Đầu tư
Thu hút đầu tư nước ngoài trước ngưỡng cửa lịch sử
Anh Trung - 25/12/2018 08:17
Thời điểm hiện tại có thể coi là ngưỡng cửa lịch sử đối với thu hút đầu tư nước ngoài với những quan điểm và định hướng hoàn toàn mới từ phía Chính phủ Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN

Tạo bứt phá trong thu hút đầu tư

Thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là một chủ trương lớn, rất quan trọng và nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong hơn 30 năm Đổi mới. Do vậy, thời điểm hiện tại không cần phải xét nhiều đến những thành quả mà dòng vốn này đem lại. Giờ là lúc đưa ra những định hướng để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn ĐTNN trong bối cảnh đầy biến động của kinh tế thế giới và sự cạnh tranh gay gắt của các quốc gia trong việc thu hút ĐTNN.

Thiếu nhân lực là một trong những rào cản về chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp ĐTNN với Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy của Panasonic tại Việt Nam.

Quan điểm của Chính phủ Việt Nam đưa ra gần đây là thu hút ĐTNN có chọn lọc để mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo vệ môi trường và bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. 

Quan điểm này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị “Tổng kết 30 năm thu hút ĐTNN” và được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tái khẳng định tại “Hội nghị Định hướng thu hút ĐTNN giai đoạn tới” được tổ chức mới đây.

Từ quan điểm đó, có thể thấy, để ĐTNN đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn vào sự phát triển của Việt Nam trong thời gian, cần phải đổi mới mạnh mẽ, căn bản tư duy về thu hút và sử dụng ĐTNN. Theo đó, phải có chọn lọc kỹ, đầu tư bền vững gắn với đổi mới sáng tạo và lan tỏa tri thức, công nghệ là ưu tiên hàng đầu. 

Trên quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhìn nhận, những bài học kinh nghiệm cả thành công và thất bại sau thực tiễn 30 năm thu hút đầu tư đã đúc rút thành những nền tảng để đề ra các mục tiêu, định hướng thu hút và sử dụng ĐTNN cho giai đoạn mới.

Đó là, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi phải huy động và kết hợp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó nguồn lực trong nước là quyết định và nguồn lực ngoài nước là quan trọng.

Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế, chính sách và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo chuẩn mực thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế là tiền đề quan trọng để thu hút ĐTNN trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế. Trong khi đó, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, trình độ năng lực của bộ máy và đội ngũ cán bộ là yếu tố quyết định thành công trong việc thu hút và sử dụng ĐTNN.

Ngoài ra, phát triển, nâng cao năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là năng lực về công nghệ và quản trị là yếu tố quan trọng để tiếp nhận và tăng cường liên kết với khu vực ĐTNN, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa của ĐTNN đối với nền kinh tế.

Thay đổi để đón đầu

Theo ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện có 3 xu hướng mới trên thế giới, đó là xu hướng công nghiệp 4.0, toàn cầu hóa và xu hướng đảo chiều với sự thay đổi tương quan sức mạnh của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Những xu hướng này đang tác động đến các dòng đầu tư trong tương lai.

Với những đối tác quen thuộc, Việt Nam vẫn đang là điểm đến hấp dẫn ở khu vực. Tuy nhiên, theo các đối tác quốc tế, đang tồn tại rào cản để Việt Nam tiếp nhận dòng vốn chất lượng cao mà một trong những rào cản nằm ở chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Tetsu Funayama, ủy viên Ban lãnh đạo, Trưởng ban Diễn đàn doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho rằng, chìa khoá để đột phá trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao là nâng cao năng lực khoa học, kỹ thuật, sản xuất và đào tạo phát triển nguồn nhân lực Việt Nam dựa trên yếu tố nền tảng là xây dựng chuỗi giá trị công nghiệp.

Để đạt được điều này, ông Tetsu Funayama đề xuất Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hơn nữa khuôn khổ hợp tác của chương trình đào tạo kỹ thuật viên Việt Nam và triển khai một cách chắc chắn việc đào tạo đội ngũ kỹ sư thiết kế, kỹ sư máy, nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng người Việt. 

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cũng cho hay, một trong những rào cản về chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp ĐTNN với Việt Nam là việc thiếu nhân lực và khoa học kỹ thuật.

Ông Kim Han Yong mong muốn, Việt Nam sẽ chuẩn hóa những chương trình đào tạo cấp chứng chỉ kỹ thuật cho kỹ sư, người lao động, để doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam tin tưởng hơn, không bị lãng phí thời gian và chi phí để đào tào, tuyển chọn người lao động. 

Trước những mối quan tâm, đề xuất của các đối tác, tổ chức quốc tế, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, bên cạnh việc tiếp thu, cần có những thay đổi nội tại từ Trung ương đến địa phương để có thể đón đầu dòng vốn mới, chất lượng cao. Trước hết, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình, cần chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư như Luật Đất đai, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư…

Cùng với đó, theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng, phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ công chức; xây dựng chính quyền phục vụ, vì doanh nghiệp, người dân thay vì chính quyền thuần quản lý.

Các địa phương, đặc biệt là các địa phương đi trước, có nhiều thuận lợi trong thu hút ĐTNN cần tập trung chuẩn bị thật tốt các điều kiện để huy động nguồn lực, đón nhận dòng vốn ĐTNN. Trong đó, cần rà soát lại các quy hoạch để điều chỉnh, cập nhật, bổ sung kịp thời; gắn quy hoạch công nghiệp với quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở, dịch vụ...

Tin liên quan
Tin khác