Đầu tư
Thủ tướng đưa ra 3 mục tiêu quan trọng mà ngành logistics hướng tới
Lê Quân - 02/12/2024 16:13
Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra 3 mục tiêu quan trọng mà ngành logistics cần hướng tới là: giảm chi phí logistics; nâng tỷ trọng ngành logistics trong GDP đạt 20%; nâng tốc độ tăng trưởng logistics lên 20%.

Ngày 2/12, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024, với chủ đề "Khu thương mại tự do, giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics".

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024. 

Về hạ tầng logistics, Nhà nước đã đầu tư hệ thống đường cao tốc đạt trên 2.000 km. Việt Nam cũng đang quyết tâm xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, kết nối với đường sắt của Lào và Trung Quốc.

Trong khi, hệ thống sân bay phát triển tương đối tốt, vận tải đường thủy nội địa được gia tăng, trung tâm logistics được đầu tư mạnh mẽ.

Nhờ vậy, số doanh nghiệp logistics tiếp tục gia tăng, khi năm 2023, có 7.919 doanh nghiệp logistics thành lập mới. Đào tạo nguồn nhân lực logistics cũng được đẩy mạnh khi có 49 trường đại học có ngành học logistics.

Với sự đầu tư đồng bộ, nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế về logistics của Việt Nam được cải thiện đáng kể. Số liệu xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, cho thấy năm 2023, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam xếp 43/139, Việt Nam đã được xếp hạng thuộc nhóm 5 thị trường dẫn đầu ASEAN.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại của ngành logistics hiện nay như chí phí logistics còn cao, nguồn nhân lực còn yếu và thiếu; doanh nghiệp phát triển chưa mạnh; mối liên kết giữa các phương thức vận tải với kho bãi còn hạn chế; hạ tầng logistics còn lạc hậu.

Từ những hạn chế đã chỉ ra, Thủ tướng nêu rõ 3 mục tiêu phát triển cho ngành logistics gồm: giảm chi phí logistics so với GDP Việt Nam từ 18% xuống còn 15% trong năm 2025;  nâng tỷ trọng ngành logistics Việt Nam trong quy mô GDP từ 10% lên 15% và phấn đấu đạt 20%, nâng tỷ trọng của ngành logistics Việt Nam so với quy mô ngành logistics toàn cầu từ 0,4% lên 0,5% và phấn đấu đạt 0,6%; nâng tốc độ tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam từ 14-15% mỗi năm hiện nay lên 20%.

Để đạt được 3 mục tiêu đề ra, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và doanh nghiệp thực hiện 7 giải pháp đột phá để phát triển ngành logistics, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức 2 con số mỗi năm.

Trong đó, cần khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh trong chuỗi logistics thế giới. Tiếp đến là tạo đột phá thể chế theo hướng thông thoáng; xây dựng hạ tầng thông suốt để giảm chi phí logistics…

“Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo, tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng cho sự phát triển, thiết kế công cụ huy động nguồn lực, giám sát, kiểm tra” Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, phát triển ngành logistics trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào.

Thủ tướng tin tưởng rằng, với tiền đề hiện có và đà tăng tốc, bứt phá, ngành logistics Việt Nam sẽ tự tin, phát triển mạnh mẽ hơn nữa với nhiều trung tâm dịch vụ logistics chất lượng cao gắn với các khu thương mại tự do.

Trong đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải đi đầu trong quá trình phát triển ngành logistics, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Tin liên quan
Tin khác