Doanh nghiệp
Thủ tướng "đặt hàng" Viettel vào Top 10 doanh nghiệp viễn thông thế giới vào năm 2025
Hữu Tuấn - 01/06/2019 17:23
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Thủ tướng “đặt hàng” Viettel trở thành tập đoàn công nghiệp và công nghệ hùng mạnh, vươn lên sánh vai, vượt ra so với Huawei, ZTE, Ericsson, Google, Facebook, Samsung…

Hôm nay 1/6, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (01/06/1989 - 01/06/2019).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc duyệt binh trước Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Viettel

Hành trình từ “những người lính làm kinh tế” đến Tập đoàn kinh tế hàng đầu

Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel dành lời cảm ơn đến các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, lãnh đạo Tập đoàn qua các thời kỳ, bạn bè, đối tác trong và ngoài nước, hơn 110 triệu khách hàng trên toàn cầu và gia đình, người thân của mỗi CBNV Viettel và đặc biệt là “những con người đã và đang cống hiến tâm sức và trí tuệ, tuổi trẻ và khát vọng, đoàn kết, chung tay xây dựng Viettel”.

Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển của Tập đoàn, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng chia sẻ, nếu những ngày đầu tiên, Viettel khởi tạo lịch sử của mình bằng sức mạnh cốt lõi là nghề xây cột cao và kéo cáp thuê. Thì sau này, nghề xây cột và kéo cáp đã tạo dựng nên một mạng lưới viễn thông khổng lồ của Viettel. Và giờ đây Viettel đang tiếp tục phát huy ngành nghề truyền thống đó của mình trên toàn cầu.

Nếu những ngày đầu tiên, xây dựng một đường trục cáp quang Bắc - Nam đã là kỳ tích, thì giờ đây, Viettel đã có trong tay 4 đường trục Bắc Nam, 1 đường trục Đông Dương và 6 hướng kết nối quốc tế cả trên biển và đất liền với tổng chiều dài là gần 5 trăm ngàn km, đủ để quấn hơn 12 vòng quanh trái đất.

Nếu những ngày đầu tiên, Viettel chỉ khai thác thiết bị của các nhà sản xuất trên thế giới thì hôm nay Viettel đã làm chủ hầu hết các thành phần của mạng lưới và đang dần thay thế chúng bằng những thiết bị được thiết kế và sản xuất bởi Viettel.

Nếu những bước chân đầu tiên ra thị trường nước ngoài, Viettel mới chỉ đầu tư 40 triệu USD tại thị trường Campuchia. Thì giờ đây, giá trị đầu tư của Viettel vào thị trường Myanamar đã là hơn 1 tỷ USD. Nếu ở thị trường đầu tiên, phải cần tới 2 năm, Viettel mới đạt được 5 triệu thuê bao. Thì giờ đây, ở thị trường Myanmar, Viettel chỉ cần 6 tháng để đạt được con số đó.

Nếu ngày hôm qua, Viettel kết nối để phục vụ nhu cầu nghe gọi của từng người dân. Ngày hôm nay Viettel kết nối vạn vật với nhau và với con người bằng một tốc độ siêu nhanh. Ngày hôm qua, Viettel đưa ra giải pháp phổ cập máy điên thoại ở Việt Nam rồi ở hàng chục nước trên thế giới. Ngày hôm nay, Viettel đang dần phổ cập thiết bị số, ứng dụng số, nội dung số... - hay còn gọi là chuyển đổi số không chỉ ở Việt Nam mà ở 10 quốc gia tại 3 châu lục.

Thủ tướng tham quan Tập đoàn Viettel

 

“Từ mục tiêu ban đầu là quân đội tham gia vào làm kinh tế, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, Viettel đã trở thành nhân tố chính thay đổi căn bản hình thái thị trường viễn thông, phổ cập hóa dịch vụ viễn thông, đưa Việt Nam ra thế giới và hiện nay, Viettel tiếp tục đi đầu và đóng vai trò quan trọng trong kiến tạo xã hội số, cung cấp những giá trị toàn cầu”, ông Dũng nhấn mạnh.

Từ chỗ làm thuê, vươn lên làm chủ, đến nay Viettel là Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, là thương hiệu có giá trị lớn nhất Việt Nam và là một trong 500 thương hiệu lớn nhất toàn cầu.

 

Thành lập năm 1989, Sigelco (tiền thân của Viettel) có nhiệm vụ chuyển một phần cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm của quân đội sang làm kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Sau 30 năm, những người lính làm kinh tế đã gây dựng Viettel trở thành một trong 30 công ty viễn thông lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 500 thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu. Viettel đã hiện diện tại 17 quốc gia, trong đó đầu tư và kinh doanh tại 10 thị trường nước ngoài, doanh thu hàng năm đạt hơn 10 tỷ USD, tương đương với 3% GDP của Việt Nam.

