Tàu Royal 45 của Công ty cổ phần dịch vụ hàng hải phía Nam |
Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Đỗ Đức Tiến vừa đã có văn bản hỏa tốc gửi Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao đề nghị chỉ đạo cơ quan đại diện ngoai giao Việt Nam tại Singapore sớm can thiệp, hỗ trợ Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hải phía Nam (CPDVHHPN) có trụ sở tại quận 7, Tp.HCM bảo vệ tài sản và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của thuyền viên Việt Nam trên tàu Royal 45 bị tòa án Singapore bắt giữ từ ngày 27/1/2015.
Trước đó, Công ty CPDVHHPN có đơn khẩn thiết đề nghị Bộ GTVT và các cơ quan liên quan can thiệp giúp đỡ để giải phóng tàu Royal 45.
Theo ông Nguyễn Đình Giang – Giám đốc Công ty- tàu Royal 45 vốn là tàu Seamen của Công ty cho thuê tài chính II (ALC II - thuộc Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam). Tàu được đóng tại Việt Nam năm 2009 là loại tàu chở hàng rời có tổng dung tích 2.551GT.
Ngày 4/9/2014, Công ty này hoàn thành các thủ tục pháp lý mua bán đấu giá công khai tàu Seaman từ ALC II và chính thức mua tàu này. Sau đó Công ty đã bỏ ra nhiều công sức và tài chính để sửa chữa, chuyển đổi quyền sở hữu của tàu và thay đổi tên tàu thành Royal 45.
Đến ngày 27/1/2015, tàu có mặt tại Singapore để chuẩn bị vận chuyển hàng hóa từ đây đi Indonesia thì bị Tòa án Singapore bắt giữ. Lý do chủ yếu là tàu Royal với tên cũ là Seaman có liên quan trực tiếp giữa bên nguyên đơn là Công ty Blue Ocean Merchant Marine Limited (Hồng Kông) và bên bị đơn là ALC II do sự cố đâm va giữa tàu Taiping (của bên nguyên đơn) và tàu Imextrans 08 (của bên bị đơn) chưa được giải quyết và đang được Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh thụ lý.
Ông Giang khẳng định Công ty CPDVHHPN đã thực hiện đúng quy định pháp luật Việt Nam khi mua tàu Seaman (đã đổi tên thành Royal 45 ) là tài sản hợp pháp được Nhà nước Việt Nam công nhận quyền sở hữu hợp pháp nhưng bị Tòa án Singapore bắt giữ nhằm mục đích giải quyết tranh chấp mà không phải do Công ty này hay tàu Royal 45 gây ra.
“ Việc Tòa án Singapore bắt giữ tàu Royal 45 từ 27-1 đến nay là hoàn toàn vô lý. Việc này đã và đang gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho công ty chúng tôi về mặt kinh tế, uy tín và danh dự đối với khách hàng”- ông Giang khẳng định trong đơn gửi Cục Hàng hải Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore.
Ông Giang cho biết hiện nay tinh thần, sức khỏe thuyền viên của tàu diễn biến xấu, hoang mang vì bị bắt giữ, không được lên bờ trong khi lương thực trên tàu ngày càng cạn kiệt vì chỉ dự trữ 45 ngày. Bên cạnh đó, công ty này còn chịu chi phí neo đậu tàu 50 ngàn USD tính đến ngày 26/3, chi phí thuê luật sư 30 ngàn USD, chi phí ngày tàu cố định 42 ngàn USD chưa kể nhiều chi phí khác.
Công ty CPDVHHPN cũng đã đề nghị đơn vị bảo hiểm can thiệp và bảo lãnh cho tàu nhưng đơn vị bảo hiểm từ chối bảo lãnh giải phóng tàu với số tiền 309 ngàn USD do thiệt hại đâm va mà không do tàu Royal 45 gây ra.
Hiện tại, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Công ty cổ phần dịch vụ hàng hải phía Nam phối hợp chặt chẽ với ALC II, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, công ty bảo hiểm và các bên liên quan để thống nhất phương án giải phóng tàu Royal 45; đồng thời chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng tại Singapore nhằm nhanh chóng giải quyết, tránh thiệt hại phát sinh.