VN-Index trở lại ngưỡng 1.360 điểm, thanh khoản sụt giảm
Cuộc họp được giới đầu tư trông đợi nhất tuần này kết thúc vào rạng sáng 17/6 (theo giờ Việt Nam) đã khiến không ít thị trường tài chính chao đảo. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed đã nhất trí neo duy trì khung lãi suất 0-0,25%. Tuy nhiên, các quan chức FOMC đánh tiếng rằng việc tăng lãi suất có thể đến sớm nhất vào năm 2023, sớm hơn 1 năm so với dự báo của họ vào tháng 3 vừa qua. Các chỉ số chính trên sàn chứng khoán Mỹ đều giao dịch tiêu cực và đóng cửa trong sắc đỏ.
Với thị trường Việt Nam, phiên 17/6 còn là ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng phái sinh VN30F2106. Hoạt động đóng vị thế theo phân tích của Chứng khoán SSI có thể tạo ra những ảnh hưởng tới vận động của VN30 và qua đó là VN-Index. Vậy nhưng, sàn chứng khoán Việt Nam vẫn đứng vững trước nhiều yếu tố tiêu cực.
VN-Index rơi sâu từ đầu phiên sáng nhưng lực cầu bắt đáy đã xuất hiện, qua đó giúp chỉ số tăng dần và lấy lại sắc xanh vào phiên chiều. Chỉ số sàn HoSE đóng cửa ở mức 1.359,92 điểm, tăng 3,4 điểm (+0,25%) so với hôm qua. Tương tự, HNX-Index và UPCoM-Index đều lấy lại sắc xanh trong phiên chiều. HNX-Index kết phiên tăng 1,09% lên 317,07 điểm. Còn chỉ số sàn UPCoM cũng tăng 0,82% lên 89,55 điểm.
Tuy nhiên, thanh khoản thị trường đã sụt giảm đáng kể so với hôm qua. Giá trị giao dịch trên ba sàn chỉ đạt 27.410 tỷ đồng, trong khi vẫn đạt tới hơn 30.290 tỷ đồng phiên 16/6. Tính riêng từng sàn, thanh khoản cũng giảm. Trên sàn HoSE, nếu không kể phiên 1/6 chỉ giao dịch nửa ngày, giá trị giao dịch đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 27/5. Điều này phần nào phản ánh các nhà giao dịch đang có tâm lý thận trọng nhất định ở thời điểm hiện tại.
Khối ngoại dù ghi nhận một vài phiên trở lại mua ròng nhưng xu hướng chốt lời, thu vốn về vẫn khá rõ ràng. Các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng 71 tỷ đồng hôm nay. Dù đều mua ròng trên 20 tỷ đồng tại sàn HNX và UPCoM, khối ngoại lại bán hơn 113 tỷ đồng ở sàn HoSE. VCB bất ngờ được khối ngoại giải ngân hơn 216 tỷ đồng mua thêm cổ phần nhưng ở chiều ngược lại nhiều cổ phiếu bị bán ròng mạnh gồm HPG (-160 tỷ đồng), CTG (-156 tỷ đồng) và MBB (-146 tỷ đồng).
Sắc xanh phủ rộng dù nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm khá
Số lượng mã chứng khoán tăng giá cao áp đảo số mã giảm (525 mã tăng/356 mã giảm). Tuy nhiên, không ít các cổ phiếu vốn hóa lớn lại ghìm chân thị trường. Trái với diễn biến của VN-Index, VN30-Index sau phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (ATC) bất ngờ quay đầu giảm 0,25% dù vẫn đang giao dịch trong sắc xanh trước đó. Chỉ có 13/30 mã chứng khoán thuộc rổ VN-30 giảm giá, nhưng đây đều là các cổ phiếu vốn hóa lớn tác động mạnh lên chỉ số.
Cổ phiếu của Vingroup giảm tới 1,8%, mức giảm sâu nhất trong các cổ phiếu thuộc VN-30. Đồng thời, cũng với cổ phiếu của công ty con Vinhomes, VIC và VHM cũng là hai cổ phiếu kéo VN-Index giảm điểm mạnh nhất hôm nay. Trong nhóm ngân hàng, nhiều cổ phiếu tiếp tục điều chỉnh như SeABank (SSB), VPBank (VPB), Techcombank (TCB). Cổ phiếu của “vua thép” Hòa Phát cũng đã giảm phiên thứ ba liên tiếp. Còn trên sàn HNX, cổ phiếu của ngân hàng Bắc Á là yếu tố kéo chỉ số giảm nhiều nhất.
Thiếu vắng nhiều trụ cột vốn là các cổ phiếu nâng đỡ chỉ số thời gian trước đây, nhưng các chỉ số chứng khoán vẫn tăng. Cổ phiếu GAS là đầu tàu kéo VN-Index tăng điểm. Không riêng GAS, nhóm cổ phiếu dầu khí lại có phiên giao dịch tích cực như PVD tăng 3,1%; PVS tăng 2,4%... Giá dầu Brent đang điều chỉnh nhẹ sau khi lên mức cao nhất từ tháng 10/2018 (74,9 USD/thùng). Nhờ hai phiên tăng giá liên tiếp cùng chuỗi phiên điều chỉnh của hai cổ phiếu ngân hàng TCB và VPB, PV Gas đã lấy lại vị trí thứ 8 trong top vốn hóa thị trường của các tổ chức niêm yết với giá trị xấp xỉ 179.720 tỷ đồng.
Top 10 cổ phiếu kéo chỉ số tăng còn có sự xuất hiện của nhóm ngân hàng nhưng không nhiều (MBB và BID). Bên cạnh đó, BVH, REE, MWG, SBT , PLX, POW cũng giao dịch tích cực và đóng góp vào đà tăng chỉ số. SBT tăng kịch biên độ, nhiều cổ phiếu ngành đường cũng tiếp tục tăng giá mạnh sau phiên “dậy sóng” hôm qua.
Từ ngày 16/6, Bộ Công thương đã có quyết định chính thức về việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với đường nhập khẩu có nguồn gốc Thái Lan với mức 47,64%, áp dụng trong 5 năm. Quyết định chính sách này được kỳ vọng có thể tháo gỡ những khó khăn của ngành đường hiện tại, giúp bảo vệ đường trong nước khỏi đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan cũng như đường nhập lậu, thúc đẩy ngành đường trong nước về lâu dài vì mục tiêu an ninh lương thực và hỗ trợ lao động ngành nông nghiệp.
Một số cổ phiếu đầu cơ giao dịch khá tích cực. ROS và FLC cùng tăng kịch biên độ trong khi AMD, KLF hay HAI đều tăng trên 5%. Trong khi cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn như VIC, NVL giảm giá, nhóm có vốn hóa vừa và nhỏ lại tăng giá như DXG, SCR, QCG...