Trong 30 năm hoạt động, từ ngành nghề chính ban đầu là xây lắp công trình viễn thông, đến nay Viettel đã phát triển thêm 5 ngành nghề mới là ngành dịch vụ viễn thông & CNTT; ngành nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử viễn thông, ngành công nghiệp quốc phòng, ngành công nghiệp an ninh mạng và ngành cung cấp dịch vụ số. Viettel được đánh giá là một trong những doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn và hiệu quả nhất Việt Nam, thể hiện ở các tiêu chí doanh thu lớn nhất, nộp ngân sách nhà nước cao nhất, giá trị thương hiệu cao nhất.

Tính từ năm 2000 tới nay, Viettel đã tạo ra hơn 1,78 triệu tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận đạt 334 ngàn tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 134 ngàn tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận / vốn chủ sở hữu thường xuyên đạt từ 30 - 40%. Viettel đã chi 3.500 tỷ đồng thực hiện các chương trình xã hội.

 

Viettel cần đứng trong Top 10 doanh nghiệp viễn thông thế giới

Đến dự và trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tập đoàn Viettel, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng về chặng đường 30 năm ra đời và phát triển của Viettel với những đột phá mạnh mẽ để “hôm nay đã trở thành một tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, có tên tuổi trên trường quốc tế”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Nhân dịp này, Thủ tướng nêu ra 3 vấn đề  để “chúng ta cùng suy ngẫm”. Một là, văn hóa Viettel, triết lý Viettel, tinh thần Viettel là sức mạnh của Viettel. Đây là điều tưởng như không liên quan đến kinh tế, sản xuất kinh doanh nhưng thực ra đây chính là nền tảng cho thành công trong sản xuất kinh doanh, cho những người muốn đi đường xa để có thể phát triển bền vững.

“Tôi hết sức ấn tượng khi đến thăm Viettel thấy treo nhiều khẩu hiệu trong hội trường, ngoài hành lang, nhà làm việc và xưởng sản xuất. Đó là những triết lý hết sức sâu sắc, toát lên bản sắc văn hóa, tinh thần, thái độ làm việc và khát vọng của Viettel”, Thủ tướng chia sẻ.

“Các đồng chí không ngừng gây dựng và bồi đắp văn hóa doanh nghiệp khác biệt, luôn nhận việc khó, thách thức cao, luôn có cách tiếp cận khác biệt, đổi mới sáng tạo, luôn tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp và tài năng cho mọi thành viên, trở thành một trong những môi trường làm việc đáng mơ ước ở Việt Nam, là địa điểm hội tụ và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ cao”.

Hai là, đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Viettel năng động, sáng tạo, tràn đầy hoài bão, đoàn kết và luôn tận tâm với công việc, là tài sản quý giá nhất, là sức mạnh vật chất của Tập đoàn Viettel. Những thành tích của Viettel trong suốt 30 năm qua trước hết là thuộc về đội ngũ nhân lực. Thủ tướng đề nghị Viettel chú trọng gìn giữ và phát huy 2 nguồn sức mạnh đã đưa tập đoàn tiến lên thành công.

Ba là, với sức mạnh tinh thần và sức mạnh vật chất ấy, sau 10, 20, 30 năm nữa Viettel sẽ như thế nào, Thủ tướng đặt vấn đề. Trong báo cáo của Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Viettel có nêu, 30 năm qua, lịch sử Viettel nằm trọn vọn trong những thành tựu chung của đất nước thời kỳ đổi mới. Vậy 10 - 30 năm tới, đâu sẽ là cốt lõi của Viettel tương lai? Thủ tướng cho rằng, đó là công nghệ, là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như “chính chúng ta đã nói, không ai trong chúng ta có thể dự đoán chắc chắn những gì mà công nghệ sẽ mang lại cho cuộc sống của chúng ta. 30 năm trước, chúng ta không thể biết rằng, một cái gì đó gọi là internet sẽ làm nên một cuộc cách mạng kinh tế, chưa khi nào công nghệ lại có thể tạo ra những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với truyền thống như lúc này. Lịch sử cho thấy có những doanh nghiệp không chỉ cung cấp cho thế giới những sản phẩm dịch vụ tuyệt vời mà quan trọng hơn, họ đã làm thay đổi thế giới, phương thức sống và sinh hoạt của con người. Thủ tướng cho biết, ông cảm nhận rất rõ tất cả sự đam mê và khát vọng, tinh thần dám nghĩ, dám làm của hơn 50.000 cán bộ, công nhân viên tập đoàn.

Thủ tướng tham quan Tập đoàn Viettel

Thủ tướng nêu rõ, công nghệ là nhân tố chính để tăng trưởng kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển. Trong thời gian tới, Việt Nam không chỉ hấp thụ công nghệ để làm chủ công nghệ và tích lũy năng lực mà sẽ còn cần phát minh, sáng chế công nghệ. Đó là con đường duy nhất và tất yếu dẫn đến một quốc gia hùng cường, có nền kinh tế phát triển, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, bảo đảm an ninh quốc phòng, đủ sức bảo vệ Tổ quốc.

