Chuyển đổi số - Kinh tế số
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp số rất khác với nông nghiệp truyền thống
Khánh An - 17/11/2021 16:54
Môi trường chính sách thuận lợi, khuyến khích chuyển đổi số là yếu tố cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Đại sứ Isarel tại Việt Nam Nadav Eshar.

Đại sứ Isarel - ngài Nadav Eshar đã mang đến một không khí đầy hứng khởi cho Hội thảo chuyên đề 9 với chủ đề “Chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Sự hứng khởi không chỉ bởi những câu chuyện thành công của công nghệ nông nghiệp tạo nên thương hiệu của đất nước hầu như không có bất cứ điều kiện tự nhiên thuận lợi nào để phát triển nông nghiệp truyền thống, từ hỉnh ảnh của những cánh đồng nhân tạo trên sa mạc, các vựa tôm trong lồng kính...

“Tôi đã đến Đồng bằng sông Cửu Long, các bạn có dư địa lớn để ứng dụng công nghệ nông nghiệp vào nuôi trồng thủy sản. Các bạn không cần nuôi tôm trong lồng kính, nhưng có thể ứng dụng các giải pháp để kiểm soát bệnh tật, đảm bảo môi trường sống thuận lợi nhất cho thủy sản... Và quan trọng là con đường từ trang trại đến bàn ăn được kiểm soát chất lượng, người nông dân không cần phải lo quá nhiều”, Đại sứ Nadav Eshar chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.

Ông cũng gọi đó là công sức của ngành công nghệ nông nghiệp mà Isreal đã xây dựng được trên cơ sở phát huy mối liên hệ tương hỗ giữa người nông dân - nhà nghiên cứu và ngành nông nghiệp, gồm doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo ông Nadav Eshar, 50% nguồn vốn đầu tư vào công nghệ nông nghiệp của Israel là từ bên ngoài, từ các quỹ đầu tư.

“Ở đây, vai trò của Chính phủ rất lớn trong chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào ngành công nghệ phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm. Đừng coi ngành nông nghiệp là một ngành truyền thống như trước. Cũng như khi thu hút đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long, phải đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ngập mặn... để có quyết sách phù hợp”, Đại sứ Israel tại Việt Nam nói và cho biết, Israel mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.

“Hãy liên hệ với tôi”, ông Nadav Eshar nói.

Tham gia Hội thảo do Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tổ chức có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện lãnh đạo Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và các chuyên gia, các nhà khoa học; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương và cộng đồng doanh nghiệp...

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã nhắc đến câu chuyện “biến cái không thể thành có thể” của Israel để nói về cơ hội của chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp của Việt Nam. Nhất là khi Việt Nam có đội ngũ doanh nghiệp, giới khởi nghiệp năng động sáng tạo.

Tuy nhiên, thực tế mối liên kết 3 nhà trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam dù vẫn đang được coi là trọng tâm, nhưng chưa thực sự đạt nhiều kết quả như kỳ vọng.

Bài học từ Lâm Đồng cho thấy một số vướng mắc trong kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Nên mặc dù đã có 60.228 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 20% diện tích canh tắc của Lâm Đồng, tỷ trọng nông nghiệp công nghệ cao chiếm 38,4% trong ngành nông nghiệp tỉnh, ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng vẫn phải nhắc đến khó khăn trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Lý do là , suất đầu tư lớn, cần diện tích đất lớn, dự báo thị trường chưa sát, giá thành sản xuất còn cao... Đặc biệt, công tác quan lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, quản lý quy hoach chưa bảo đảm, dẫn đến tình trạng phát triển tự phát, thiếu tôn trọng quy định về sở hữu trí tuệ...

Về vấn đề này, bà Dina Umail- Deiginger, Giám đốc thực hành nông nghiệp, thực phẩm toàn cầu khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới) đã chia sẻ kinh nghiệm một số quốc gia khu vực châu Phi đã thực hiện.

Đó là tổ chức các cuộc thi sáng tạo chuyển đổi số cho nông nghiệp.

“Các chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thắng cuộc trong các cuộc thi này để ứng dụng vào thực tế. Các đầu bài cũng được thiết kết trên cơ sở các nút thắt của ngành, ví dụ như kết nối người nông dân với thị trường... Kenia đã tìm được doanh nghiệp thắng cuộc giải bài toán này, như mô hình uber trong kết nối cung - cầu của nông nghiệp”, bà Dina Umail- Deiginger nói.

Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh, để khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, khởi nghiệp tham gia, cần môi trường chính sách thuận lợi, khuyến khích chuyển đổi số, thu hút không chỉ các nhà sáng tạo, các nhà khởi nghiệp mà các quỹ đầu tư mạo hiểm. Việc khuyến khích người dân tham gia cũng cần vai trò của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của Nhà nước.

“Ở đây, vai trò của Chính phủ mà tính dẫn dắt và quyết định”, bà Dina Umail- Deiginger nhấn mạnh.

Các kiến nghị tại Hội thảo sẽ được Tổ biên tập Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.
Tin liên quan
Tin khác