Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức, sáng 15/5. (Ảnh: Chí Cường) |
Sáng 15/5/2023, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” với sự tham dự trực tiếp của gần 300 đại biểu và được phát trực tiếp trên các kênh website, fanpage, youtube của baodautu.vn, vir.com.vn, và tinnhanhchungkhoan.vn của Báo Đầu tư.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua một hành trình dài 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài và đang bước vào giai đoạn hợp tác đầu tư nước ngoài mới với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
“Qua đó, việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam 35 năm qua, khu vực đầu tư nước ngoài luôn được xác định là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam được Đảng, Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện để phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác của nền kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Cũng theo ông Đỗ Thành Trung, với các chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, không ngừng được cải thiện, có thể nói Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được khoảng gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, khoảng 280 tỷ đã được giải ngân. Trong năm 2020, bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, theo báo cáo của Liên hiệp Quốc tế về Thương mại và phát triển, Việt Nam vẫn lọt vào 1 trong 20 quốc gia, nền kinh tế có nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài được thu hút lớn nhất trong năm.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, 4 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,89 tỷ USD. (Ảnh: Chí Cường) |
“Điều này đã chứng minh cho những thành công của Việt Nam trong nỗ lực của mình để thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với số lượng dự án và vốn đầu tư ngày càng gia tăng, khu vực vốn đầu tư nước ngoài đã và đang trở thành một khu vực kinh tế năng động và là một động lực tăng trưởng quan trọng, hiệu quả của nền kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhận định.
Cùng với đó, 35 năm qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Không chỉ khía cạnh là nguồn lực đầu tư mà còn góp phần quan trọng hình thành nên một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng tạo việc làm, xuất nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, đóng góp vào ngân sách nhà nước, lôi kéo các doanh nghiệp trong nước cùng phát triển và tham gia vào hoạt động an sinh xã hội của đất nước.
Đồng thời, có những đóng góp quan trọng để giúp Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng hơn nữa quan hệ với các nước, nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam trên thế giới và trong khu vực; giúp Việt Nam vươn ra biển lớn, tạo động lực và góp phần để Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy cải cách và cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều tập đoàn đa quốc gia doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn đã đầu tư những dự án quy mô lớn vào lĩnh vực công nghệ hiện đại với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.
“Hôm nay, chúng ta đang được chứng kiến rất nhiều lãnh đạo đứng đầu các tập đoàn này đang tham dự tại hội thảo ngày để góp phần đưa Việt Nam trở thành nơi sản xuất của nhiều ngành hàng, lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là ngành công nghiệp điện tử. Đồng thời đưa Việt Nam bước lên một nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và trân trọng những đóng góp to lớn của cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong những giai đoạn kinh tế, xã hội Việt Nam gặp khó khăn. Ví dụ, suốt 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vừa qua, các nhà doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài đã nỗ lực cùng Việt Nam vượt qua thách thức, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi nhanh và phát triển bền vững”, ông Đỗ Thành Trung bày tỏ.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thế giới vẫn đang tiếp tục đối mặt với những rất nhiều khó khăn, thách thứ. Lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Trên toàn cầu, tăng trưởng thấp. Các nền kinh tế vẫn tiếp tục được cảnh báo đối diện nguy cơ suy thoái và tổng cầu cũng đang giảm rất nhanh. Xung đột Nga - Ukraina còn phức tạp và kéo dài. Thị trường tài chính, nợ công, thiên tai, biến đổi khí hậu… tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bối cảnh này đã ảnh hưởng lớn đến dòng vốn đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam, cộng thêm nhiều vấn đề phát sinh như từ năm 2024 dự kiến áp dụng thuế xuất tối thiểu toàn cầu 15%... nên đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng đang trong xu hướng chung là có sự chậm lại.
“Gần đây, chúng tôi nhận thấy có những dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng hơn và kỹ lưỡng hơn trong quá trình xem xét việc tiếp tục đầu tư, ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói.
