Doanh nghiệp
Thua lỗ, nhiều doanh nghiệp “dọa” hủy cung cấp găng tay y tế
Ngô Nguyên - 15/12/2020 08:26
Hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM trúng thầu cung cấp găng tay y tế đang “đòi” tăng giá bán, tạm dừng hợp đồng đã ký vì lỗ, khiến các bệnh viện “than trời”.
Công an TP.HCM bắt quả tang kho găng tay y tế giả nhãn mác nhiều nhãn hiệu ở Công ty TNHH Sản xuất thương mại thiết bị TTH.

Bệnh viện kêu khó vì doanh nghiệp đòi tăng giá

Sở Y tế TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Y tế, UBND TP.HCM và các sở, ngành liên quan về tình hình sản xuất, cung ứng và sử dụng găng tay cao su y tế trên địa bàn TP.HCM.

Theo Sở Y tế TP.HCM, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu, cung ứng găng tay cao su y tế như Công ty CP Thương mại dịch vụ Mai Việt Anh (quận Tân Bình), Công ty CP Merufa (quận Phú Nhuận), Công ty TNHH Sản xuất thương mại Nam Tín (quận Bình Tân), Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế TP.HCM (YTECO) đồng loạt kiến nghị cho phép điều chỉnh giá bán găng tay y tế trong hợp đồng mua bán với các bệnh viện đã trúng thầu trước đó.

Trong trường hợp không nhập được nguyên liệu, thời gian giao nguyên liệu sản xuất kéo dài, giá nguyên vật liệu tăng cao hoặc các đơn hàng nhập khẩu kéo dài, các doanh nghiệp trên kiến nghị cho phép chấm dứt hợp đồng để điều chỉnh lại giá cho phù hợp.

Thậm chí, có doanh nghiệp còn đề nghị các đơn vị y tế phải thanh toán ngay tiền đã bán găng tay y tế trước đó…, vì các đơn vị này thường thanh toán chậm.

Đại diện các bệnh viện, cơ sở y tế tại TP.HCM cho biết, việc sử dụng găng tay y tế phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh, đặc biệt là công tác phòng, chống Covid-19 tăng cao so với năm 2019, nhưng số lượng găng tay theo hợp đồng mua bán với các công ty đã trúng thầu trước đó không đủ đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, việc các doanh nghiệp này chậm cung cấp hàng, đòi tăng giá bán, xin điều chỉnh giá hợp đồng đã ký gây nhiều khó khăn cho hoạt động khám, chữa bệnh.

Doanh nghiệp sản xuất: mất tiền bảo lãnh hợp đồng còn hơn Chịu lỗ

Covid-19 đã gây ra nhiều thiệt hại và còn diễn biến khó lường, nên việc nâng cao ý thức phòng chống dịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và từng người dân.

Tại sao trong lúc các bệnh viện, cơ sở y tế ở tuyến đầu đang phải “gồng mình” thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ khám, chữa bệnh và phòng, chống Covid-19, thì các doanh nghiệp lại có những động thái gây khó như trên?

Tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã có văn bản gửi cơ quan chức năng để lý giải sự việc.

Cụ thể, Tổng giám đốc Merufa, ông Lưu Tiến Cảo đã ký Văn bản số 539 gửi Sở Y tế TP.HCM giải trình, do Covid-19, Merufa phải gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu, nhưng giá găng tay y tế liên tục tăng từng ngày, từng giờ. Nếu như giá thầu cuối năm 2019, đầu năm 2020 của mặt hàng găng tay khám bệnh là 869 đồng đến 1.140 đồng/đôi, thì đến nay, giá thị trường đã lên tới 2.450 đồng đến 2.650 đồng/đôi. Dự báo, năm 2021, giá găng tay y tế có thể tăng 15 - 30% nếu Covid-19 chưa thể khống chế.

Merufa là doanh nghiệp sản xuất, nên phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu mủ cao su latex. Nguồn cung nguyên liệu này khan hiếm, nên Công ty phải mua giá cao và phải trả hết tiền trong tháng 11/2020. Hiện Merufa còn phải cung cấp hơn 7,8 triệu đôi găng tay khám bệnh (giá 880 đồng đến 1.140 đồng/đôi) và hơn 1,3 triệu đôi găng tay phẫu thuật (giá 2.688 đồng đến 3.500 đồng/đôi) theo hợp đồng đã ký với các bệnh viện.

