Tại văn bản 92/SYT-NVD, Sở Y tế thông tin về việc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm Whitening Cream Koné không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã ra thông báo thu hồi, tiêu hủy trên toàn quốc sản phẩm Whitening Cream Koné, trên nhãn ghi nhà sản xuất “Manufactured by: Kone Natural Herb Co., Ltd - 81 Bangna -Trad Road, Bangna, Bangkok 10260”.
Ảnh minh hoạ. |
Lý do thu hồi là sản phẩm này không rõ nguồn gốc xuất xứ và mẫu thử không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn thủy ngân.
Mẫu thử sản phẩm Whitening Cream Koné trên nhãn ghi số lô ROEIAM, ngày sản xuất 1/7/2023, hạn dùng 1/7/2025, nhà sản xuất “Manufactured by: Kone Natural Herb Co., Ltd – 81 Bangna-Trad Road, Bangna, Bangkok 10260”; không có thông tin số công bố, không có thông tin nhà nhập khẩu.
Trên nhãn không có thông tin thành phần, công dụng bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt được Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.
Tại văn bản 94/SYT-NVD thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm Yaskin-J (dưỡng ẩm, tái tạo da phục hồi da khô, nứt gót chân) - hộp 20g (số lô: 241022; NSX: 241022; HSD: 241025; số công bố: 11559/22/CBMP-HN).
Sản phẩm do Công ty cổ phần dược phẩm Keiko (địa chỉ: 101C2, khu đô thị Đại Kim, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai chịu trách nhiệm đưa ra thị trường và Công ty TNHH công nghệ sinh học dược mỹ phẩm SJK (địa chỉ: thôn Nghĩa Hảo, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) sản xuất. Lý do là mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định tính vitamin E.
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn khẩn trương rà soát, ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng các sản phẩm nêu trên.
Đồng thời, đề ngị phòng y tế 30 quận, huyện, thị xã thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi toàn bộ các sản phẩm nêu trên; kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của các cơ sở (nếu có); xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.
Nói về nguy cơ của người dùng khi sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng, bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, việc sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng không chỉ khiến da nổi nhiều mụn, mà những bệnh nhân bị biến chứng nặng có thể phải đối mặt với các triệu chứng phù nề, sẹo sâu, da mặt bị hủy hoại, thậm chí có trường hợp tử vong do nhiễm độc chì.
Để điều trị cho bệnh nhân từng dùng mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là những loại có chứa corticoid, bác sỹ phải căn cứ vào từng mức độ tổn thương, thể bệnh để có phác đồ điều trị riêng. Thời gian điều trị kéo dài, gây tốn kém về tiền bạc.
Để làm đẹp an toàn, bác sĩ Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương khuyến cáo, mọi người cần lưu ý làm đẹp đúng cách. Phải mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được bán tại những cơ sở uy tín, có tem nhãn, tiêu chuẩn, số đăng ký, hạn dùng rõ ràng.
Trước khi quyết định làm đẹp da hay chữa mụn trứng cá, thâm nám da bằng bất cứ sản phẩm nào, nên có tư vấn của bác sỹ da liễu. Bên cạnh đó, mỗi người cần trang bị kiến thức cơ bản về tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng mỹ phẩm để chủ động phòng, tránh và xử lý kịp thời.
Ngoài ra, trước khi sử dụng mỹ phẩm, cần thử trước các phản ứng kích ứng, dị ứng, bằng cách thoa một lượng nhỏ trên vùng da của mặt trong cổ tay, chờ đợi một thời gian xem có biểu hiện gì hay không, rồi mới quyết định tiếp tục sử dụng.
Theo chuyên gia, sau khi dùng mỹ phẩm, nếu thấy có dấu hiệu nóng, đỏ, ngứa, nổi mụn thì phải ngừng sử dụng ngay lập tức, rửa sạch vùng da tiếp xúc mỹ phẩm nhằm hạn chế tác động.
"Khi đã có dấu hiệu dị ứng, tuyệt đối không sử dụng các loại mỹ phẩm khác, không sờ nặn, hạn chế tiếp xúc ánh nắng. Trường hợp diễn tiến nặng tăng dần thì cần đến khám bác sỹ chuyên khoa da liễu để có hướng điều trị tối ưu", lãnh đạo Bệnh viện Da liễu Trung ương khuyến cáo.