Ngày 29/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã có buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong năm 2021.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp phép cho 19 dự án với tổng mức đầu tư 12.815,8 tỷ đồng và cấp điều chỉnh 12 dự án, trong đó tăng vốn đầu tư 4 dự án, có vốn đầu tư tăng thêm 293,6 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương chủ trì cuộc họp. |
Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày, quảng bá sản phẩm tại Văn phòng Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh quảng bá các chương trình, các sản phẩm đặc trưng trên các kênh truyền thông, các trang mạng xã hội.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên ảnh hưởng đến tình hình đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tính từ đầu năm đến 25/6/2021 số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 324 doanh nghiệp (giảm 13,6% so với cùng kỳ) đạt 40,5% kế hoạch; Tổng số vốn đăng ký là 2.619,825 tỷ đồng (giảm 48,8% so với cùng kỳ).
Triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành 100% các nhiệm vụ trong chương trình công tác của Sở. Ưu tiên tham mưu các nhiệm vụ quan trọng như lập quy hoạch tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022; Xúc tiến trình phê duyệt đề án xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công…
Đổi mới hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư, ứng dụng hình thức xúc tiến trực tuyến, hoàn thiện dự án chấp thuận chủ trương sẵn sàng kêu gọi đầu tư; thành lập tổ công tác xúc tiến doanh nghiệp sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản để bổ sung nguồn thu cho địa phương.
Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được thông qua đến với cộng đồng doanh nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt ưu tiên chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen quản lý, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh.
Rà soát tiến độ thực hiện của các dự án đã cấp bị chậm theo quy định tại quyết định chủ trương đầu tư, các dự án đã đi vào hoạt động, các dự án giám sát đặc biệt, các dự án đôn đốc, các dự án cần hỗ trợ, các dự án đang kêu gọi đầu tư...
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các dự án trọng điểm để đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; Giám sát, đánh giá đầu tư, cập nhật báo cáo kết quả thực hiện hàng tháng.
Chủ tịch Nguyễn Văn Phương cho rằng, mặc dù tỉnh đã rất nỗ lực, tạo điều kiện trong việc kêu gọi đầu tư vào tỉnh, tuy nhiên quá trình triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc như công tác phối hợp giữa các ngành, thủ tục hành chính, quy trình vận hành… Vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải tăng cường phối hợp, tiến hành nghiên cứu, tham mưu các giải pháp cụ thể, đi sâu vào thực trạng, vấn đề đang vướng mắc để tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng chảy đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các giải pháp hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc liên quan các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng,…
Tập trung các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xã hội; trong đó cán bộ Sở là lực lượng chủ công, phải am hiểu, bám việc, tập trung vào các điểm vướng mắc để giải quyết triệt để trong thời gian tới.