Theo phía Merufa, giá nguyên liệu tăng, trong khi giá bán cho các bệnh viện quá thấp, nên với 2 mặt hàng còn phải cung cấp theo hợp đồng đã ký, Công ty sẽ lỗ khoảng 12,8 tỷ đồng, trong khi số tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng không quá 800 triệu đồng. “Nếu không có các biện pháp hỗ trợ từ Sở Y tế, thì có khả năng, Marufa buộc phải xin ngừng thực hiện và chịu mất tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng”, văn bản của Marufa nêu.

Từ đó, Merufa đề nghị được thanh toán hết tiền hàng đã giao; điều chỉnh tăng giá với lượng hàng còn lại kể từ tháng 12/2020 và phải thanh toán trong vòng 15 ngày; hoặc cho dừng cung cấp và tổ chức đấu thầu lại. Thậm chí, doanh nghiệp này còn đề nghị nghiên cứu bổ sung vào hồ sơ thầu quy định: trong trường hợp giá thị trường tăng cao liên tục, kéo dài, “nếu nhà thầu có giá trúng thầu thấp hơn so với giá chung thị trường từ 20% trở lên và kéo dài ít nhất 3 tháng, thì nhà thầu được tăng giá cho phần số lượng còn lại”.

Tương tự, cũng với lý do mủ cao su latex tăng cao, khan hiếm, dẫn tới giá thành sản phẩm tăng, trong khi giá theo hợp đồng đã ký thấp, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Nam Tín (doanh nghiệp sản xuất găng tay y tế) cho rằng, Công ty bị lỗ trong những hợp đồng đang cung cấp cho các bệnh viện đã trúng thầu trước khi Covid-19 bùng phát. Công ty này đề nghị được hỗ trợ giá găng tay y tế để giảm lỗ và có nguồn vốn sản xuất.

Doanh nghiệp nhập khẩu: Khó khăn vì đứt nguồn hàng

Không riêng doanh nghiệp sản xuất trong nước, các doanh nghiệp nhập khẩu găng tay y tế cũng “đòi” điều chỉnh giá trần đấu thầu.

Cụ thể, YTECO có Văn bản số 0631/2020/YTC/MAR ngày 13/11/2020 gửi Sở Y tế TP.HCM giải trình: trước thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19, YTECO có nhập nguồn hàng găng tay y tế từ Thái Lan để tham gia thầu, cung ứng cho một số đơn vị y tế tại TP.HCM và đã cung ứng đủ số lượng theo hợp đồng đã ký.

Hiện phía nhà cung cấp Thái Lan cho hay, nhà máy đang quá tải do nhu cầu đặt hàng tăng cao và không thể cung cấp hàng bằng mức giá các đơn hàng mà YTECO đã nhập. Giá nhập găng tay y tế hiện tăng gấp 3 lần so với giá trần của các đơn vị trong nước mời thầu và nhà cung cấp Thái Lan chỉ nhận đơn hàng mới vào đầu tháng 1/2021. Do đó, YTECO không thể tiếp tục nhập hàng để cung cấp trong nước.

Cũng theo doanh nghiệp này, chỉ khi các sở, ngành của TP.HCM xem xét lại giá trần đấu thầu, rút ngắn thời gian mời thầu và cung cấp một lần, bỏ các điều khoản giảm giá (vì các doanh nghiệp phải chốt đơn và nhập một lần để đủ nguồn cung cấp), thì YTECO “sẽ tiếp tục liên hệ nhà cung cấp, tìm kiếm và sẵn sàng nhập khẩu khi có nguồn hàng và cung ứng cho các cơ sở y tế…”.

