Quốc tế
Thời trang thế giới và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng
T.T - 17/10/2021 20:31
Thương hiệu thời trang như Benetton bắt đầu "quay lưng lại" với chuỗi cung ứng trải khắp toàn cầu và các trung tâm sản xuất giá rẻ ở châu Á, đây được coi là một “di sản” lâu dài của dịch COVID-19.
Một cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Benetton. Ảnh: Reuters

Benetton đang đưa hoạt động sản xuất về gần quê nhà hơn, như ở Serbia, Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia và Ai Cập, nhằm mục tiêu giảm một nửa sản lượng hàng may mặc của họ ở châu Á từ cuối năm 2022.

Giám đốc điều hành (CEO) của Benetton, Massimo Renon đã đưa ra một nhận định sâu sắc về triển vọng kinh tế, thúc đẩy một xu hướng ảnh hưởng đến phần lớn ngành công nghiệp dệt may, khi các dây chuyền cung ứng bị gián đoạn đã làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển, "phá vỡ" mô hình kinh doanh vốn phổ biến trong 30 năm qua.

Ông nói: “Đó là một quyết định chiến lược để kiểm soát chặt hơn quy trình sản xuất và cả chi phí vận chuyển”. Benetton đã chuyển hơn 10% hoạt động sản xuất ra khỏi các quốc gia như Bangladesh, Trung Quốc và Ấn Độ trong năm nay. Theo ông Renon, cước vận tải đường biển tăng gấp 10 lần do khan hiếm các tàu chở hàng, giữa bối cảnh nhiều con tàu không hoạt động trong thời kỳ đại dịch, trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại.

Vấn đề khó khăn trong việc vận chuyển cũng đang thay đổi quan điểm của một số doanh nghiệp trong ngành thời trang và tiêu dùng.

Ví dụ, Hugo Boss cũng đang tìm cách đưa các hoạt động sản xuất về gần hơn với thị trường tiêu thụ của mình, trong khi Lululemon, Gap và Kohl's cho biết họ sẽ phải vận chuyển hàng qua đường hàng không với chi phí cao hơn để tránh tình trạng hết hàng trong mùa lễ hội cuối năm.

CEO của Benetton cho rằng, ngay cả khi chi phí sản xuất tại Bangladesh thấp hơn 20% so với các nước Địa Trung Hải, song mức chênh lệch đó lại bị đánh đổi với thời gian giao hàng kéo dài do căng thẳng về nguồn cung.

Trước đây, thời gian giao một đơn hàng từ châu Á trung bình là 4 - 5 tháng nhưng hiện tại, khoảng thời gian này có thể lên tới 7 - 8 tháng do tình trạng thiếu tàu vận chuyển.

Ngược lại, khi quần áo được sản xuất ở Ai Cập, thời gian giao hàng đến các kho và cửa hàng ở châu Âu có thể rút ngắn xuống còn khoảng 2 tháng.

Đối với hàng may mặc bằng len được sản xuất ở Serbia và Croatia, thậm chí nhà sản xuất chỉ mất 4-5 tuần để giao mỗi đơn hàng.

Tuy nhiên, chiến lược sản xuất của các “ông lớn” trong ngành công nghiệp thời trang cũng có sự khác biệt.

Theo báo cáo thường niên năm 2020, công ty dẫn đầu thị trường may mặc và là nhà tiên phong trong lĩnh vực "thời trang nhanh" Inditex, chủ sở hữu của thương hiệu Zara, có 53% sản lượng hàng may mặc được sản xuất tại các cơ sở tương đối gần thị trường quê nhà Tây Ban Nha như Bồ Đào Nha, Morocco và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh chính của Inditex là H&M lại vẫn phụ thuộc vào các công xưởng tại châu Á với khoảng 70% sản lượng.

Nhiều người cho rằng điều này khiến H&M gặp bất lợi trước các doanh nghiệp đối thủ trong việc nhanh chóng đưa các mẫu thời trang mới tới người tiêu dùng.

Công ty tư vấn AlixPartners (Mỹ) cho rằng, xu hướng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu sang khu vực khác hoặc cụ thể là quốc gia khác sẽ được duy trì ít nhất trong tương lai gần.

Trong báo cáo về sự gián đoạn do dịch COVID-19, AlixPartners nhấn mạnh, chuỗi cung ứng càng trải rộng trên toàn cầu thì càng dễ phát sinh nhiều vấn đề và dễ trục trặc.

Gap cho biết họ đang đầu tư vào vận tải hàng không vì phương thức vận chuyển hàng hóa này giải quyết được việc các đơn hàng bị tồn kho và trì hoãn bàn giao do tắc nghẽn vận chuyển đường tàu biển và các nhà máy đóng cửa do đại dịch.

Tuy nhiên, chi phí của giải pháp này không hề rẻ. Vận chuyển toàn bộ một container hàng hóa bằng đường hàng không đắt hơn 8 lần so với bằng tàu biển, trong khi đối với các chuyến hàng nhỏ hơn, giá cước vận chuyển bằng đường hàng không cũng cao gấp 5-6 lần so với cách vận chuyển bằng đường biển thông thường.

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu Cargo Facts cho thấy, các nhà bán lẻ chủ yếu lựa chọn phương thức vận chuyển bằng đường hàng không cho các sản phẩm nhỏ hơn và có tỷ suất lợi nhuận cao hơn như quần áo, máy tính, phụ kiện và hàng gia dụng.

Ngoài ra, ông Renon cho hay, khách hàng giờ đây cũng chú trọng chất lượng hơn giá cả. Theo ông Renon, cuộc đua giá rẻ giữa các công ty may mặc ngày nay dường như chỉ là thứ yếu. Người tiêu dùng quan tâm hơn đến chất lượng và muốn sản phẩm may mặc được sử dụng lâu dài hơn.

Vì vậy, ông Renon tin rằng, dù chi phí vận chuyển cao hơn và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ gặp phải một số bất lợi, song các hãng thời trang vẫn có thể có một "Giáng sinh tốt lành" và sớm có lợi nhuận trở lại sau giai đoạn khó khăn vì đại dịch COVID-19.

Tin liên quan
Tin khác