Cả số dự án và số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới đều tăng trong tháng đầu năm 2024, với mức tương ứng là 24,2% và 66,9% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Đầu xuôi…
Không nằm ngoài dự đoán, xu hướng tích cực hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục được kéo sang năm 2024. Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, đã có hơn 2,36 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2024, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, vốn giải ngân đạt khoảng 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù con số của 1 tháng không đủ phản ánh xu thế chung cả năm 2024, nhưng tín hiệu vui đầu năm cho thấy rất có thể, Việt Nam sẽ tiếp tục có thêm 1 năm thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, trong tháng đầu năm, cả số dự án và số vốn đăng ký mới đều tăng nhanh, với mức tương ứng là 190 dự án, tăng 24,2% và số vốn là hơn 2 tỷ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ năm trước.
Có sự tăng tốc này, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, chủ yếu là ngay trong tháng đầu tiên của năm đã có dự án với vốn đầu tư hơn 662 triệu USD được đăng ký đầu tư. Đây là khoản vốn mà nhà đầu tư nước ngoài sẽ bỏ ra để chuẩn bị đầu tư một khu đô thị lớn.
Dù báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài không thông tin cho tiết về dự án này, nhưng nhiều khả năng, đây chính là dự án mà Tập đoàn CapitaLand (Singapore) đầu tư tại khu vực Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park Hà Nội. Dự án trên đã được nhắc tới từ năm trước và hiện tại, CapitaLand đang chuẩn bị triển khai thực hiện trên lô đất ở khu vực đại lộ Thăng Long.
Thậm chí, khả năng này là lớn, bởi lẽ, trong số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tháng 1/2024, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất, với tổng vốn đăng ký 1,4 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư, tăng 72,8% so với cùng kỳ 2023. Hà Nội đang đứng đầu cả nước trong thu hút đầu tư nước ngoài, với 867 triệu USD, chiếm 36,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bất động sản hiện đứng vị trí thứ nhất trong số các lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất trong tháng 1/2024.
Ngoài dự án quy mô lớn này, trong tháng đầu năm, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài khá sôi nổi với hàng loạt hội nghị xúc tiến đầu tư được các địa phương tổ chức trong khuôn khổ lễ công bố các quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một vài dự án có thể kể đến, như dự án tăng vốn 100 triệu USD của Nestlé, hay các dự án của Radiant Opto-Electronics Corporation (Đài Loan), vốn đầu tư 120 triệu USD, rồi dự án của Everwin Precision (Hồng Kông), vốn đầu tư 115 triệu USD…. Chưa kể, còn có Dự án Nhà máy Sản xuất văn phòng phẩm của Công ty TNHH Công nghệ văn phòng Deli Việt Nam (270 triệu USD); Dự án Công ty TNHH Sản xuất công nghệ Biel Crystal (260 triệu USD); hay Dự án Nhà máy Sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời Boviet Hải Dương (120 triệu USD)…
Xu hướng là tích cực, nhất là với vốn đầu tư mới, song số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, cả vốn điều chỉnh và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đang giảm so với cùng kỳ năm trước. Con số tương ứng là 235,4 triệu USD (giảm 23,1% so với cùng kỳ) và 116,5 triệu USD (giảm 33,1% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, mới chỉ là tháng đầu tiên của năm, số liệu chưa đủ để phản ánh về xu hướng chung.
Hơn 2,3 tỷ USD vốn đăng ký chỉ trong 1 tháng là con số tích cực trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam |
Chờ đợi tăng tốc
Hơn 2,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký chỉ trong 1 tháng là con số tích cực, nhưng thời gian tới, con số tương tự có thể còn lớn hơn.
Nhận định về khả năng thu hút đầu tư nước ngoài năm 2024, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tình hình sẽ tích cực hơn. Nhiều lĩnh vực đầu tư mới, như bán dẫn, AI, công nghệ cao… hứa hẹn có thể thu hút được các dự án đầu tư lớn.
Thông tin được ông Jose W. Fernandez, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về Tăng trưởng kinh tế, Năng lượng và Môi trường cho biết trong cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây, có khoảng 15 doanh nghiệp Mỹ đang muốn đầu tư ngay vào Việt Nam khoảng 8 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng sạch. Do đó, phía Mỹ mong Việt Nam tiếp tục tháo gỡ các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý.
Ngoài lĩnh vực này, theo ông Jose W. Fernandez, bán dẫn là một lĩnh vực tiềm năng. “Chất bán dẫn là lý do chính để tôi đến Việt Nam, đặc biệt liên quan đến chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Chúng tôi tự hào được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn vốn đóng vai trò then chốt hiện nay”, ông Jose W. Fernandez nói.
Cũng theo ông Jose W. Fernandez, phía Mỹ sẽ tục hỗ trợ để phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam, trong đó có hợp tác đào tạo nhân lực, thúc đẩy thương mại bán dẫn. Đây chính là một trong những cam kết hợp tác được hai bên đưa ra nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9 năm ngoái.
Trong hàng loạt tên tuổi lớn của Mỹ, Intel, Amkor, Marvell, Synopsys, Nividia… đều bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Một khảo sát do OnePoll, công ty nghiên cứu thị trường của Anh thực hiện cho biết, các công ty của Mỹ đang ngày càng coi Trung Quốc là một rủi ro cho chuỗi cung ứng của họ, trong khi Ấn Độ và Việt Nam đang được quan tâm tìm kiếm. Việt Nam chính là một trong những lựa chọn của các nhà đầu tư Mỹ khi họ áp dụng chiến lược “Trung Quốc +1”.
Không chỉ là nhà đầu tư Mỹ, các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu cũng đang tiếp tục lựa chọn Việt Nam.
Mới đây, khi công bố Sách Trắng 2024, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho rằng, trong thời gian gần đây, mặc dù kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn phức tạp, nhưng kinh tế Việt Nam đã thể hiện có khả năng phục hồi và linh hoạt. “Một dấu hiệu quan trọng của điều này là sự gia tăng đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, được thể hiện bằng việc mới đây, Nestlé Việt Nam đã lên kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam trị giá 100 triệu USD. Điều này nhấn mạnh niềm tin của châu Âu đối với Việt Nam”, ông Gabor Fluit nói.
Bằng niềm tin này, vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam. Đó là lý do mà mới đây, KP AERO Industries Co.Ltd - nhà đầu tư Hàn Quốc đã quyết định đầu tư 20 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất, gia công, lắp ráp các bộ phận của các dòng máy bay Boeing 787, Boeing 737 Max tại Đà Nẵng. Trong khi đó, Goertek (Đài Loan) sẽ dốc thêm 280 triệu USD để mở nhà máy mới ở Bắc Ninh.
Cùng với cơ hội to lớn, nếu Việt Nam tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thì vốn đầu tư sẽ tiếp tục tăng tốc vào thị trường này.