã bán ra toàn bộ 62,99 triệu cổ phiếu, tương ứng 26,27% vốn điều lệ.
Thời điểm DXG thoái vốn tại LDG, cổ phiếu LDG chỉ giao dịch vùng 6.000 đồng/cổ phiếu và là vùng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đây cũng là lúc LDG chịu áp lực giảm giá lớn nhất vì ảnh hưởng của những vấn đề pháp lý liên quan đến Dự án Khu dân cư Tân Thịnh (Viva Park) tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, do chưa hoàn thiện các thủ tục về xây dựng và UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, đồng thời yêu cầu Công ty hoàn thiện thủ tục giao đất, thuê đất theo đúng quy định.
Với tư cách là cổ đông lớn, DXG không ở lại hỗ trợ và giúp LDG vượt qua khó khăn, mà lựa chọn thoái vốn vì nhu cầu vốn của Công ty, ngay khi cổ phiếu ở vùng đáy trong gần 2 năm. Quyết định thoái vốn của DXG tại thời điểm này đã tạo ra các ý kiến trái chiều trên thị trường, khi giao dịch được thực hiện nhưng không rõ bên mua số lượng lớn cổ phiếu LDG là ai. Sau đó có những tin đồn về việc giá cổ phiếu LDG sẽ được đánh lên để cho bên mua thoát hàng, tức bán lại số cổ phiếu này ra thị trường.
Tính tới ngày 31/12/2020, Viva Park ghi nhận giá trị 260,7 tỷ đồng, chiếm 23,8% tổng tồn kho của LDG. Ngày 6/1/2021, LDG cho biết, Công ty đã nộp tiền phạt vi phạm hành chính và đang nỗ lực hoàn thành các thủ tục pháp lý để có thể tiếp tục triển khai Dự án. Dù chưa biết Dự án có thể triển khai tiếp hay không, nhưng thông tin này giúp nhà đầu tư tạm yên lòng, giá cổ phiếu LDG tiếp tục tăng.
Với điều kiện thị trường chứng khoán thuận lợi, không bất ngờ khi giá cổ phiếu LDG đã cao hơn 41,2% so với giá thời điểm DXG thoái vốn. Và nếu là những người lãnh đạo công ty, cổ đông lớn, thì có thể tính toán được kết quả kinh doanh năm 2021 để quyết định thoái vốn với giá tốt hơn ở thời điểm khác. Nhưng phương án này đã không được DXG lựa chọn. Người hưởng lợi từ phương án thoái vốn này là những người mua khối lượng lớn cổ phiếu LDG từ DXG, sau đó có thể đã bán ra trên thị trường chứng khoán và thu lợi nhuận.