Ngân hàng - Bảo hiểm
Thoát nghèo nhờ tín dụng chính sách
Thanh Phương - 28/12/2017 20:51
Trong 10 năm triển khai chương trình tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đã có hàng triệu hộ đồng bào có cơ hội đầu tư phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Cuộc cách mạng thay đổi hành vi

Sau bao nhiêu năm sống trong nghèo khó, gia đình anh Hồ Ai Can (người Vân Kiều) đã vươn lên trở thành hộ dân thuộc hạng khá giả ở Pa Loang, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (Quảng Trị). Khởi nghiệp từ 30 triệu đồng vốn vay từ chương trình tín dụng hộ nghèo năm 2009, gia đình anh đầu tư trồng rừng và nuôi bò. Đến giữa năm 2015, sau khi trả hết nợ gốc, anh tiếp tục được vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo, mạnh dạn đầu tư mua 6 con bò giống.

Vợ chồng anh Hồ Ai Can và đàn gia súc có được nhờ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Dần dà, gia đình anh Hồ Ai Can đã mở rộng mô hình, nuôi thêm dê thả núi, gà thả vườn. “Hiện nay, tổng đàn bò và gia súc của gia đình tôi là trên 40 con, mang lại lợi nhuận 60 - 70 triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, gia đình tôi có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, sửa sang, xây dựng nhà cửa, chăm lo cho con học hành”, anh Hồ Ai Can phấn khởi.

Là huyện nghèo của tỉnh Quảng Trị theo Nghị quyết 30a/2008/NĐ-CP về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, Đakrong có tới 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó chủ tịch huyện Dakrong, huyện có tỷ lệ nghèo cao do trình độ dân trí, trình độ khoa học kỹ thuật còn hạn chế; phong tục, tập quán lạc hậu; tỷ suất sinh cao, người dân còn mang nặng tư tưởng “đông con hơn đông của”.

Nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp bà con phát triển kinh tế trên vùng đất khó. “Song song với việc dẫn vốn tín dụng ưu đãi về với từng thôn, bản, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với chính quyền cơ sở hướng dẫn bà con từ việc nhỏ đến việc lớn, giúp bà con có làm có ăn để thay đổi thói quen mong đợi từ thiên nhiên. Chúng tôi gọi đó là cuộc đại cách mạng thay đổi hành vi”, bà Cúc nói.

100% hộ đồng bào được tiếp cận tín dụng chính sách

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, chương trình tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số bắt đầu được thực hiện vào cuối năm 2007. Trong 10 năm qua, Ngân hàng luôn tạo mọi điều kiện để đồng bào dân tộc được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách thuận lợi.

Nhờ nguồn vốn ưu đãi, bà con dân tộc có cơ hội đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao dần mức sống, thoát khỏi cảnh đói nghèo. Quan trọng hơn, thông qua hoạt động đầu tư, sản xuất, bà con dân tộc dần nâng cao trình độ quản lý sản xuất - kinh doanh, cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo. Đó là quá trình tác động lâu dài, giúp bà con nâng cao nhận thức, tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.

Để có được kết quả trên, Ngân hàng Chính sách xã hội luôn chỉ đạo ưu tiên nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo... Bà con được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn  ưu đãi của Chính phủ để yên tâm sản xuất - kinh doanh, từng bước vươn lên.

Cùng với đó, cách thức, thủ tục vay vốn đơn giản, mạng lưới hoạt động của tín dụng chính sách được “phủ” đến từng thôn, bản, thông qua gần 200.000 tổ tiết kiệm, vay vốn và gần 11.000 điểm giao dịch xã của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân hàng cũng kết hợp hướng dẫn sử dụng vốn vay phù hợp với khả năng và điều kiện của hộ vay. Nhờ đó, tín dụng chính sách đã thay đổi cuộc sống của đa số đồng bào, góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, gần 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Việc vay vốn chính sách đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số phải tính toán cách làm ăn, được tiếp cận dần với cơ chế thị trường. Nhờ tín dụng chính sách xã hội phát triển rộng khắp, tình trạng cho vay nặng lãi đã bị hạn chế.

Các chương trình cho vay dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt danh số cho vay trên 2.900 tỷ đồng, doanh số thu nợ trên 845 tỷ đồng.

Chương trình còn dư nợ trên 2.000 tỷ đồng, với trên 208.000 hộ có dư nợ, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2007, với mức cho vay bình quân là 8,4 triệu đồng.

Tin liên quan
Tin khác