Bản quy hoạch này, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, sẽ tạo ra một khung chiến lược toàn diện cho vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương |
Thưa Thứ trưởng, ĐBSCL là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt trong sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn quả..., nhưng thực tế phát triển nhiều năm qua của khu vực này cho thấy, kết quả đạt được chưa xứng với tiềm năng. ĐBSCL thậm chí vẫn bị xếp vào nhóm vùng nghèo cùng với vùng Tây Nguyên và vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Có lẽ, đã đến lúc, cần có một cách tiếp cận khác, với những giải pháp đột phá hơn cho sự phát triển của ĐBSCL?
Đúng như vậy. Vùng ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng phát triển và được xác định là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn quả của cả nước, góp phần quan trọng vào an toàn, an ninh lương thực quốc gia và đóng góp to lớn vào xuất khẩu nông sản, thủy sản của cả nước.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, với vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong, ĐBSCL càng có nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức, bao gồm cả các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những thảm họa thiên tai khác…, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.
Vấn đề này của ĐBSCL cần phải được giải quyết trên quan điểm tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, trên cơ sở xử lý đồng bộ, tổng thể và có sự phối hợp, liên kết giữa các ngành, các địa phương dựa trên một tầm nhìn dài hạn. Vì thế, một bản quy hoạch mang tính tích hợp đa ngành là cần thiết và quan trọng đối với sự phát triển của ĐBSCL hiện nay.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến được thông tuyến vào cuối năm 2020. Ảnh: Trần Hùng |
Thực tế, cuối tháng 11/2017, khi ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về Phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan xây dựng Quy hoạch Tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thích ứng với biến đổi khí hậu theo phương pháp tích hợp đa ngành mà Luật Quy hoạch quy định.
Đến nay, quy hoạch trên đã hoàn thành và đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan để hoàn thiện, dự kiến báo cáo trình Hội đồng Thẩm định quy hoạch vùng trong tháng 12/2020 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 12/2020.
Đây là bản quy hoạch hết sức quan trọng đối với ĐBSCL. Quy hoạch này sẽ tạo ra một khung chiến lược toàn diện cho vùng ĐBSCL, làm cơ sở để triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất…; cũng như cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, từ đó, thúc đẩy khu vực này phát triển nhanh và bền vững trong thời gian sắp tới.
Không phải bây giờ, chúng ta mới có quy hoạch phát triển vùng. Vậy đâu là điểm khác biệt, thưa ông?
Trước đây, chúng ta vẫn có các quy hoạch vùng. Chẳng hạn, gần nhất là Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, hiện là lần đầu tiên, chúng ta xây dựng quy hoạch vùng theo phương pháp tiếp cận đa ngành, như Luật Quy hoạch quy định, với sự tham gia của tư vấn nước ngoài.
Vì thế, khi xây dựng Quy hoạch vùng ĐBSCL, chúng tôi đã xác định rất rõ các quan điểm phát triển của vùng dựa trên phương pháp tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, tổng thể và toàn diện.
Các quan điểm phát triển đã được vạch ra rất rõ, mà trước tiên là phát triển bền vững. Theo đó, quan điểm tổng thể về phát triển vùng ĐBSCL trong thời kỳ tiếp theo là ưu tiên cao nhất việc phát triển bền vững trên cả ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, trong đó, cần duy trì vai trò của đồng bằng là nguồn sống cho môi trường và người dân sống ở đồng bằng, đồng thời chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, coi vốn xã hội - con người là chìa khóa tăng trưởng kinh tế. Môi trường lành mạnh là điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng và tiến bộ văn hóa, xã hội là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng của tăng trưởng.
Quan điểm tiếp theo là biến thách thức thành cơ hội. Quan điểm về chuyển hóa thách thức thành cơ hội trên thực tế đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 120/NQ-CP. Theo đó, bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế. Vì thế, quy hoạch vùng mới sẽ chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”, khai thác hợp lý tiềm năng tài nguyên nước lợ, nước mặn ở vùng ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Rõ ràng, phát triển thuận thiên không nên dừng lại ở việc tận dụng một cách hiệu quả nhất các điều kiện tự nhiên để tăng trưởng kinh tế, mà cần coi các thách thức này là động lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị đối với các hoạt động phát triển, đặc biệt là các hoạt động phát triển ít phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Trong đó, chú trọng việc phát triển, khai thác có hiệu quả các nguồn lực khác của vùng như tài nguyên con người, thể chế, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị hóa và phát triển công nghiệp.
