Sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng khá lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Đ.T |
1. Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn I bao gồm 4 nội dung chính.
Thứ nhất, Trung Quốc cam kết tăng kim ngạch nhập khẩu nông sản Mỹ từ 40 tỷ USD/năm lên 50 tỷ USD/năm và tăng nhập khẩu ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm tới. Ngược lại, Mỹ hoãn áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 15/12/2019, giảm thuế đối với 120 tỷ USD hàng hóa khác xuống còn 7,5%, nhưng vẫn kỳ vọng duy trì mức thuế khoảng 380 tỷ USD.
Thứ hai, Trung Quốc cam kết mở cửa thị trường cho các định chế tài chính Mỹ và thực hiện các thỏa thuận về tính minh bạch đối với thị trường ngoại hối, không hạ giá đồng nội tệ để cạnh tranh và không dùng tỷ giá hối đoái để phục vụ lợi thế thương mại.
Thứ ba, doanh nghiệp Mỹ được quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc với cam kết chia sẻ bí quyết công nghệ; hai bên đã có được hiểu biết chung về vấn đề sở hữu trí tuệ và bản quyền.
Thứ tư, hai bên đạt được cơ chế giải quyết tranh chấp.
Thỏa thuận này tạo điều kiện để các công ty Mỹ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính Trung Quốc, gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và tín dụng, là bước tiến trong quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ - Trung.
Các nhà đàm phán của Mỹ và Trung Quốc lựa chọn phương thức tiếp cận giải quyết vấn đề dễ, có ý nghĩa ngắn hạn trước, tạo tiền đề để nỗ lực hơn nữa từ cả hai bên để đạt được thỏa thuận thương mại lâu dài, thực chất hơn.
Phát biểu tại buổi tranh cử ở Toledo (bang Ohio) ngày 9/1, Tổng thống Mỹ D.Trump nói: “Ngày 15/1, chúng tôi sẽ ký một thỏa thuận lớn, một thỏa thuận tuyệt vời. Ngay khi chúng ta bước vào năm mới 2020, nền kinh tế của chúng ta đang phát triển mạnh”.
Tuy vậy, thỏa thuận này đã được nông dân Mỹ đón nhận một cách thận trọng. Ông Brian Kuehl, đồng Giám đốc điều hành Tổ chức Nông dân vì thương mại tự do tuyên bố: “Với người nông dân, điều này có thể là tia hy vọng đầu tiên, nhưng cũng có thể là lời hứa suông khác. Người nông dân muốn tiếp cận ổn định vào thị trường Trung Quốc, không phải là chỉ mua bán một lần, do đó, rất cần xem xét các mức thuế trả đũa vốn tác động nghiêm trọng đến xuất khẩu nông sản được xử lý thế nào trong thỏa thuận này”.
Việc hai cường quốc thế giới đạt được Thỏa thuận thương mại giai đoạn I là bước tiến quan trọng, có tác động tích cực đến tình hình kinh tế - xã hội của Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nước đã gây thiệt hại cho cả hai bên.
Thỏa thuận này cũng có tác động đến thương mại, đầu tư và kinh tế thế giới. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, tác nhân lớn nhất trong năm 2020 đối với an ninh kinh tế toàn cầu là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Do đó, việc ký Thỏa thuận giai đoạn I và định hướng đàm phán giai đoạn II để giải quyết bất đồng mang tính cốt lõi sẽ cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu do củng cố lòng tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Trong một báo cáo mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới tăng 3,4% trong năm 2020. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế toàn cầu chỉ tăng 2,5% trong năm nay và 2,7% trong năm 2022; kinh tế Mỹ chỉ tăng 1,8% năm 2020, thấp hơn nhiều so với lời hứa của Tổng thống D. Trump đưa tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ lên 3%; kinh tế Trung Quốc tăng trưởng dưới 6% vào năm 2020, mức thấp trong 30 năm qua.
WB biện minh cho dự báo thận trọng của mình rằng, Thỏa thuận thương mại Mỹ- Trung giai đoạn I không loại bỏ các vấn đề cơ bản hiện có, đặc biệt là trong nền kinh tế của các nước đang phát triển.
Trong trường hợp Thỏa thuận thương mại giai đoạn I gặp khó khăn khi thực hiện, không thể tiến hành đàm phán giai đoạn II, thì chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và đòn bẩy thuế quan sẽ cản trở đầu tư và thương mại thế giới, làm cho kinh tế toàn cầu chịu tác động tiêu cực và trở nên bấp bênh, bất ổn có thể kéo dài sang các năm sau.
Tờ South China Morning Post dẫn bình luận của Huo Jianguo, nguyên Trưởng nhóm chuyên gia của Bộ Thương mại Trung Quốc rằng, việc ký kết thỏa thuận giai đoạn I chỉ tạm thời giảm bớt căng thẳng trong quan hệ thương mại song phương và rằng “tất cả phần khó khăn nhất được chuyển sang đàm phán giai đoạn II, nhưng sẽ khó khăn hơn để đạt được thỏa thuận”.
Ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế thuộc Công ty đầu tư tài chính Macquarie Capital (Hồng Kông) nhận định, có vẻ Trung Quốc “không mấy hào hứng” khi ký Thỏa thuận thương mại giai đoạn I. “Ông Trump đang cố gắng chạy đua cho cuộc bầu cử tổng thống, nhưng phía Trung Quốc thì không, nên họ không phải vội”, ông Larry Hu nói.
2. Cần đặt Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn I trong ý đồ của các nhà lãnh đạo và chiến lược đối ngoại của hai cường quốc. Ngày 2/1/2020, tờ The Economist có bài “Don’t be fooled by the trade deal between America and China” bình luận: “Thỏa thuận khiêm tốn này không thể che đậy được thực tế mối quan hệ quan trọng nhất của thế giới đang ở thời điểm nguy hiểm nhất kể từ khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông tái lập các mối liên hệ cách đây 5 thập niên. Hai bên từng nghĩ rằng, cả hai có thể phát triển thịnh vượng cùng nhau, nhưng ngày nay, mỗi nước đều có tầm nhìn về việc mình thành công, còn nước kia phải bị tụt lại phía sau”.
Dự án Đối thoại Mỹ - Trung của Đại học Georgetown đã phỏng vấn các chuyên gia kỳ cựu về 40 năm quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung. Ông Jeffrey Bader, nguyên Cố vấn trưởng của Barack Obama về chính sách châu Á, hiện làm việc tại Viện Brookings, nhắc lại rằng, sau khi Trung Quốc đàn áp tàn bạo cuộc biểu tình của sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, Mỹ vẫn giữ quan hệ thương mại mở, không phải vì hy vọng vào một Trung Quốc nhân từ hơn, mà vì sợ rằng, nước này có thể quay trở lại chính sách tự cung tự cấp, bài ngoại như thời Mao Trạch Đông.
Trong khi đó, nguyên cố vấn trưởng khác về châu Á của Barack Obama, Evan Medeiros hiện làm việc tại Đại học Georgetown nhận thấy, Trung Quốc đang thiếu hiểu biết về việc tâm trạng của nước Mỹ đã thay đổi như thế nào. Người Trung Quốc “tập trung vào vấn đề chu kỳ, tôi không nghĩ rằng, họ đã hiểu được các vấn đề về mặt cấu trúc (trong chính trị Mỹ)”.
Trung Quốc khao khát phát huy tầm ảnh hưởng của mình trên toàn cầu và muốn trở thành người thiết lập quy tắc thương mại toàn cầu, kiểm soát thông tin, tiêu chuẩn thương mại và tài chính. Họ cũng đã xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông, can thiệp vào cộng đồng 45 triệu người Hoa ở hải ngoại.
Tổng thống Donald Trump đáp trả bằng chính sách đối đầu và đã giành được sự ủng hộ của hai đảng ở Mỹ.
Trong khi phần lớn chuyên gia Mỹ nhận định, với cuộc cạnh tranh của Mỹ, trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ dàn trải sức mạnh quá mức, tăng trưởng kinh tế trong nước giảm sút và phản ứng của nước ngoài đối với sự bành trướng của nước này, thì nhiều chuyên gia Trung Quốc phát biểu một cách thẳng thắn rằng, Mỹ nên ngừng nghĩ mình quan trọng hơn người khác, thậm chí hy vọng, Mỹ sẽ học được sự khiêm nhường để chấp nhận vai trò của Trung Quốc như một đối tác bình đẳng và khôn ngoan hơn, tránh kích động Trung Quốc ở khu vực châu Á.
Các chuyên gia hai cường quốc không ai dự đoán là trong tương lai, Mỹ và Trung Quốc đều cảm thấy mình như là người chiến thắng. Chiến tranh lạnh Trung - Mỹ dẫn đến cả hai nước đều có thể thua, do vậy, mỗi bên đang lên kế hoạch cắt giảm hợp tác với bên kia và phá hoại về kinh tế để giảm mối đe dọa dài hạn, với tính toán khá phức tạp vì hai siêu cường đang có mức độ đan xen lợi ích nhiều mặt.
Về công nghệ, các công ty Trung Quốc phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài đối với hơn 55% linh kiện cao cấp đầu vào của sản phẩm robot, 65% đầu vào trong ngành điện toán đám mây và 90% đầu vào trong ngành bán dẫn. Tuy vậy, hầu hết các thiết bị điện tử ở Mỹ lại được lắp ráp tại Trung Quốc.
Về lĩnh vực tiền tệ, tuy đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 2% thanh toán quốc tế, nhưng các ngân hàng Trung Quốc nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD tài sản định danh bằng USD. Trung Quốc hiện có khoảng 370.000 sinh viên theo học tại các trường đại học danh tiếng của Mỹ, làm cho các khu học xá của Mỹ ái ngại về khả năng gián điệp công nghệ của Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng, để cạnh tranh với Trung Quốc, ở trong nước, Mỹ phải đầu tư vào tương lai bằng ngân sách lớn cho giáo dục công và khoa học cấp cao, đồng thời có các chính sách nhập cư hợp lý để thu hút nhân tài; ở nước ngoài, cần xây dựng lại các liên minh đã bị suy yếu và nhớ rằng các quốc gia phương Tây khác không muốn lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ.
Lịch sử cận đại chưa từng chứng kiến một cuộc cạnh tranh ý thức hệ nào phức tạp như vậy giữa hai cường quốc kinh tế. Vấn đề cốt lõi là làm thế nào để cuộc cạnh tranh đó an toàn và mang tính xây dựng vì hòa bình và thịnh vượng của thế kỷ này đang phụ thuộc vào điều đó.
(Còn tiếp)