Trong bối cảnh các chính sách và những biến động mới đã xuất hiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 4 tháng đầu năm 2023, các dự án vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư mới vào Việt Nam chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,89 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 5,85 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính lũy kế đến tháng 4/2023, Việt Nam có 37.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 445,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung thông tin, gần đây, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thường xuyên gặp gỡ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hiệp hội nước ngoài. Gần đây nhất, tại lễ ra mắt Hiệp hội Thương mại của Tây Ban Nha, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tranh thủ trao đổi, gặp gỡ và thảo luận với rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài đến từ các châu lục khác nhau ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ…
“Nhìn chung, họ đều bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Và vượt qua những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kinh tế Việt Nam tiếp tục có sự phục hồi và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.
Cụ thể như năm 2022, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế cao với trên 8,02% và được quốc tế đánh giá là một trong những điểm sáng. Và trong cả 3 năm đại dịch, chúng ta tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao cho nền kinh tế. Với những kết quả này, vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng đã có những mức độ tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao triển vọng, tính ổn định, khả năng phát triển cũng như tiếp tục nâng hạng tín nhiệm và dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá cao về điểm đến đầu tư Việt Nam. Các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, khi trả lời câu hỏi khảo sát của JETRO, có đến 60% cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Tỷ lệ này là cao nhất trong khối ASEAN.
Hay các nhà đầu tư châu Âu, họ xếp Việt Nam trong top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu. Theo khảo sát của EuroCham, có tới 41% số doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ đang chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới, Việt Nam đã tăng 12 bậc, đứng thứ 65/137 quốc gia.
Như vậy, Việt Nam đã và vẫn luôn là một điểm đến an toàn và hấp dẫn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), cạnh tranh giữa các nước đang phát triển trong thu hút đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra quyết liệt, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài được dự báo giảm trong năm 2023, trong khi nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau Covid-19 tăng cao.
Bối cảnh đó tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Nhưng khó khăn, thách thức cũng đồng thời tạo áp lực thúc đẩy đổi mới tư duy, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn mới; từ đó, mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển.
Theo Thứ trưởng, với tinh thần lạc quan nhưng không chủ quan, xác định năm 2023 là năm bản lề trong thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, tạo tiền đề để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, qua đó, tạo sự bứt phá cho 5 năm tiếp theo (2025-2030) với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, Chính phủ Việt Nam đã và đang chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cùng với đó, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài, Chính phủ cũng đã chỉ đạo tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, trên phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Ông Đỗ Thành Trung thông tin, sau tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết riêng về đầu tư nước ngoài, với một nội hàm mới là “hợp tác đầu tư nước ngoài”, chứ không phải chỉ đơn thuần là “thu hút đầu tư nước ngoài” như trước đây. Đó là Nghị quyết 50-NQ/TW về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.
Với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Chiến lược đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới...
Theo đó, để thực hiện thành công các mục tiêu trên, việc đề ra những giải pháp mang tính đột phá, có hiệu quả và có tính thực thi cao là yếu tố cực kỳ quan trọng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngoài các giải pháp chung như ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực..., trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, xây dựng và phát triển hệ sinh thái về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, với cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh số. Đổi mới sáng tạo chính là khâu đột phá của chiến lược nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia.
Thứ hai, phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đủ thực lực hội nhập quốc tế, để liên doanh, liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dịch vụ hiện đại, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính.
Thứ ba, phát huy năng lực nội tại và tận dụng lợi thế cạnh tranh nhằm cải thiện hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, đưa khu vực đầu tư nước ngoài kết nối chặt chẽ với khu vực đầu tư trong nước, mang lại sức phát triển bền vững cho nền kinh tế.
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ nói trên, mới đây, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, Chính phủ đã giao rất nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao hoàn thiện Dự án Luật Đấu thầu sửa đổi, xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu sửa đổi; báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm; xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong một số ngành, nghề cụ thể; cũng như xây dựng cơ chế quản lý các hoạt động xúc tiến đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư…
Nhiệm vụ là rất nặng nề, nhưng chúng tôi xác định rằng, việc hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế…, như mục tiêu Nghị quyết 50-NQ/NW của Bộ Chính trị đề ra là rất quan trọng.
