Tài chính - Chứng khoán
Thời gian làm thủ tục thuế: Từ 537 giờ, còn 167 giờ/năm
Mạnh Bôn - 27/12/2014 10:14
Kết thúc năm 2014, thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, ngành thuế đã giảm thời gian làm thủ tục về thuế từ 537 giờ xuống còn 167 giờ. “Mục tiêu của ngành thuế đặt ra là giảm thời gian làm thủ tục về thuế xuống còn 121,5 giờ vào cuối năm 2015”, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó ban Cải cách, Tổng cục Thuế cho biết.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thời gian nộp thuế: Từ 872 giờ còn 171 giờ
Rút ngắn 8 lần thời gian làm thủ tục thuế
Thời gian làm thủ tục thuế chỉ còn 167 giờ/năm
Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó trưởng Ban Cải cách, Tổng cục Thuế

Thưa bà, đến thời điểm này, ngành thuế đã giảm được bao nhiêu thời gian làm thủ tục về thuế?

Thực hiện Thông tư 119/2014/TT-BTC, thời gian làm thủ tục về thuế giảm được 201,5 giờ; thực hiện Nghị định 91/2014/NĐ-CP giảm thêm được 88,36 giờ nữa, nên đến thời điểm cuối năm 2014, thời gian làm thủ tục về thuế đã giảm được 290 giờ, từ 537 giờ xuống còn 247 giờ.

Kể từ ngày 1/1/2015, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật về thuế có hiệu lực sẽ giảm thêm được 80 giờ nữa. Như vậy, tổng số thời gian làm thủ tục về thuế giảm được 370 giờ.

Để thực hiện yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo yêu cầu của Nghị quyết 19/NQ-CP thì trong năm 2015 các thủ tục về thuế (không tính các thủ tục làm bảo hiểm bắt buộc) phải giảm thêm khoảng 45,5 giờ nữa để xuống còn 121,5 giờ.

Cụ thể, các văn bản quy phạm pháp luật kể trên giảm bớt được những thủ tục gì cho doanh nghiệp?

Rất nhiều thủ tục hành chính thuế đã được đơn giản hoá như bỏ bớt một số chỉ tiêu trên các bảng kê kèm theo tờ khai thuế giá trị gia tăng; bỏ quy định doanh nghiệp phải kê khai hóa đơn không được khấu trừ thuế hoặc hóa đơn không phục vụ cho mục tiêu tính thuế; nâng mức doanh thu khai thuế giá trị gia tăng theo quý từ dưới 20 tỷ đồng/năm lên 50 tỷ đồng/năm; bỏ quy định khai tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý chỉ còn tạm nộp thuế theo quý và kê khai quyết toán năm…

Ngoài ra, việc bỏ quy định về mức khống chế 1 tỷ đồng về tài sản cố định, máy móc thiết bị đầu tư, mua sắm của doanh nghiệp mới thành lập để đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế; cho phép doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với các đối với khoản chi có tính chất phúc lợi, chi trực tiếp cho người lao động; sửa đổi mẫu giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước; bỏ quy định người nộp thuế phải ghi mục lục ngân sách trên giấy nộp tiền cũng giảm đáng kể thủ tục hành chính thuế.

Về thủ tục, liệu có giảm tiếp được thời gian làm thủ tục hành chính thuế nữa không, thưa bà?

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang tiếp tục rà soát cả các quy định về chính sách và thủ tục hành chính thuế, xem có những quy định nào, thủ tục nào đang gây cản trở cho doanh nghiệp, thực sự không cần thiết, không phù hợp hoặc có khác biệt với thông lệ quốc tế thì sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ ngay.

Đơn cử hiện tại vẫn có sự khác biệt về thời điểm ghi nhận doanh thu giữa thuế và kế toán. Có những khoản doanh thu, thuế ghi nhận ở thời điểm này, kế toán ghi nhận ở thời điểm khác nên phát sinh chi phí cho doanh nghiệp vì bộ máy kế toán phải mất thời gian, công sức để xử lý, điều chỉnh; hay có một số quy định về hóa đơn chứng từ cũng cần được nghiên cứu để sửa đổi bổ sung như quy định về thời hạn thông báo sử dụng hóa đơn, quy định về chữ viết tắt trên hóa đơn…

Đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, nhưng có sự khác biệt với thông lệ quốc tế và làm cho doanh nghiệp mất thêm thời gian, nhân lực, công sức để thực hiện, vì vậy, Tổng cục Thuế đang tổng hợp để báo cáo Bộ Tài chính xử lý ngay trong thời gian tới.

Nhưng để trở thành một trong 5 nước trong khu vực ASEAN có mức độ thuận lợi về thuế tốt nhất thì các giải pháp kể trên chưa đủ?

Chính vì vậy, ngành thuế đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế.

Cụ thể, ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) đã được vận hành chính thức tại 5 cục thuế và đang triển khai tại 18 cục thuế phía khác. Bên cạnh đó, dự án kê khai thuế điện tử đang tích cực triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Thực hiện giải pháp này vừa tiết kiệm thời gian, chi phí nộp tờ khai thuế; vừa hạn chế sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với doanh nghiệp trong quá trình kê khai thuế và giảm thời gian nộp thuế theo tính toán của Ngân hàng Thế giới nên thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải thiện.

Ngoài ra, cơ quan thuế đang tích cực áp dụng phương thức nộp thuế điện tử; nâng cấp, triển khai hệ thống trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước khác như cơ quan hải quan, cơ quan tài nguyên môi trường.

Cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, Tổng cục Thuế đang rà soát lại tất cả các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế để sửa đổi, bổ sung; quán triệt yêu cầu mọi cán bộ thuế phải tuân thủ đúng các quy trình nghiệp vụ của ngành trong thực thi công vụ, thực hiện công khai minh bạch trong quản lý thuế.

Đây được coi là giải pháp quan trọng để đưa các sáng kiến cải cách về chính sách và thủ tục đi vào cuộc sống, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành 1 trong 5 quốc gia trong khu vực ASEAN có mức độ thuận lợi về thuế tốt nhất.

Thế còn việc phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) để giảm thời gian nộp thuế, bảo hiểm xuống còn 171 giờ vào cuối năm 2015 đã được xúc tiến đến đâu, thưa bà?

Tổng cục Thuế phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam rà soát lại toàn bộ chính sách và các thủ tục có liên quan đến BHXH để trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó Tổng cục Thuế cũng sẽ cùng với BHXH nghiên cứu, xây dựng, triển khai hệ thống ứng dụng kết nối thông tin giữa hai cơ quan tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về BHXH. Với tất các giải pháp đã và sẽ thực hiện, hy vọng, vào cuối năm 2015, tổng số thời gian làm thủ tục về thuế và bảo hiểm chỉ còn 171 giờ theo đúng mục tiêu của Nghị quyết 19/NQ-CP.

Tin liên quan
Tin khác