Việt Nam đang trở thành điểm đến du lịch MICE của khu vực. |
Chờ đợi sự bùng nổ
Đà Nẵng đang “nóng” dần với các đoàn khách MICE. Trong vòng chưa đầy 1 tháng, từ ngày 21/2 đến 15/3/2022, 10 đoàn với khoảng 2.500 khách đã đặt chân đến đây, trong đó có 3 đoàn trên 700 khách.
Chính sách MICE Đà Nẵng năm 2022 với nhiều ưu đãi dành cho 100 đoàn khách MICE đầu tiên từ 50 khách trở lên của Đà Nẵng là một lý do. Theo đó, các đoàn khách được chào đón, tặng quà và nhận nhiều hỗ trợ hấp dẫn.
Bà Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết, chính sách này được doanh nghiệp du lịch đặc biệt quan tâm.
Trước đó, Đà Nẵng đã thí điểm thúc đẩy dòng sản phẩm này. Từ ngày 15/3 đến 30/4/2021 và tháng 12/2021, Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng đã tư vấn, hỗ trợ 10 đoàn với 4.000 khách MICE.
“Xu hướng đoàn MICE đang rõ nét hơn, chủ yếu là các đoàn khách quy mô vừa và nhỏ, có kế hoạch tổ chức gần với ngày khởi hành”, bà An phân tích tình hình.
Các doanh nghiệp lữ hành cũng đang dồn trọng tâm vào sản phẩm khá chuyên biệt này. Trong tháng 2/2022, Công ty Vietravel khu vực TP.HCM đã tổ chức 150 đoàn với gần 9.000 khách tham gia tour du lịch MICE tới các điểm đến an toàn như Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu (Hồ Tràm, Long Hải), Đà Lạt, Phan Thiết… Tháng 3, Vietravel TP.HCM dự kiến tiếp tục phục vụ khoảng 220 đoàn MICE (trên 11.000 du khách).
Công ty Lữ hành Saigontourist cũng phục vụ hơn 13.000 khách trong tháng 2 và dự kiến tổ chức hơn 80 đoàn MICE trong tháng 3/2022.
Với tốc độ này, doanh nghiệp đang chờ đợi sự bùng nổ du lịch MICE từ tháng 4 tới.
Việt Nam - điểm đến đang lên hàng đầu khu vực của du lịch MICE
Khoảng đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, du lịch MICE xuất hiện tại Việt Nam theo dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài. Từ năm 2008, thị trường này có bước phát triển nhanh chóng.
Năm 2011, Câu lạc bộ Du lịch MICE Việt Nam ra mắt tại TP.HCM với sự quản lý của Công ty cổ phần Truyền thông mạng Vina (VinaMedia). Những doanh nghiệp có tên tuổi như Vietnam Airlines, Saigontourist và các khách sạn 5 sao Sofitel, Sheraton, New World, Legend… là thành viên chủ chốt của câu lạc bộ này.
Thị trường khách MICE của Việt Nam đa dạng, ở cả nội địa và quốc tế, phần lớn là các cơ quan, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp. Khoảng 5 năm gần đây, du lịch MICE phát triển nhanh tại Việt Nam, đưa “mảnh đất hình chữ S” trở thành điểm đến du lịch MICE của khu vực.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, doanh thu từ MICE mang lại giá trị cao hơn 4 - 6 lần doanh thu từ các loại hình du lịch khác, bởi tính chất đặc thù và các loại dịch vụ tiêu chuẩn mà MICE đòi hỏi.
Đây là sự tổng hợp các sản phẩm du lịch đơn lẻ kết hợp tổ chức sự kiện tại các địa điểm du lịch, trung tâm kinh tế, có điều kiện phục vụ đông người. Chương trình du lịch MICE không chỉ có số lượng khách tập trung đông, mà còn có sự tham gia của các chính khách, doanh nhân, nghệ sỹ, đi kèm với đó là sức chi trả cao hơn.
Ông Gilbert Whelan, Chủ tịch VinaMedia đã tính toán, trung bình mỗi khách MICE châu Âu chi tiêu 700 - 1.000 USD/ngày, khách MICE châu Á chi tiêu trên 400 USD/ngày.
“Hiệu ứng mà MICE đem lại không chỉ là doanh thu của các đối tác cụ thể, mà còn là cơ hội quảng bá, tiếp thị tốt cho điểm đến du lịch. Đây sẽ là nguồn lợi lớn để coi trọng phát triển MICE thành một ngành công nghiệp mạnh”, ông Gilbert Whelan nói.
Tổ chức Du lịch thế giới dự báo, đến năm 2025, riêng ngành công nghiệp du lịch MICE thu được trên 1.400 tỷ USD, tập trung ở 2 khu vực là châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam được nhìn nhận là điểm đến đang lên hàng đầu khu vực của du lịch MICE. Cơ sở của nhận định này, theo Tổ chức Du lịch thế giới, là Việt Nam có điều kiện tự nhiên, văn hóa và đặc biệt là môi trường đầu tư hấp dẫn.
Tháng 6/2021, Giải thưởng Du lịch MICE thế giới lần thứ 2 - giải thưởng chuyên về sản phẩm du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện, khen thưởng đã vinh danh Việt Nam chiến thắng ở 3 hạng mục trong khu vực châu Á. Theo đó, TP.HCM là “Điểm đến du lịch MICE tốt nhất châu Á 2021”; Sheraton Grand Danang Resort là “Khách sạn du lịch MICE tốt nhất châu Á 2021” và Vietnam Airlines là “Hãng hàng không du lịch MICE tốt nhất châu Á năm 2021”.
Không gian đầu tư hấp dẫn
Tháng 12/2021, các quan chức cùng đại diện các công ty du lịch của Việt Nam và Ấn Độ đã có cuộc họp trực tuyến để quảng bá về điểm đến lý tưởng của những đám cưới không thể quên - đảo Phú Quốc và bang Kerala (phía Tây Nam Ấn Độ).
Chủ tịch Hiệp hội Đại lý du lịch Ấn Độ Jyoti Mayal cho biết, xu hướng trở thành điểm đến để tổ chức đám cưới sẽ là nhân tố thúc đẩy thương mại du lịch giữa hai nước và Việt Nam có thể trở thành điểm đến yêu thích nhất để tổ chức đám cưới của người Ấn Độ.
Đây là một ví dụ để thấy, MICE đang mở không gian cho những sáng kiến, ý tưởng mới. Giới kinh doanh cũng nhìn nhận, du lịch MICE ở Việt Nam đang hội tụ điều kiện để trở thành một phân ngành bứt phá của công nghiệp du lịch.
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Flamingo Holding Group, CEO Flamingo Redtours cho biết, Tập đoàn đang phục hồi khá nhanh nhờ các sự kiện quy mô lớn, thậm chí trong giai đoạn đầu mở cửa du lịch, du lịch MICE sẽ là dòng sản phẩm chính.
“Thời điểm này, dù Covid-19 cơ bản được khống chế, nhưng tâm lý lo lắng vẫn còn, nên các hoạt động du lịch kết hợp công việc sẽ được chọn, thay vì du lịch thuần túy. Mặt khác, sau 2 năm dịch bệnh, nhiều hội nghị, hội thảo, sự kiện quốc tế bị hoãn đang được khởi động trở lại song hành với các kế hoạch kinh doanh, xúc tiến thương mại, chăm sóc khách hàng, ra mắt sản phẩm mới…. Đây là thời của MICE”, ông Hoan nhấn mạnh.
Du lịch MICE đang có rất nhiều dư địa, tuy nhiên, trên thực tế, việc khai thác và phát triển dòng sản phẩm này đang đối mặt với một số thách thức.
Một là, du lịch MICE cần được đầu tư bài bản, quy mô hơn. Việt Nam hiện có nhiều khách sạn 5 sao, nhưng số lượng phòng, công suất phòng họp còn hạn chế; không nhiều trung tâm hội nghị, triển lãm đáp ứng được yêu cầu tổ chức sự kiện cho các đoàn khách lớn, quy mô vài ngàn người.
Hai là, nguồn nhân lực phục vụ du lịch MICE còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng.
Ba là, công tác quảng bá du lịch MICE ra thị trường quốc tế còn yếu, nhỏ lẻ.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, 5 năm qua, nhờ hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật được đầu tư hiện đại, nên du lịch MICE của Việt Nam mới có thể phát triển nhanh.
“Nhu cầu và tiềm năng của loại hình này rất lớn, nhưng Việt Nam mới khai thác được một phần nhỏ. Do đó, cần tiếp tục đầu tư hạ tầng để MICE thực sự trở thành phân khúc chính của du lịch Việt Nam”, ông Tuấn nói.
Trở lại sự lựa chọn MICE cho kế hoạch tái khởi động du lịch năm 2022 của Đà Nẵng, có thể nhìn thấy mối tương quan giữa phát triển hạ tầng giao thông, bất động sản du lịch và cơ hội phát triển dòng sản phẩm có giá trị cao này. Theo đó, để phát triển loại hình du lịch MICE, các địa phương và đơn vị kinh doanh du lịch cần có tầm nhìn chiến lược, đầu tư nâng cấp bài bản cơ sở vật chất, hạ tầng, nâng cấp dịch vụ một cách chuyên nghiệp hơn.
Khi các doanh nghiệp đang đổ vốn lớn vào các dự án bất động sản du lịch, các khu nghỉ dưỡng cao cấp tại những vùng du lịch đã phát triển và được đánh giá là có tiềm năng như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sơn La, Phú Thọ, Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên..., thì công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư của các địa phương cũng cần có sự kết nối với cơ hội khai khác dòng sản phẩm này.
Đặc biệt, các doanh nghiệp du lịch đang nhắc đến thời điểm thành lập một hiệp hội về kinh doanh du lịch MICE. Đã đến lúc, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau, với chính quyền địa phương chặt chẽ hơn để phát huy thế mạnh từ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đến phục vụ lượng khách lớn thông qua MICE.
Ở chiều ngược lại, chính MICE cũng đang mở ra không gian đầu tư, cơ hội lớn hơn cho doanh nghiệp.