Nhiều công nghệ mới trong bảo trì đường bộ đã được ứng dụng trong thời gian qua |
Nguồn thu chính để nuôi đường
Đây là khẳng định của ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết đánh giá 5 năm hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ được tổ chức sáng nay (26/9) tại Hà Nội.
Theo ông Thọ, Quỹ Bảo trì đường bộ là giải pháp quan trọng tạo nguồn lực bảo trì trên 500.000 km đường bộ, trong đó đường quốc lộ chiếm 23.000 km. Mặc dù hệ thống đường sá thời gian qua đã được đầu tư xây dựng mới bằng nhiều nguồn vốn nhưng xây xong rồi để duy trì, giữ được chất lượng khối tài sản khổng lồ này cần nguồn lực rất lớn.
“Nhờ nguồn vốn bảo trì đường bộ, hư hỏng mặt đường đã được sửa chữa kịp thời, góp phần quan trọng trong kéo giảm TNGT. Trước khi có Quỹ, năm 2012, số người chết do TNGT khoảng trên 12.000 người, sau khi thành lập Quỹ bảo trì kết hợp với các nguồn lực đầu tư, xây dựng mới các tuyến đường, tăng cường đảm bảo giao thông, đến nay đã kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí”, ông Thọ cho biết.
Hơn thế nữa kết quả này đã tiết kiệm chi phí xã hội rất lớn cụ thể là nâng cao tốc độ, rút ngắn thời gian hành trình, giảm giá thành vận tải và chi phí đi lại, nâng cao chất lượng và độ tin cậy của hệ thống giao thông đường bộ
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ nguồn vốn phân bổ từ Quỹ bảo trì đường bộ, trong 5 năm qua, đơn vị này đã sửa chữa trên gần 77.000 m2 mặt đường; khắc phục trên 1.000 cây cầu yếu, xử lý trên 600 điểm đen, điểm mất ATGT; bổ sung, thay thế trên 13.000 biển báo hiệu đường bộ; sửa chữa cải tạo 137.00 0m cống và 1.372.410 m rãnh thoát nước. Đặc biệt, đã gia cố lề, mở rộng trên 1.000 km mặt đường 3,5 m - 5 m thành mặt đường đường lớn hơn 5,5 m.
Bên cạnh đó, Văn phòng Quỹ Trung ương đã phối hợp các cơ quan báo chí tạo ra các kênh thông tin để các cơ quan Nhà nước và nhân dân giám sát các hoạt động, bảo đảm hoạt động của Quỹ được công khai, minh bạch, không bị thất thoát, sử dụng sai mục đích.
Chưa thể cân đối
Trên thực tế, mặc dù việc hình thành hệ thống quỹ bảo trì đường bộ gồm Quỹ trung ương và 63 quỹ địa phương đã gia tăng đáng kể nguồn kinh phí nhưng việc cân đối cho công tác bảo trì hệ thống đường bộ có tổng chiều dài khoảng 300.000 km hiện vẫn là điều xa xỉ.
Được hình thành từ 2 nguồn: thu phí sử dụng đường bộ và từ nguồn ngân sách cấp bổ sung, năm 2013, tổng nguồn Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương đạt khoảng 6.907 tỷ đồng, tăng 225% so với trước năm 2012. Với việc nguồn thu từ các xe cơ giới và vốn cấp bổ sung từ ngân sách tăng tịnh tiến qua các năm đã khiến quy mô Quỹ Bảo trì trung ương tăng lên tới 10.747 tỷ đồng vào năm 2017.
Tuy nhiên, Quỹ phình to ra không đồng nghĩa với nhu cầu bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được đáp ứng tốt hơn. Quỹ bảo trì Trung ương chỉ đáp ứng được khoảng 45%. Tại các địa phương, ngoại trừ 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM có số lượng xe cơ giới lớn, còn lại đều rất khó khăn, thu không đủ đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là các địa phương miền núi.
Liên quan các giải pháp tăng nguồn thu, Chánh văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cho biết, từ khi thành lập đến nay, quỹ vẫn chỉ thu từ nguồn ngân sách hỗ trợ và thu trên đầu phương tiện. Tới đây, có thể nghiên cứu thu tiền cho thuê sử dụng hạ tầng đường bộ từ các đơn vị đặt cáp quang trên cầu đường bộ hay hành lang đường bộ.
“Văn phòng Quỹ đang xây dựng Đề án về nguồn thu khác cho quỹ, đảm bảo thu đúng, hiệu quả. Đồng thời, chủ động nghiên cứu các phương án và liên kết với các nhà tài trợ nước ngoài cũng như các tổ chức tài chính trong nước để huy động các nguồn vốn cho Quỹ Bảo trì đường bộ theo đúng luật định”, ông Minh nói.
Mục tiêu đề ra là phấn đấu đến sau giai đoạn 2017 - 2022 ngân sách Nhà nước sẽ không phải cấp bổ sung cho Quỹ Bảo trì đường bộ và Quỹ Bảo trì đường bộ sẽ chủ động tự cân đối trong công tác bảo trì hệ thống kết cấu đường bộ.