Thủ tướng chỉ đạo khẩn vụ nghi án lừa đảo lịch sử trong ngành điều Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Giao thông - Vận tải, Ngân hàng Nhà nước làm rõ và có biện pháp hỗ trợ phù hợp, đúng quy định.
TIN LIÊN QUAN
Văn phòng Chính phủ vừa có Công điện số 1583/CĐ-VPCP gửi 5 bộ ngành gồm Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Giao thông - Vận tải, Ngân hàng Nhà nước để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xuất khẩu điều sang thị trường châu Âu.
Theo đó, trên cơ sở thông tin phản ánh của một số báo điện tử, trong đó có Báo Đầu tư - baodautu.vn, về việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều có nguy cơ mất trắng hàng chục container hạt điều khi xuất khẩu sang Italia, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các bộ ngành trên, theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân.
Từ đó có biện pháp xử lý, hỗ trợ theo thẩm quyền, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với quy định của pháp luật trong nước và quốc tế, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
Liên quan vụ việc, trước đó Báo Đầu tư - baodautu.vn đã phản ánh, 5 doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam thông qua nhà môi giới là Công ty Kim Hạnh Việt ký xuất khẩu 100 container hạt điều trị giá hơn 1000 tỷ đồng sang Italia theo phương thức thanh toán D/P. Chứng từ gốc được phía ngân hàng Việt Nam chuyển cho Hãng vận chuyển DHL để giao cho ngân hàng nước ngoài.
Tuy nhiên, khi phát hiện ngân hàng của người mua chỉ định bên Italia và Thổ Nhĩ Kỳ báo hoặc chỉ nhận bộ chứng từ photocopy, hoặc người mua không phải khách hàng của họ, nhiều doanh nghiệp nghi án lừa đảo vội ngăn chặn việc gửi bộ chứng từ gốc.
Kết cục, có 36 container hạt điều trị giá hơn 160 tỷ đồng đã bị mất quyền kiểm soát. Với sự nỗ lực của Vinacas và sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Italia, cảnh sát tài chính Italia đã kịp phong toả 5 container đầu tiên tới cảng Genoa (1 trong 5 cảng xếp dỡ hàng hóa chính của Italia và là một trong những cảng biển quan trọng nhất của khu vực Địa Trung Hải đối với lưu thông container). Cả hệ thống cảng của Italia cũng đã được báo động về vụ việc.
Tuy nhiên, nguy cơ người cầm bộ chứng từ gốc đến lấy hàng là rất cao và hãng tàu buộc phải giao hàng theo quy định quốc tế.
Vì vậy mới đây, Vinacas đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và Interpol Việt Nam bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý thành công vụ việc với mục tiêu giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng; không giải phóng hàng cho người nhận ngay cả trong trường hợp họ trình vận đơn gốc, cho phép các doanh nghiệp Việt Nam được nhận lại hàng.
Bởi theo Vinacas thì “đây là vụ việc có dấu hiệu tổ chức tội phạm lừa đảo nên vụ việc cần cơ quan tòa án và Interpol vào cuộc!”.
Kiến nghị này hợp lý, bởi như Báo Đầu tư - baodautu.vn đã dẫn ý kiến nhiều chuyên gia luật, việc kiện cáo ra Tòa quốc tế hay thông qua Trọng tài phán quyết chỉ trong tranh chấp thương mại giữa người mua kẻ bán, trong khi đây là vụ lừa đảo, tức phải cần một cơ quan chuyên môn để điều tra đối với phía Việt Nam và liên kết với tổ chức chống tội phạm quốc tế để điều tra ngoài phạm vi.
Hơn thế, việc huy động, liên kết lực lượng điều tra chuyên môn trong nước và quốc tế là cần thiết bởi xuất khẩu hạt điều Việt Nam đứng số một thế giới, thậm chí chi phối giá cả trên thị trường quốc tế, tức sẽ luôn là đích nhắm của các tổ chức tội phạm quốc tế.
Theo Vinacas, đây là nghi án lừa đảo lớn nhất trong lịch sử ngành xuất khẩu hạt điều Việt Nam.
Tin liên quan
Tin khác