Quanh chuyện thờ Thần tài, có không ít chi tiết thú vị. Ảnh: Thành Nguyễn |
Sự khác biệt trong văn hóa vùng miền
Trong thực tế, ở một số vùng miền, trên ban thờ chính tại gia, thì bát hương chính giữa là thờ Công đồng các quan Thần linh bản thổ, trong đó có Thổ Công, Táo quân, Long Mạch, Chúa đất và Thần tài Thổ Địa. Đó là cơ quan thần linh cai quản một lô đất, tùy duyên từng lô đất mà có ít hay nhiều vị Quan Thần Linh.
Đa số ngoài Bắc những cửa hàng, công ty hoặc tại gia có làm kinh doanh mới có ban thần tài, còn thông thường nhà nào mà không kinh doanh thì không lập ban thờ thần tài tại gia. Nhưng đối với dân bản địa ở miền Nam thì hầu hết đều có đều thờ thần tài, từ nhà ở đến công ty.
Theo quan điểm ngoài Bắc, ông Thổ Công và Táo Quân ngự trên ban thờ chính cùng với và gia tiên, đối với nhà mặt phố thì ban thờ bố trí ở phía trên tầng cao nhất ngôi nhà. Nhưng ở miền Nam, người ta lại đặt thờ Táo quân trên tủ bếp và họ quan niệm ông Thổ Công chính là ông Thổ Địa trong ban Thần tài Thổ Địa. Với những nhà 3 đến 5 tầng họ lại đặt ban thờ gia tiên trên tầng thượng, cao hơn cả ban thờ Thần tài.
Theo Kiến trúc sư Hoàng Trà, Giám đốc Công ty Kiến trúc và Xây dựng dân dụng Hà Nội, Trưởng ban phong thủy - Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, đây là văn hóa vùng miền nên rất khó để bình luận, “nhận định” có hợp lý hay không.
Tuy nhiên, ông Hoàng Trà cho rằng, chúng ta nên cùng suy ngẫm một điều như sau: Các vị thần linh bản thổ đã được phong thần để cai quản lô đất cũng giống như trần gian là được bầu và phong chức vụ, ví như trưởng thôn, trưởng phường để quản lý hành chính. Còn gia tiên của chúng ta cũng giống như người dân.
Vậy, đặt ban thờ gia tiên cao hơn, trang trọng hơn, ở trên ban thờ to đẹp hơn và vị trí cao hơn Ban Thần Linh liệu có phù hợp hay không?
Những lưu ý khi thờ Thần tài
Theo chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, về một khía cạnh nào đó chúng ta thấy ban Thần tài, Thổ Địa tương tự như phòng kinh doanh và lễ tân của một công ty, doanh nghiệp. Nếu lễ tân là đón khách, mời khách, tiếp khách hàng theo đường dương; thì Thần tài, Thổ Địa là người mời khách, tiếp khách, đón khách đường âm.
Xét theo khía cạnh nào đó thì một công ty không có lễ tân hay phong kinh doanh mà họ vẫn làm ăn phát đạt, nhưng có công ty rất cần phải có; tương tự như vậy thì ban thần tài cũng không nhất thiết phải thờ, mà tùy duyên từng trường hợp mà có ban thờ thần tài hay không.
Một công ty, một nhà ở không nhất thiết phải đặt ban thờ thần tài. Tuy nhiên, nếu đã đặt ban thờ thì cần lưu ý một số điểm:
- Ban thờ phải đặt gần cửa chính, nếu có chỗ dựa thì hướng ra cửa chính, còn nếu không có chỗ dựa thì quay ngang, dựa vào tường vì như đã nói ở trên, Thần tài, Thổ Địa như bộ phận lễ tân, mà lễ tân thì phải đặt ở gần cửa chứ không thể đặt tít phía cuối nhà, phía trong của ngôi nhà.
- Đối với một ban Thần tài thông thường thì chỉ thờ có hai ông Thần tài (ở bên trái, nhìn từ ngoài vào), Thổ Địa (ở bên phải) và những người không có căn mệnh thì cũng chỉ thờ hai ông là hợp lý. Đối với người có căn mệnh sẽ thờ ba ông và ở giữa có một vị quan đội mũ cánh chuồn, một số nơi họ sẽ gọi với danh danh xưng khác nhau: quan thần phát, quan thần tiền, quan thần lộc...
