Ngày 15/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi thư khen các cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh), Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Ngày 15/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi thư khen các cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế các bệnh viện đã thực hiện ghép tạng cứu nhiều người. |
Thủ tướng vui mừng và tự hào khi biết vừa qua, gần 120 y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của các bệnh viện, với tinh thần hết sức khẩn trương, sự tập trung cao đội và phối hợp nhịp nhàng kịp thời lấy, vận chuyển và ghép tạng thành công cho 7 người tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Trung ương Huế.
Trong thư Thủ tướng nhấn mạnh, ca lấy ghép tạng thành công thể hiện rõ nét những tiến bộ vượt bậc bề trình độ, kỹ thuật chuyên môn sâu, kinh nghiệm phong phú của ngành y tế Việt Nam, đặc biệt là làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, liên tiếp thực hiện thành công nhiều ca ghép đa tạng thời gian qua.
“Đồng thời, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sự tận tuỵ, hết lòng vì bệnh nhân của các ê kíp thực hiện đã "chạy đua thời gian", triển khai nhanh chóng, hiệu quả, chính xác những kỹ thuật khó trong thời gian ngắn, mang đến thành công của ca ghép tạng, thắp lên hy vọng hồi sinh cho các bệnh nhân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Chính phủ, đây là minh chứng sống động cho sự nhận thức ngày càng được lan toả sâu rộng trong xã hội về hiến tạng cứu người- một nghĩa cử cao đẹp, biểu trưng cho truyền thống "tương thân tương ái" tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, sự tiến bộ quan trọng về chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế nói chung, của những y bác sĩ, cán bộ, nhiên viên y tế trong lĩnh vực ghép tạng nói riêng, nhất là tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Bên cạnh đó, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc và tri ân tấm lòng gia đình người hiến tạng đã nêu cao tinh thần "cho đi là còn mãi", vượt qua nỗi đau, mất mát để gieo mầm sự sống, hạnh phúc cho nhiều gia đình, bệnh nhân khác.
Qua những thành công này, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng rằng Bộ Y tế, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên cả nước thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển chuyên môn kỹ thuật, đúc kết nhiều hơn nữa những kinh nghiệm quý về lấy, ghép tạng; điều hành hiệu quả, kịp thời triển khai lĩnh vực quan trọng này.
Thủ tướng chính phủ cũng mong muốn trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ thúc đẩy phát triển mạng lưới hiến tặng mô, tạng trong cả nước; phát động mạnh mẽ, sâu rộng phong trào đăng ký hiến mô, tạng, mang lại sự sống cho những bệnh nhân đang ngày đêm mong mỏi.
Nhìn lại hơn 30 năm qua, kể từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992 tại Bệnh viện Quân y 103 đến nay, lịch sử ngành ghép tạng Việt Nam đã liên tục có nhiều dấu mốc như ca ghép gan bệnh nhi đầu tiên, ca ghép gan người lớn đầu tiên, ca ghép tim đầu tiên, ca ghép phổi đầu tiên, ca ghép thận đổi chéo người cho đầu tiên… và nhiều ca ghép quan trọng khác đã được thực hiện thành công.
Các chuyên gia đánh giá dù công tác ghép tạng của Việt Nam xuất phát sau thế giới 40 năm nhưng lại có tốc độ phát triển vượt bậc và đuổi kịp thế giới.
Những năm qua, các ca ghép tạng thành công, hồi sinh sự sống cho biết bao bệnh nhân như một lời khẳng định tay nghề của các bác sĩ nước nhà đã tiếp cận và chinh phục được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng.
Để có thể làm được điều đó là nỗ lực không ngừng nghỉ, cố gắng học hỏi, rèn luyện và nâng cao kỹ thuật, kiến thức của các nhà khoa học, thầy thuốc, phẫu thuật viên với mong muốn mang lại sự sống cho hàng ngàn bệnh nhân.
GS-TS.Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam nhận định ghép tạng được xem là điều kỳ diệu của y học bởi đây là biện pháp duy nhất cứu người bệnh suy tạng. Công tác ghép tạng của Việt Nam xuất phát sau thế giới 40 năm nhưng lại có tốc độ phát triển vượt bậc và đuổi kịp thế giới.
Một số ý kiến khác cho rằng, hiện tạng ghép chỉ có thể đáp ứng chưa đến 10% số người bệnh do thiếu tạng hiến, thiếu khả năng tài chính. Do vậy cơ quan bảo hiểm xã hội nên chi trả hậu hơn cho ghép tạng, nhất là ghép thận.
Ở khía cạnh vĩ mô khác, nên phát triển ghép tạng đến các cơ sở đủ điều kiện. Việc mở rộng này là cách để các địa phương chia sẻ bớt gánh nặng kinh phí tại các bệnh viện lớn.
Để làm được điều đó, bệnh viện tuyến trước, ngành Y tế cần có chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn để phát triển kỹ thuật ghép tạng nói chung, ghép thận nói riêng vì bệnh nhân ghép thận hiện chiếm số lượng lớn.