Với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược cho Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có đầu tư nước ngoài, chúng tôi sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giúp Việt Nam tiếp tục đạt được những thành công quan trọng trong hợp tác đầu tư nước ngoài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên và đảm bảo đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp.
Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư để tiếp tục cải cách, làm sao tạo lập được môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất, hướng đến các chuẩn mực của OECD, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thuận lợi về mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng, nguồn cung lao động có tay nghề, đồng thời nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước… nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, sau hơn 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, thành tựu rất đáng ghi nhận nhưng không phải không có những tồn tại, hạn chế, mà một trong số đó là tính lan tỏa, sự kết nối giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước còn chưa cao.
Xu thế hiện nay, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D); kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; năng lượng sạch… Đây cũng chính là những lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, qua đó sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Do đó, để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, chúng tôi kêu gọi và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực nói trên, ưu tiên đầu tư các dự án sử dụng ít lao động, năng lượng, đất đai, tài nguyên, đem lại giá trị gia tăng cao, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bao trùm và bền vững nền kinh tế.
Đồng thời, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ nâng cao năng lực và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hơn 35 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài đã đồng hành với Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay, ủng hộ của các quý vị.
Kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đang chịu nhiều áp lực trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự hợp tác đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác cùng phát triển, hướng đến sự thịnh vượng chung.
Trong bối cảnh đó, tôi đánh giá cao việc Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng”, vào đúng thời điểm chúng ta đang nhìn lại hành trình 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài.
Đây là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cùng thảo luận, đưa ra những đánh giá, phân tích và đề xuất những chính sách, giải pháp tăng cường hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, nhất là sự hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, phát triển xanh và tăng trưởng bền vững, qua đó góp phần quan trọng để Việt Nam có thể hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng vào các dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển đất nước, năm 2030 và năm 2045.
Tại hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng”, do Báo Đầu tư tổ chức, sáng 15/5, bên cạnh các bài tham luận từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài như SAMSUNG VIỆT NAM, AEON VIỆT NAM, Ngân hàng UOB, và doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như VPBank,… Hội thảo có hai phiên thảo luận chính với chủ đề: Cùng nhau phát triển” và “Thúc đẩy dòng vốn mới” với sự trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa các đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế và các doanh nhân trong nước và nước ngoài.
Tại phiên thảo luận “Cùng nhau phát triển”, lãnh đạo các doanh nghiệp từ Ngân hàng HSBC, Công ty BĐS Frasers Property Vietnam, DKSH, Nestlé, Hoiana Resort & Golf, và Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu (AIG) sẽ chia sẻ những câu chuyện thành công và bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp cũng như hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam thông qua vốn giải ngân trực tiếp, hoạt động cộng đồng, đóng góp về thuế, lao động…
Phiên thảo luận “Thúc đẩy dòng vốn mới” có sự hiện diện của các lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chuyên gia kinh tế và đại diện tổ chức quốc tế như Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ cùng các lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như CME Solar, doanh nghiệp đầu tư giáo dục quốc tế như Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam.
Phiên thảo luận này, các diễn giả sẽ nhận định về chính sách của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài, những nhận định về xu hướng đầu tư và khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Các chuyên gia cũng đưa ra những nhận diện khả năng có dòng vốn mới và cơ hội cạnh tranh trong khu vực nhằm đón dòng vốn mới, đặc biệt dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam.
Hội thảo Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng có sự tham dự của các đại diện bộ ban ngành từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, tổ chức quốc tế, đại diện các hiệp hội nước ngoài tại Việt Nam như EuroCham, AmCham, KoCham, Kotra, JETRO, InCham, ICham, cùng các hiệp hội và doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của gần 300 nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các cơ quan quản lý, đại diện các tổ chức và hiệp hội quốc tế, cùng các doanh nhân, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài và đông đảo doanh nghiệp đồng hành, độc giả theo dõi trên sóng trực tiếp tại các kênh website, fanpage, youtube của baodautu.vn, vir,com.vn, và tinnhanhchungkhoan.vn của Báo Đầu tư.