Các quan điểm phát triển khác mà chúng tôi rất coi trọng khi xây dựng Quy hoạch vùng ĐBSCL, đó là phát triển tập trung. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự tụt hậu của vùng ĐBSCL chính là sự phân tán về nguồn lực. Vì thế, trọng tâm của định hướng Quy hoạch vùng lần này sẽ là tìm ra những logic để dẫn tới sự tập trung và mật độ cao hơn theo hướng thuận theo tự nhiên và xu hướng thị trường.
Quan điểm phát triển tập trung đối với vùng ĐBSCL bao gồm: tập trung phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp và vùng đô thị hóa, công nghiệp hóa hiện đại nhằm tạo sự phát triển bứt phá cho vùng ĐBSCL.
Vậy còn câu chuyện liên kết phát triển thì sao, thưa Thứ trưởng? Không chỉ ở vùng ĐBSCL, mà ở các vùng khác cũng vậy, việc liên kết còn lỏng lẻo và kém hiệu quả…
Tăng cường liên kết và phát triển hành lang kinh tế là vô cùng quan trọng. Đây cũng chính là một quan điểm phát triển được chúng tôi xác định rõ khi xây dựng Quy hoạch vùng ĐBSCL.
Một vấn đề nội tại hiện nay là, mặc dù toàn bộ vùng ĐBSCL là một tổng thể rất thống nhất và liên hệ sâu sắc trên cơ sở mối liên hệ khăng khít về điều kiện tự nhiên nói chung và hệ thống nước nói riêng, nhưng sự liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ và đôi khi còn cạnh tranh, mâu thuẫn với nhau. Điều này đã làm giảm đáng kể tiềm năng phát triển của vùng.
Vì thế, Quy hoạch vùng sẽ xác định những định hướng và ưu tiên phát triển rõ ràng của toàn vùng và từng tiểu vùng, tạo cơ sở để các địa phương trong vùng có phương hướng để nâng cao liên kết, cùng hướng tới mục tiêu phát triển chung.
Bên cạnh đó, liên kết phát triển vùng cũng đòi hỏi các nguồn lực của vùng, các địa phương trong vùng phải được định hướng phân bổ có tính chiến lược và tập trung theo các hành lang kinh tế chính trên cơ sở các trục, tuyến giao thông huyết mạch kết nối nội và ngoại vùng và phải phù hợp với thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhâp kinh tế quốc tế… Việc liên kết, hợp tác phát triển giữa các địa phương trong hành lang kinh tế, cũng như giữa các địa phương trong và ngoài hành lang xét theo góc độ các chuỗi cung ứng và cụm liên kết ngành, là điều kiện tiên quyết quyết định sự thành công của các hành lang phát triển này.
Không những thế, để phát triển vùng ĐBSCL, việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu cũng rất quan trọng. Kết cấu hạ tầng chính là một trong những điều kiện quan trọng nhất của việc hoạch định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vùng lãnh thổ và địa phương. Có một hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối, thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng có tính liên vùng, liên quốc gia như giao thông, năng lượng, thông tin truyền thông… với phương châm “đi trước một bước”, là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, vừa giúp tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện phát triển bứt phá nhanh.
Chính vì vậy, định hướng phát triển vùng ĐBSCL trong giai đoạn sắp tới sẽ tập trung ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, đường bộ; hạ tầng liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên nước, phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu…
Vậy tựu trung, trong Quy hoạch, ĐBSCL được định hướng phát triển như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Trong Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ và cả trong Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đã xác định khá rõ về định hướng phát triển vùng ĐBSCL. Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ kế thừa những quan điểm, định hướng phát triển dài hạn đã được xác định trong hai văn bản nói trên để có lộ trình, bước đi cần thiết, phù hợp để đạt được tầm nhìn đó.
Do đó, tầm nhìn đến năm 2050, vùng ĐBSCL sẽ được phát triển thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới, trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế; phát triển chuỗi đô thị động lực, tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng, ứng dụng công nghệ cao với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường kết nối nội vùng, trong nước và quốc tế; bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái quan trọng của vùng; duy trì và tôn tạo bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc; chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển thịnh vượng lâu dài của vùng.