Tương tự, Công ty CP Thương mại dịch vụ Mai Việt Anh cho hay, từ tháng 2/2020, giá găng tay y tế liên tục tăng và biến động từng ngày do nguyên liệu sản xuất tăng và khan hiếm, lại bị chậm nhập do Covid-19. Từ đó dẫn tới, nhà máy mà Công ty đang nhập khẩu bị thiếu nguyên liệu sản xuất, nên hàng hóa bị giao trễ, kéo dài thời gian trả hàng. Các đơn hàng của Mai Việt Anh đặt từ tháng 7/2020 vì vậy cũng bị trễ liên tục, kéo dài, khiến doanh nghiệp này đứt nguồn hàng, không cung cấp được cho các bệnh viện trong nước.

Đến thời điểm này, nhà máy mà Công ty Mai Anh Việt đang nhập hàng đã không nhận đơn, vì lượng đặt hàng găng tay y tế của thế giới quá lớn, phải ưu tiên cho các nước đang bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19.

Công ty Mai Việt Anh cũng “than” gặp nhiều khó khăn về tài chính, khi giá sản phẩm tăng liên tục, nhưng vẫn phải duy trì giao hàng cho các bệnh viện theo giá trúng thầu rất thấp từ tước đó. “Chúng tôi mong muốn giữ uy tín với bệnh viện để tiếp tục tham dự (dự thầu - PV) khi tình hình ổn định trở lại… Rất mong được Ban lãnh đạo Sở Y tế có chỉ đạo, định hướng để doanh nghiệp có thể tìm ra hướng mở và phát triển trở lại sau dịch Covid-19, chứ không phải nằm trong nhóm bị giải thể sau Covid-19”, văn bản của Công ty Mai Việt Anh bày tỏ.

Sau khi tiếp nhận kiến nghị từ các doanh nghiệp, được biết, Sở Y tế TP.HCM đang… kiến nghị Sở Công thương TP.HCM xem xét tháo gỡ khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất găng tay cao su y tế và xem xét hạn chế việc xuất khẩu găng tay cao su y tế trước tình hình khan hiếm trong nước; kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM xem xét và hướng dẫn các đơn vị y tế liên quan việc các công ty cung ứng găng tay tăng giá, chấm dứt hợp đồng, không tham gia đấu thầu cung ứng…

Báo động đỏ từ các vụ lừa đảo trong sản xuất, kinh doanh găng tay y tế

Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu mặt hàng găng tay y tế tăng mạnh, trong khi đó, nguồn cung lại khan hiếm, nên đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.

Điển hình, ngày 3/12 vừa qua, tại cảng Cát Lái (TP.HCM), Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã kiểm tra 2 container của một doanh nghiệp và phát hiện 1.070 thùng carton không nhãn mác chứa găng tay cao su các loại, hàng để rời, nhàu nát, dính bụi bẩn, mốc, không nhãn hiệu…, nghi vấn là găng tay y tế đã qua sử dụng.

Trước đó, tháng 11/2020, Công an TP.HCM đã bắt tạm giam Nguyễn Khánh Nguyên, đại diện Công ty TNHH MTV Boowoo về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo điều tra, lợi dụng thị trường găng tay y tế khan hiếm, Nguyên lừa đối tác nước ngoài ký hợp đồng đặt mua 10 triệu hộp găng tay y tế với tổng giá trị 59 triệu USD. Đối tác chuyển trước hơn 2,5 triệu USD và yêu cầu giao hàng mẫu, thì Nguyên không giao và trốn tránh.

Tháng 8/2020, Công an TP.HCM cũng bắt tạm giam Thạch Thị Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại thiết bị TTH và nhiều đối tượng khác bởi hành vi mua găng tay y tế đã qua sử dụng, găng tay kém chất lượng rồi đóng gói giả các nhãn hiệu nổi tiếng và bán ra thị trường. Lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 2,3 triệu găng tay giả, trị giá trên 3 tỷ đồng; 10 bao tải chứa đồ bảo hộ y tế; 3.400 hộp găng tay y tế; 700 vỏ thùng carton in hình nhãn hiệu găng tay y tế; 500 kg nguyên liệu găng tay y tế không nhãn mác; 400 vỏ hộp găng tay y tế cùng nhiều tem nhãn giả nhãn hiệu nổi tiếng.
Tin liên quan
Tin khác