- Nhưng một số trường hợp họ lại đặt ở trên tượng ngài Di Lặc trên tay có cầm đĩnh vàng. Nhưng xét theo một khía cạnh nào đấy, nhà Phật không ban tiền tài và nhà Phật với nhà Thánh không ngự chung tại một ban. Thế nên, mọi người tự cân nhắc việc ban Thần tài thờ mấy ngài sao cho phù hợp và thấy tâm được thoải mái. Nếu cầu kỳ và cẩn trọng thì nên mời thầy chọn vị trí và chỉ giúp cho cách thờ cúng phù hợp với căn cơ.
- Đối với ban thần tài nhỏ, không đủ để bày nhiều đồ lên trên ban thì chúng ta nên đóng thêm một đế bằng gỗ để bày các đồ lễ như đĩa hoa quả, tiền vàng, xôi, thịt, dầu đèn, trà thuốc,… Chứ không bày xuống nền đất, nhìn không thanh tịnh.
- Bát hương thờ thần tài cũng không quan trọng to hay nhỏ mà phải phù hợp với kích cỡ của Ban thờ (trang thờ) và đồ thờ ban thần tài thì tối thiểu phải có những thứ sau: một nậm rượu, khay có 3 hoặc 5 chén, một mâm bồng bày đồ cúng, 2 lọ hoa, đèn dầu, ba hũ đựng muối- gạo- nước, đèn diện...
- Người ta có thể mua thêm cóc thiềm thừ, nhưng không nên bày kỳ lân hay tỳ hưu, vì đó là vật dùng trấn một số phương vị phong thủy khi cần chứ không phải để bày ở ban thần tài. Khi vật phẩm dùng để chấn mà bày ở ban thần tài thì tài vận bị chấn lại.
- Một vật phẩm nữa tuy không quan trọng nhưng phải có là gạt tàn thuốc lá. Nhiều người châm thuốc lá lại lấy chân hương cắm vào bát hương hoặc cài lên tay thần tài, thổ địa thì tàn thuốc rơi xuống bẩn tượng và bẩn bát hương. Theo chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, đồ cúng còn được bày ra đĩa để dâng, thì thuốc lá cũng nên được đặt trên gạt tàn cho sạch sẽ và sẽ linh hơn.
- Tuyệt đối không đặt những đồng tiền giấy, tiền xu hoặc tiền mã vào trong bát hương, nếu là tiền thật thì có ảnh vĩ nhân, còn tiền xu là kim loại sẽ làm tán khí đều không phù hợp.
Ban Thần tài vào mồng một, ngày rằm, ngày vía Thần tài (mồng 10 Âm lịch hàng tháng) phải cúng đầy đủ đồ lễ trong đó có xôi, thịt, rượu, trà thuốc, hoặc cà phê và hoa quả... Còn ngày thường thì chỉ cần có ấm trà, hoặc ly cà phê rót ra chén và châm thuốc ra gạt tàn là đủ. Cũng lưu ý, không nên bày đồ cúng ở ban thờ từ ngày này qua ngày khác. Theo cách nhìn trần sao âm vậy, chúng ta chẳng bao giờ bầy đồ ăn trên bàn từ ngày này qua ngày khác. Mà đồ cúng xong rồi thì xin thụ lộc và thu dọn ban thờ cho sạch sẽ.
Dưới góc nhìn của Kiến trúc ư phong thủy Hoàng Trà, việc thờ Thần tài thường tuân theo phong tục vùng miền, vì vậy chúng ta thờ làm sao cho đúng đạo và tâm chúng ta được an là được, bởi vì thờ cúng linh hay không linh là từ tâm của người thờ và “linh tại ngã, bất linh tại ngã”.
Thường người ta đặt ban thần tài cũng chú trọng đến hướng và tuổi gia chủ nhưng dù hợp hay không thì nguyên tắc vẫn phải lấy theo thế là nhìn ra cửa hoặc nhìn ngang. Tuy nhiên, đối với một số nhà hướng cửa hoặc quay ngang đều không hợp với gia chủ, câu hỏi đặt ra là không lẽ lại cho ban Thần tài quay vào phía hậu của ngôi nhà? Ví dụ người có Tây mệnh, lại thuê cửa hàng thuộc hướng Đông thì ban thần tài không thể quay về hướng Tây được.
Theo nhà phong thủy Hoàng Trà, trong các trường hợp không muốn đặt ban thờ hướng ra cửa hoặc quay ngang và muốn lấy hướng hợp; thì có thể đặt khéo léo để ban thần tài quay chéo đi, nhưng thế phải đẹp. Đặc biệt, Ban thờ Thần tài phải được đặt nơi sạch sẽ, phong quang, tuyệt đối tránh đặt gần hay nhìn vào nhà vệ sinh, trước gương hoặc nhà bếp, tránh để góc cạnh của các vật dụng khác đâm vào.