Việt Nam không bao giờ dùng tỉ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại |
Trung Quốc thoát án thao túng tiền tệ, Thụy Sỹ bổ sung vào danh sách theo dõi
Báo cáo đánh giá vừa được Bộ Tài chính Mỹ đưa ra đã loại Trung Quốc ra khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Quyết định được đưa ra trước thềm cuộc gặp gỡ của quan chức cấp cao hai bên, dự kiến sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, giúp hạ nhiệt thương chiến Mỹ - Trung kéo dài hơn một năm qua.
Trong bản báo cáo hồi tháng 5/2019, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định không đối tác thương mại nào của Mỹ, kể cả Trung Quốc, thao túng tiền tệ và công bố danh sách 9 quốc gia theo dõi thao túng tiền tệ là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam.
Tuy nhiên, vào tháng 8/2019, khi căng thẳng giữa hai bên leo thang, Nhân dân tệ rớt giá mạnh, Mỹ đã gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Đây là lần đầu tiên từ năm 1994, Mỹ cáo buộc một quốc gia thao túng tiền tệ.
Dù thoát án thao túng tiền tệ, song Trung Quốc vẫn nằm trong danh sách các quốc gia bị theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ. Đồng thời, trong kỳ rà soát lần này, Thụy Sỹ bị quay lại bảng danh sách giám sát. Trong kỳ rà soát tháng 5/2019, Mỹ đã loại Ấn Độ và Thụy Sĩ khỏi danh sách này. Như vậy, danh sách các quốc gia bị theo dõi thao túng tiền tệ hiện nay của Mỹ bao gồm 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam hoàn toàn không thao túng tiền tệ
Như vậy, dù không bị gắn nhãn thao túng tiền tệ, song Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi danh sách theo dõi của Mỹ.
Báo cáo vừa công bố của Bộ Tài chính cho rằng, thặng dư thương mại hàng hóa Việt Nam với Mỹ tiếp tục tăng đáng kể, với thặng dư đạt 47 tỷ USD trong 4 quý (tính đến 6/2019). So với cùng kỳ, số dư tài khoản vãng lai của Việt Nam bị thu hẹp dần, còn 1,7% GDP, khi các khoản thanh toán thu nhập ra nước ngoài ngày càng tăng đã bù đắp phần lớn thặng dư thương mại hàng hóa.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, Việt Nam thường xuyên can thiệp vào thị trường ngoại hối nhưng sự can thiệp này là cả hai chiều.
Dù vậy, Bộ Tài chính Mỹ cũng cho rằng, Việt Nam nên giảm bớt sự can thiệp, đồng thời tăng tính minh bạch của can thiệp ngoại hối và nắm giữ dự trữ.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020 mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho hay, một trong những ưu tiên của Việt Nam năm 2020 là tiếp tục làm việc với các đối tác thương mại lớn để chứng minh Việt Nam không thao túng tiền tệ.
“Ngân hàng Nhà nước không bao giờ dùng tỉ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hoá. Việt Nam không thao túng tiền tệ”, Thống đốc khẳng định.
Được biết, trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước cũng rất tích cực phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao để làm việc với các đối tác, khẳng định Việt Nam điều hành tiền tệ và tỉ giá theo diễn biến thị trường và không dùng tỷ giá để cạnh tranh thương mại, không gây bất bình đẳng với các đối tác Việt Nam có quan hệ thương mại.
Nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá một cách chủ động, linh hoạt, bám sát với thị trường, đồng thời mua vào một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ. Tính đến cuối năm 2019, dự trữ ngoại hối đạt gần 80 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.