Do con số chính xác của bản hợp đồng bản quyền EPL của K+ chưa được tiết lộ, nên việc K+ sở hữu độc quyền phát sóng 1/3 tổng số trận đấu hay nhất toàn bộ EPL (2/3 tổng số trận còn lại không độc quyền) trong 3 mùa bóng với mức giá hơn 30 triệu USD đang khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có phải K+ “mua hớ” hay Canal+, IMG đang cùng với Ban tổ chức EPL làm giá?
| ||
EPL là “con át chủ bài”, là “thương hiệu sống còn” để K+ tồn tại và phát triển |
Vấn đề mua bản quyền 3 mùa giải tới giá bao nhiêu rất có ý nghĩa, bởi nó liên quan trực tiếp đến túi tiền của người xem truyền hình. Mua đắt đồng nghĩa với việc người xem K+ phải bỏ thêm tiền để được xem EPL.
Ban tổ chức Premier League “thổi giá”
Kỳ thực vấn đề trên rất đơn giản. Theo nguyên tắc, cứ 3 năm một lần, Ban tổ chức EPL lại tổ chức đấu giá bản quyền truyền hình EPL ở Anh và các quốc gia trên thế giới. Với sự hấp dẫn cùng giá trị thương mại khai thác từ EPL, Ban tổ chức EPL đang cố gắng đẩy giá bản quyền lên “kịch khung”.
Mức giá bản quyền 3 mùa bóng 2013-2016 đã khiến dư luận choáng váng. Ngay tại Anh, quốc gia “cha đẻ” của EPL, hãng BSkyB và BT đã thắng với giá bản quyền truyền hình lên tới 4,67 tỷ USD, tăng 70% so với 3 mùa bóng 2010-2013.
Hàng xóm của Việt Nam là Thái Lan, Lào và Campuchia cũng phải bỏ ra 315 triệu USD để có bản quyền 3 mùa bóng tới. Ở một nước phát triển như Mỹ, Hãng NBC cũng phải chi 250 triệu USD để mua toàn bộ các trận EPL (mùa 2010-2013, Mỹ chỉ phải bỏ ra 68 triệu USD để mua EPL). Còn tại đất nước giàu thành tích bóng đá nhất thế giới là Brazil, cũng phải trả 45 triệu USD để mua EPL trong 3 mùa tới.
Việc tăng giá bản quyền được ghi nhận phổ biến ở mức rất cao. Ví dụ, Tại Thái Lan, nếu 3 mùa bóng trước, TrueVisions chỉ phải trả 46 triệu USD, thì 3 mùa bóng tới, Cable Thai Holding phải trả 315 triệu USD, để phát sóng truyền hình (tăng 684%).
Tại Myanmar, nơi mà người lao động thu nhập trung bình chỉ tương đương 27 triệu đồng/năm, đã phải chi 45 triệu USD để mua bản quyền phát sóng Premier League trong 3 mùa (2013 - 2016). So với mức giá 300.000 USD mà nước này mua trước đó, bản quyền đã tăng giá tới hơn… 15.000%.
Mức giá bản quyền EPL tại Việt Nam nằm trong biên độ chung
Đến đây, đã rõ thủ phạm “thổi giá” bản quyền EPL. Không phải IMG, Canal+ hay K+, mà chính Ban tổ chức EPL là người thổi giá, là chiếc “máy chém” của các nhà đài trên thế giới.
Rất dễ hiểu, EPL là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh và Ban tổ chức EPL đã thực hiện chiến dịch nâng giá trên khắp toàn cầu. Người Anh rất biết cách khai thác tối đa sản phẩm của mình. Các hãng truyền thông, truyền hình trên thế giới, trong đó có IMG, Canal + rất khó “nói không” với EPL và họ buộc phải mua, dù giá mới cao hơn mức giá cũ nhiều lần.
Trở lại với câu chuyện K+ mua EPL. Với mức giá chào 37,5 triệu USD của IMG, so với mức giá 19 triệu USD cho 3 mùa bóng 2010 - 2013, có thể nói là khá cao, vượt gần 100% so với mức giá cũ.
Nhưng khách quan mà nói, việc tăng giá gói EPL so với các nước trong khu vực và trên thế giới như đã nêu trên chỉ ở “định mức khuây khỏa”. Biên độ tăng giá bản quyền EPL tại Việt Nam nằm ở mức trung bình trong biên độ tăng giá bản quyền EPL trên toàn thế giới.
Rõ ràng, trong câu chuyện trên, IMG, Canal+ không tự ý tăng giá, bởi mức giá bản quyền EPL của Ban tổ chức đưa ra là mức giá được áp dụng trên toàn thế giới. IMG, Canal+ và K+ đương nhiên “vào thế” như hàng trăm hãng truyền hình, truyền thông trên thế giới.
Ngoài nguyên nhân khách quan bất khả kháng trên, còn một lý do khiến K+ phải chấp nhận mức giá “cắt cổ” để sở hữu EPL là do EPL là “con át chủ bài”, là “thương hiệu sống còn” để K+ tồn tại và phát triển.
K+ sẽ ra sao, nếu không sở hữu EPL? Điều quan trọng hơn, dù phải trả giá rất đắt, K+ vẫn phải làm, vì đã trót hứa với hơn 500.000 khách hàng.
Hữu Tuấn