Ngân hàng - Bảo hiểm
Thu đã lớn hơn chi, Ngân hàng VDB sắp “thoát” cơ chế lương đặc thù do cơ cấu lại
Thùy Liên - 23/06/2023 13:44
Nghị định mới sẽ cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được áp dụng cơ chế tiền lương chung của doanh nghiệp nhà nước thay vì cơ chế lương đặc thù do trong giai đoạn cơ cấu lại.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã có chỉ tiêu chênh lệch thu trừ chi dương

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. 

Đáng lưu ý, dự thảo quy định cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) áp dụng cơ chế tiền lương chung của doanh nghiệp nhà nước (tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả hoạt động), có tính yếu tố đặc thù về tính chất, mô hình và hoạt động.

Theo đó, VDB không còn phải áp dụng cơ chế tiền lương đặc thù trong giai đoạn cơ cấu lại quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định số 46/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 03 năm 2021 của Chính phủ về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

VDB được tổ chức theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, nhưng cơ cấu tổ chức là Hội đồng quản trị (không phải Hội đồng thành viên), hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; chi phí quản lý (bao gồm cả chi phí tiền lương) do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo từng thời kỳ.

Do tính chất hoạt động đặc thù và thực tế hoạt động trong giai đoạn cơ cấu lại trước đây chưa bảo đảm được cân bằng thu chi (chỉ tiêu chênh lệch thu trừ chi âm) nên tại Điều 25, 37 và Điều 40 Nghị định số 46/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2021, Chính phủ cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam áp dụng cơ chế tiền lương đặc thù.

Cụ thể, trong giai đoạn cơ cấu lại, tiền lương được xác định dựa trên tiền lương năm 2018 nhân với chỉ số giá tiêu dùng hằng năm; (sau giai đoạn cơ cấu lại, giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả hoạt động theo cơ chế đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, phù hợp với tính chất đặc thù của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Tuy nhiên, theo báo cáo của VDB thì qua hơn 2 năm thực hiện Nghị định số 46/2021/NĐ-CP về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, đến nay Ngân hàng đã có chỉ tiêu chênh lệch thu trừ chi dương, có thể áp dụng cơ chế tiền lương như doanh nghiệp nhà nước bình thường để cải thiện tiền lương, thu nhập cho người lao động nên đề nghị áp dụng cơ chế tiền lương như doanh nghiệp nhà nước mà không cần đợi đến thời điểm kết thúc cơ cấu lại.

Tin liên quan
Tin khác