“Chưa khi nào mà công nghệ lại có thể tạo ra những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt với truyền thống như lúc này, chưa khi nào chúng ta có thể nhìn thấy cơ hội đưa đất nước bứt phá rõ ràng như lúc này”. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Viettel đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tập đoàn Viettel

Thủ tướng đề nghị Viettel làm tốt một số nhiệm vụ, trước hết là xây dựng Viettel trở thành tập đoàn công nghiệp và công nghệ hùng mạnh, mang tầm khu vực và thế giới, là nơi sản sinh ra các công nghệ và cung cấp sản phẩm công nghệ cao có giá trị toàn cầu.

Đến năm 2025, Viettel cần đạt mục tiêu đứng trong nhóm 10 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới, duy trì tốc độ tăng trưởng từ 10% trở lên, trong đó công nghiệp công nghệ cao đóng góp 5% tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận.

Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Viettel đứng trong nhóm nhà sản xuất công nghệ cao có quy mô công nghiệp hàng đầu thế giới, có số sản phẩm cốt lõi đi trước và vượt trội, tạo ra tiêu chuẩn quốc tế.

“Viettel cần vươn lên sánh vai, vượt ra so với Huawei, ZTE, Ericsson, Google, Facebook, Samsung…”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng lưu ý Viettel cần thực hiện tốt trách nhiệm là doanh nghiệp quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia; phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp quốc phòng công nghệ cao; giữ mô hình kiểu mẫu về doanh nghiệp nhà nước; bảo vệ thương hiệu của mình như bảo vệ tài sản của quốc gia; tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, tổ chức bộ máy lãnh đạo, chỉ huy các cấp, tăng cường kỷ luật kỷ cương…

Cùng nhau đưa Viettel tiếp tục sáng tạo vì con người

Chưa khi nào mà các doanh nghiệp công nghệ lại có vai trò và trách nhiệm định hình nền kinh tế, đưa đất nước phát triển rõ nét như lúc này. Đó là những cơ hội mà Viettel nhìn thấy, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nhấn mạnh trong bài phát biểu với chủ đề “Cùng nhau đưa Viettel tiếp tục sáng tạo vì con người” tại buổi lễ.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng phát biểu tại buổi lễ

Theo Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, đây sẽ là cuộc chuyển đổi vĩ đại của Viettel và chỉ trong vòng 2 năm (2019 và 2020), Viettel sẽ phải thực hiện chuyển đổi số thành công.

Trước hết là chuyển đổi chính Viettel trở thành một tổ chức số, được vận hành trên nền tảng số. Cùng với đó, Tập đoàn sẽ được tổ chức theo hướng khách hàng, tinh gọn, linh hoạt, dữ liệu hoá,... tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu về đánh giá và đãi ngộ nhân sự, số hoá các quy trình kỹ thuật, kinh doanh, tài chính, đầu tư,... Làm tốt những gì thế giới đã làm, và sáng tạo cho phù hợp với Việt Nam và Viettel.

“Chỉ khi thực sự là một tổ chức số, Viettel mới có thể thực hiện thành công sứ mạng của mình là thúc đẩy chuyển đổi số để thực sự hình thành xã hội số”, ông Dũng nói.

Để làm được điều này, Viettel sẽ đẩy mạnh 3 ngành công nghiệp công nghệ cao là công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh mạng nhằm bắt nhịp cùng thế giới trong cuộc cách mạng 4.0, đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền của đất nước trên cả không gian thực và không gian ảo.

Trong giai đoạn phát triển tới, Viettel tiếp tục xây dựng hạ tầng viễn thông và CNTT hiện đại nhất làm nền tảng đưa công nghệ 4.0 vào mọi lĩnh vực đời sống. Trước mắt, Viettel đầu tư để sớm nhất triển khai thương mại hóa công nghệ siêu băng rộng 5G, tạo ra hạ tầng kết nối IoT rộng khắp để kết nối hàng tỉ thiết bị, quản lý và điều khiển tự động với tốc độ siêu nhanh, không độ trễ. Cùng với đó, Viettel tiên phong phát triển và cung cấp các ứng dụng, dịch vụ số, gồm thanh toán số - Mobile money, nội dung số, nhất là là trong lĩnh vực giáo dục, thương mại điện tử, công cụ tìm kiếm và mạng xã hội. Với tiềm lực đã tích lũy, Viettel sẽ chủ động tham gia xây dựng Chính phủ điện tử, tập trung xây dựng các cở sở dữ liệu công dân, dữ liệu tài nguyên quốc gia.

“Đó là trách nhiệm của Viettel cũng chính là lời hứa của Viettel - Lời hứa về việc tiếp tục duy trì sứ mệnh “Sáng tạo vì con người”, Lời hứa luôn bảo vệ và phụng sự cho Tổ quốc, góp phần hưng thịnh đất nước. Tinh thần ấy sẽ là tôn chỉ trong mọi hành động của Viettel hôm nay và ngày mai”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác