Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Namsangts 19/12/2018. |
Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam diễn ra tại Hà Nội sáng 19/12/2018 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Hội nghị có sự tham dự của 300 đại biểu, trong đó có nhiều doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội ngành hàng..., đưa ra những cái nhìn khách quan và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành được coi là “xương sống” cho sự phát triển công nghiệp cũng như nền kinh tế đất nước.
Theo Bộ Công Thương, thực trạng chung của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay là quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế: Số lượng ít, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.
Số doanh nghiệp đang hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động.
Xác định vai trò của ngành này, những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Thế nhưng, theo các chuyên gia, cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này vẫn cần hoàn thiện, vẫn còn khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn. Chẳng hạn, chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam.
Qua các năm gần đây, các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến chiếm tỷ trọng cao, gần 90% trong tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp khoảng gần 14% GDP, giá trị gia tăng rất thấp so với các ngành công nghiệp khác.
Là ngành đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2, tốc độ tăng trưởng những năm gần đây đều đạt 2 con số, dệt may dù đã thu hút một lượng lớn vốn đầu tư mở rộng quy mô ngành, nhưng vẫn đang ở trong tình trạng thiếu vải.
Theo ông Nguyễn văn Tuấn, Chủ tịch VCOSA, ngành dệt may xuất khẩu 35-36 tỷ USD trong năm 2018, nhưng tỷ trọng khối FDI đóng góp tới 65%, sau 18 năm phát triển, ngành dệt may vẫn được đánh giá là ngành còn dư địa phát triển 20-30 năm nữa.
“Năm nay ta xuất 35 tỷ USD hàng dệt may, quy mô ngành lớn là vậy nhưng không mạnh và dễ bị tổn thương, sản xuất còn bị “thắt cổ chai” bởi phần lớn lượng vải phục vụ làm hàng xuất khẩu và nội địa đều phụ thuộc nhập khẩu, nên giá trị gia tăng không lớn”, ông Tuấn nêu.
Ông Tuấn nêu, những năm qua, nhờ chi phí sản xuất cạnh tranh và các chính sách ưu đãi, Việt Nam đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp dệt may. Nhưng, phần lớn doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI) chỉ tập trung đầu tư sợi, may, chưa mặn mà đầu tư nhuộm, hoàn tất vải....
Ngành sợi đã phát triển tốt, nhưng vì khâu sản xuất vải không phát triển, mà mấu chốt là mảng nhuộm nên sợi bị tắc nghẽn, 2/3 lượng sợi sản xuất ra phải xuất khẩu. Để tháo gỡ vẫn phải là đầu tư sản xuất vải.
“Nếu không có vải, một loạt FTA thế hệ mới đã ký kết, với điều kiện xuất xứ từ vải trở đi sẽ bị giảm giá trị đi rất nhiều”, ông Tuấn nhận định.
Theo tính toán của ngành dệt may, ngành hiện đang thiếu vải trầm trọng, chi nhập khẩu vải hàng năm vẫn hơn chục tỷ USD.
Từ nay đến 2020, cần thêm 1,7 tỷ mét vải phục vụ sản xuất, nếu không nhập khẩu thì phải có 1,7 tỷ USD để đầu tư sản xuất vải. Đến 2025, cần 10 tỷ mét vải, thì tương ứng cần 10 tỷ USD vốn đầu tư.
“Bởi vậy, ngành dệt may cần có một chiến lược cho đầu tư sản xuất vải, muốn thế thì phải có các khu công nghiệp để thu hút vốn FDI, vốn trong nước vào nhuộm, có nhuộm rồi thì mới có vải. Chiến lược phát triển ngành dệt may trong thời gian tới chắc chắn phải lấy trọng tâm là sản xuất vải”, ông Tuấn đề nghị.
Nghe Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA) nói về “nút thắt cổ chai” trong ngành dệt may, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Lê Tiến Trường về nhiệm vụ đầu tư ngành nhuộm, nhằm tháo điểm nghẽn thiếu hụt vải trong ngành dêt may.
Thủ tướng lưu ý, cần phải xây dựng hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ cho dệt may, trong đó trung tâm là hút đầu tư nhuộm. Ngành dệt may phải có các khu công nghiệp đồng bộ để thu hút nhà đầu tư.