Khẳng định vụ việc không phải do Tập đoàn BMW tại Đức mà là do 1 số người ở đại lý Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, việc thay đại lý là cần thiết.
“Chúng tôi sẽ điều tra xử lý nghiêm để bảo vệ môi trường tốt cho các nhà đầu tư khác, đảm bảo quyền lợi. Đồng thời, tôi sẽ yêu cầu Hải quan cho phép Tập đoàn vào bảo dưỡng thiết bị, để số ô tô còn lại trị giá 15 triệu euro không hư hỏng”, Thủ tướng nói và cũng cho biết, việc này sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Trước đó, tại buổi gặp mặt này, ông Karsten Engel, Tổng giám đốc phụ trách ASEAN của Tập đoàn BMW đã bày tỏ, muốn sản xuất linh kiện ô tô ở Việt Nam và sử dụng phần mềm do người Việt Nam sản xuất cho ô tô của chúng tôi trên toàn thế giới.
Số xe này đã nằm ở cảng nhiều tháng nay và không có bất cứ điều kiện bảo quan nào theo quy trình bảo quản xe mới, vì vậy ngày một giảm phẩm cấp một cách xót xa.
Tuy nhiên, đại diện BMW cũng cho hay, họ đã không xuất khẩu vào Việt Nam từ 7 tháng nay và khoảng 700 ô tô trị giá 15 triệu euro đang bị giữ ở cảng.
“Chúng tôi muốn vụ này sớm được giải quyết để số ô tô này không phải bị huỷ”, ông Karsten Engel nhấn mạnh.
Vào ngày 30/11/2016, Bộ Tài chính đã có văn bản hỏa tốc, yêu cầu Tổng cục Hải quan ngừng thông quan toàn bộ số xe BMW hàng nhập khẩu của Công ty cổ phần ô tô Âu Châu (Euro Auto).
Theo Bộ Tài chính, trong quá trình thanh kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với hoạt động nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, Euro Auto đã có một loạt vi phạm như tự ý tiêu thụ hàng hóa (là lô hàng ô tô nhập khẩu BMW) khi chưa được cơ quan Hải quan địa phương cho thông quan trong thời gian được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định.
Công ty này không cung cấp được Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các hồ sơ, chứng từ, tài liệu của ô tô BMW từ công ty nhập khẩu, có dấu hiệu gian lận, lừa dối khách hàng. Đặc biệt, Công ty Euro Auto được xác định đã sử dụng tài liệu giả như hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại... để nhập khẩu lô xe BMW.